“Trông Sơ cũng hơi… cùi cùi?”

Cui01Như quý vị đã biết, đầu năm 2014, Hồng Ân đã nhận trợ giúp thêm cho 2 nhóm bệnh nhân phong cùi nghèo tại Kontum, Gia Lai.  Càng biết thêm về tình trạng sống của họ, Hồng Ân càng thấy xót xa cho thân phận của những người bất hạnh này.

Người mắc bệnh phong cùi không giống như người bị những thứ bệnh khác.  Bệnh nhân phong thường bị mọi người xa lánh, xua đuổi, dù rằng hiện nay người ta đã biết rằng không phải vì tội lỗi họ phạm khiến cho thân xác họ phải mang cơn bệnh ngặt nghèo này; nhưng có lẽ phần nào đó vì các bệnh khác, ngay cả ung thư, khi bị nặng, cũng chỉ khiến cho bệnh nhân gầy yếu, hốc hác, liệt giường; nhưng với bệnh nhân phong cùi, nếu không được chữa trị, da thịt họ sẽ bị phát nhọt, lở loét, vi trùng ăn sâu vào các ngón tay ngón chân.  Rồi thêm lông mày rụng, mắt lộ ra, giọng nói khàn đi vì thanh quản cũng bị lở.  Thân xác người bệnh dần dần biến đổi như thế khiến cho người chung quanh thấy ghê sợ.  Họ trở nên dị dạng giữa mọi người!  Vì thế, dù rằng ngày nay, bệnh phong cùi không còn là bệnh nan y nữa và nhiều tài liệu cho biết “Bệnh cùi lây trong trường hợp sống chung đụng một thời gian dài với người đang mang bệnh. Thường thì 95% người có sức khoẻ bình thường có sức đề kháng mạnh chống lại vi trùng cùi. Họ không bị lây ngay cả đến việc giao tiếp hằng ngày với bệnh nhân” nhưng nói chung, người ta vẫn sợ bệnh này và vẫn còn cái nhìn dè dặt, thiếu thiện cảm với người mắc bệnh. Cui-set

Hồng Ân nhớ lần đến thăm 1 “làng cùi” ở Kontum, gặp Sơ phụ trách là y tá, chuyên khám bệnh, phát thuốc cho người phong cùi.  Sơ đã tỉnh bơ cầm tay ông cụ bệnh nhân phong lở loét, chỉ vào “lỗ đáo” trên tay của ông và trách ông vì đã không giữ vệ sinh, không uống thuốc đều đặn để bệnh thêm nặng.  Thấy có người hỏi: “Sơ không sợ lây bệnh à?”  Sơ cười và trả lời ngày: “Trời, chị tưởng là dễ mắc bệnh cùi lắm à?”  Trước cửa nhà Sơ, lúc nào cũng có luẩn quẩn vài bệnh nhân và các trẻ nhỏ.  Sự thân thiện và thương mến của Sơ đối với dân nghèo và các bệnh nhân phong cùi khiến cho nhiều người cảm thấy ấm lòng và lúc nào cũng muốn được ở gần bên chị nữ tu nhỏ bé.

Tài liệu nghiên cứu về căn bệnh này cho biết:  Khi người bệnh uống thuốc chữa trị thì hầu hết các vi trùng trong người bị chết ngay trong vài ngày đầu, và sau hai tuần, thường thì người cùi không còn lây nữa. Ðể diệt trừ bệnh phong cùi, ngày nay bệnh nhân không cần thiết phải bị tách riêng ra một nơi, khỏi xã hội, làng xóm, khỏi những người thân trong gia đình. Bệnh cùi không lây qua sự giao hợp giữa vợ chồng hay di truyền cho con cái qua việc sanh sản”.  Nhưng trên thực tế, khi mới biết mình mắc bệnh, bệnh nhân thường cố dấu diếm bao nhiêu có thể với mọi nguời chung quanh, có khi ngay cả với gia đình của họ.  Và khi bệnh đã trở nên quá nặng, thịt da lõm vào, phát nhọt, lở loét… không còn che đậy được nữa thì lúc ấy, dù có uống thuốc, chữa bệnh, các “di tích” trên thân thể vẫn còn đó, và vẫn làm cho người chung quanh sợ hãi, xa lánh.

Đối với người “Kinh” thì gia đình sẽ đưa họ vào các Trại Cùi (Trại Phong) và hầu hết các bệnh nhân sẽ ở lại đây cho đến chết, xa hẳn thế giới bên ngoài.  Rồi cũng không thiếu những bệnh nhân bị gia đình đưa vào đây, sau đó chỉ đến thăm họ một vài lần và không trở lại nữa.  Gia đình cũng có nỗi khổ về tâm lý vì họ cũng không muốn ai biết họ có thân nhân mắc bệnh phong cùi, vì rồi chính họ e rằng cũng sẽ bị mọi người xa lánh, bị đẩy ra khỏi các sinh hoạt chung của cộng đồng.  Vì thế, rất nhiều gia đình phải đành đưa cha/mẹ/chồng/vợ/anh/chị/em của mình vào Trại Cùi rồi cắt bỏ mọi liên lạc với bệnh nhân.

Đối với người “Dân Tộc thiểu số” thì họ được rất ít sự quan tâm của nhà nước, nên Trại Cùi dù cũng có, nhưng chỉ một số nhỏ người bệnh được nhận vào chữa trị.  Vì thế, nếu buôn làng của họ có vài người cùng mắc bệnh này, thì họ có thể tụ lại sống thành nhóm nhỏ với nhau.  Sau đó, có thể sản sinh thêm con cái, và trở thành “làng”, hoặc có thể là họ sẽ lần lượt chết dúi dụi ở một góc rừng nào đó!  Các “nhóm nhỏ” khởi đầu thường sống rất chật vật vì họ ít người, lại bị buộc cách xa người “khoẻ mạnh”, nên phải lui vào tận rừng sâu, tự lực cánh sinh trong môi trường thiên nhiên của rừng xanh đầy khắc nghiệt.  Người khoẻ còn khó sống, nói gì đến người bệnh phong khuyết tật.

Hồng Ân nhớ có lần nhận được thông tin về 2 cặp vợ chồng bệnh phong cùi, sống trong rừng sâu, được trợ giúp 1 cái giếng đào.  Các ông bà mừng rỡ hân hoan, vì từ nay, họ không còn phải đi xa để lấy nước nữa. Nhìn những khuôn mặt cười như mếu của họ, đã thấy thương rồi, nhưng khi thấy họ dùng những bàn tay không còn ngón và cố gắng quay nước giếng (trong rừng không có điện) thì Hồng Ân thấy thật chua xót.  Việc tìm người đào giếng cho họ cũng là chuyện gian nan vì chẳng ai muốn đến gần các bệnh nhân này, dù chỉ là để đào giếng cho họ.

Vì thế, có lẽ quý ông bà anh chị em sẽ không ngạc nhiên gì khi Hồng Ân cố gắng vươn tay đến với các bệnh nhân phong cùi trong giới hạn của mình cũng như tuỳ thuộc vào thời gian có được của các Sơ phục vụ tại địa phương.  Thú thật rằng thăm viếng các bệnh nhân một năm đôi ba lần thì có thể dễ, nhưng việc phục vụ / thăm viếng các bệnh nhân phong cùi thường xuyên và lâu dài không phải là chuyện người tu sĩ nào cũng làm được.  Ngoài ra, nếu thân nhân của người bệnh bị xã hội, người đời tránh né thì các Sơ phục vụ bệnh nhân phong cũng không thoát được cảnh này.  Mỗi lần các Sơ về thăm gia đình, hàng xóm, láng giềng, đôi lúc cũng bị những lời xì xào: “Sơ này/Chị này hình như trông cũng hơi… cùi cùi!”.  Nghe muốn rớt nước mắt!  Khóc thì cứ khóc, nhưng các Sơ vẫn tiếp tục tiến bước trên đường phục vụ.  Vì thế, các nâng đỡ tinh thần và tâm lý không phải chỉ dành cho bệnh nhân phong cùi mà cả cho những người phục vụ họ nữa.

Và lại một lần nữa, Hồng Ân tha thiết kêu mời quý ông bà anh chị em hãy cùng tiếp tay với Hồng Ân để đến với dân nghèo, đến với các bệnh nhân đáng thương này.  Mong sao dù phải chiến đấu với cơn bệnh ngặt nghèo, họ vẫn thấy ấm lòng vì còn rất nhiều người quan tâm và thương yêu họ ở bên kia nửa quả địa cầu!

 

Cui04