ĐỊA BÀN HOẠT ĐỘNG
Một trong các câu hỏi mà HỒNG ÂN thường gặp nhất là: “Các cụ được giúp gạo hằng tháng được chọn ở những nơi nào? Thuộc nhiều tỉnh hay hay chỉ trong 1 thành phố, hay 1 xứ đạo?” Xin thưa rằng, hiện nay (2013), Hội HỒNG ÂN mời 7 Dòng cộng tác trong việc đến thăm và giúp gạo cho các cụ (Tu Hội Hiệp Nhất Bắc Ninh, Dòng Đa Minh Bắc Ninh, Dòng Mân Côi Bùi Chu, Dòng Trinh Vương Bùi Chu, Dòng Đa Minh Thái Bình, Dòng Mến Thánh Giá Huế và Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế) và sẽ thêm 1 Dòng mới vào đầu năm 2014 cho đồng bào thiểu số tại Kontum-Pleiku và Buôn Ma Thuột. Lý do mà Hội mời nhiều Dòng hợp tác là vì Hội muốn giúp cho các cụ ở nhiều địa phương khác nhau. Mỗi Dòng đều có những “địa bàn” hoạt động riêng theo nhịp tiến của những bước chân khai phá của mỗi Hội Dòng. Vì thế, mỗi Dòng thường có nhiều Tu viện hay cộng đoàn trải rộng trên nhiều vùng miền của đất nước. Như vậy, các cộng đoàn khắp đó đây của các Dòng khác nhau sẽ tìm các cụ ở gần địa phương mình; và mỗi Tu viện hay mỗi cộng đoàn thường phụ trách chừng 5 hay 10 cụ. Theo cách đó thì số các cụ già được chọn cũng trải rộng theo nhiều địa phương khác nhau qua nhiều thành phố. Mặt khác, khi chọn người nghèo để giúp thì các Sơ chọn theo hoàn cảnh neo đơn, nghèo túng, chứ không phân biệt tôn giáo hay sắc tộc; và thực tế cho thấy là số người ngoại đạo được giúp lại nhiều hơn người Công giáo! Lý do là vì nếu những cụ nghèo khó là người Công Giáo thì thường được xứ đạo giúp đỡ vì xứ nào cũng có những Hội đoàn thăm viếng người nghèo, người bệnh tật. Vì vậy, các cụ không phải người Công Giáo thường phải chịu cảnh túng quẫn hơn, nên HỒNG ÂN cũng giúp các cụ ấy nhiều hơn.
Ngoài ra, cũng phải kể thêm rằng trong các Hội Dòng mà Hồng Ân mời cộng tác để đến với người nghèo khổ thì hầu hết, ban Điều Hành của Hồng Ân đều quen biết và cũng đã từng đến sinh hoạt với các Hội Dòng một thời gian. Và càng biết các Sơ thì Hồng Ân lại càng thương mến và kính phục các Sơ, nhất là khi nhìn thấy sự phục vụ vô vị lợi của các Sơ cho dân nghèo. Vì lý do “kín đáo” và tế nhị mà ai cũng có thể đoán ra khi sống tại Việt Nam, Hồng Ân ít khi dám “trình làng” những sinh hoạt riêng của các Sơ. Nhưng lần này, Hồng Ân xin chia sẻ 1 đoạn thơ ngắn của các Sơ thuộc Tu Hội Hiệp Nhất Bắc Ninh để quý ông bà anh chị em có thể hình dung được phần nào sinh hoạt của các Sơ là những người tận hiến cho Thiên Chúa để phục vụ dân nghèo trong ơn gọi Tu Hội Đời. Đoạn thơ như sau:
“… Chúng em có 219 thành viên chính thức, có 26 nhà huynh đệ; chúng em không gọi là cộng đoàn, vì mỗi nhà huynh đệ ở giữa dân, giữa xóm, giữa chợ, có khi cửa mở cả ngày, đủ thứ thông tin đến tai, đôi lúc người bán hàng rong cũng ghé qua vào xin nước uống. Chúng em ở khắp nơi, nhà Đạo ngạn là trung tâm huấn luyện nên lớn nhất. Còn lại các nhà khác thì đủ chỗ ở cho 5 hoặc 7 chị em, nho nhỏ là vừa chỗ ở, làm việc, có nhà nằm sát mép suối, mưa nhiều suối dâng nên việc ngập là chuyện thường. Chúng em ở từ Sài Gòn (nơi chị em ở đi học thần học) đến Đồng Lệnh (Tuyên Quang).
Nhà huynh đệ xa nhất là Nà Fặc thuộc huyện Ngân Sơn tỉnh Bắc Kạn, đa số dân tộc Mèo.
Chúng em sống rải rác trên các địa bàn, làm tông đồ nhiều nơi do nhu cầu của Giáo Phận và các linh mục mời cộng tác. Nhiều nơi chính dân địa phương cũng không biết nơi họ có người nghèo khổ đến thế, vì có thể họ chẳng liên đới hay chẳng để tâm, còn mình thì cái gì cũng phải tỏ tường.
Ngoài việc sống chung trong 26 nhà huynh đệ, còn nhiều chị em sống cùng gia đình, đa số các chị em này dạy học trường công vì thế trong các nơi chúng em lại có nhiều nhóm, tổ để chị em sinh hoạt chia sẻ hàng tuần. Vì thế, người nghèo hay có trường hợp nào khẩn thiết thì hầu như chúng em biết sơ ạ. Có thể nói một số khu vực Thái nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang và Phú thọ có nhiều người già khổ nhất. Mình nói “có thể” vì đôi khi ngay ở thành phố Saigon hay ở thành phố Bắc Ninh thôi, cũng có những người rất khổ, nhưng số đó không nhiều.
Như thế, chắc Sơ cũng đã hình dung ra phần nào. Thật sự thì người công giáo mình không khổ lắm đâu vì có giáo xứ quan tâm; ít là cứ đến nhà thờ là biết được nhau rồi nên thường kịp thời nâng đỡ nhau; còn người lương thì họ thiệt thòi đủ điều, Chúa đã không được biết thì cái khổ nó kéo theo là đương nhiên. Khi đến với người nghèo khổ, mình không chủ trương kéo họ vào đạo, nhưng cố gắng hết sức để làm sao cho họ cũng được biết Chúa cách này cách khác, mình vẫn cầu nguyện và ao ước một ngày nào đó họ được biết Chúa; khi họ biết Chúa thì đời họ chắc chắn sẽ đỡ khổ ngay. Chúng em xin Sơ cầu nguyện nhé.”