Kính thưa Quý Ông Bà, Anh Chị Em,
Lại một lần nữa, Hội HỒNG ÂN hân hạnh gởi đến quý vị tờ BẢN TIN vào cuối năm 2013. Đây là BẢN TIN Số 3 với các thông tin và hình ảnh thân thương về các anh chị em nghèo khổ tại Việt Nam. BẢN TIN này được gởi đến quý vị vào tháng 11, tức là tháng Tạ Ơn của Hoa Kỳ, là dịp để mỗi người chúng ta nhìn lại những hồng ân, những Quà Tặng “thiên hình vạn trạng” trong cuộc sống mà Thiên Chúa đã thương ban xuống cho từng người mà rất nhiều khi chúng ta đã không để ý đến. Và khi tự nhắc nhớ về những ơn lành đã lãnh nhận, ban Điều Hành Hội Hồng Ân, gồm các Tu sĩ và Thiện nguyện viên tại Hải Ngoại và Việt Nam đang chung tay góp sức phục vụ dân nghèo, vẫn không ngừng tạ ơn Chúa vì Ngài đã cho chúng con có cơ hội được làm chiếc cầu nối giữa các ân nhân tại Hải Ngoại và các người dân nghèo tại Việt Nam: “Kẻ giúp công, người giúp của”, mỗi người theo điều kiện và khả năng của mình, chúng ta cùng xoa dịu phần nào nỗi niềm khắc khoải lo âu và những cảnh sống lầm than của dân nghèo.
Ngoài ra, đối với những người Công Giáo thì tháng 11 còn là “Tháng Các Linh Hồn”, để tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã khuất. HỒNG ÂN xin mượn lời của Mẹ Theresa Calcutta để gởi đến quý vị lời nhắn nhủ:
“Đến cuối đời, chúng ta sẽ không bị phán xét về chuyện chúng ta đạt được bao nhiêu bằng cấp, sở hữu bao nhiêu tiền của hay thực hiện được bao nhiêu điều to tát. Tuy nhiên, chúng ta sẽ bị phán xét theo điều này: Khi Ta đói, con đã cho ta ăn; khi Ta trần truồng, con đã cho Ta mặc, khi Ta không nơi nương tựa, con đã tiếp rước Ta .
Đói không chỉ đói về cơm bánh, nhưng còn là đói về tình thương. Trần truồng không chỉ có nghĩa là không có quần áo mặc, nhưng còn là sự thiếu thốn về nhân phẩm và không được tôn trọng như một con người! Không nơi nương tựa không chỉ là không có một mái nhà để trú ẩn nhưng còn là bị người khác khước từ.”
CÁC CHƯƠNG TRÌNH CHÍNH
HỘI HỒNG ÂN
Hiện nay, các hoạt động trợ giúp cho dân nghèo của Hội HỒNG ÂN có thể được phân chia thành 2 chương trình như sau:
-
1. “Ký Gạo Tình Thương”: chương trình này dành ưu tiên cho các cụ già nghèo đói, neo đơn để các cụ an tâm vui sống và không phải lo chuyện chạy gạo từng bữa, không phải đối diện với cảnh “bữa no, bữa đói” từng ngày nữNgoài ra, chương trình này cũng mở rộng đến một số nhỏ các bệnh nhân không còn sức lao động, như người bị tâm thần, bị bệnh phong cùi, hoặc bị khuyết tật…; đây là những con người rất đáng thương, mà sự hiện diện của họ đôi lúc bị coi như “gánh nặng của gia đình”. Sự trợ giúp của chương trình này cũng có tính cách rõ ràng và cố định: hằng tháng mỗi người sẽ nhận được 10 ký gạo, tương đương với 5 US $. Số các cụ trong Danh Sách Chờ Đợi (Waiting List) luôn còn rất nhiều. Chỉ khi có cụ nào thuộc diện được trợ giúp mà qua đời thì một cụ khác trong danh sách chờ đợi mới được thế vào chỗ đó; hoặc nếu có thêm ân nhân trợ giúp thì cũng sẽ có thêm các cụ được hưởng nhờ. Thú thật, Ban Điều Hành Hội HỒNG ÂN đã có những lúc lo lắng tự hỏi rằng: “Không biết các ân nhân giúp gạo cho các cụ năm nay, có còn tiếp tục giúp cho năm kế tiếp chăng? Coi chừng lại rơi vào tình cảnh năm nay các cụ có gạo, rồi năm tới lại không!” Nhưng rồi, chúng con lại tự nhủ: “Thôi, để Chúa lo. Nếu Chúa muốn, Ngài sẽ gởi ân nhân đến.” Xin Thiên Chúa giữ gìn và làm triển nở những gì Ngài đã bắt đầu!
2. “Tùy Cơ Ứng Biến”: chương trình này khá đa dạng theo như đúng tên gọi của nó. Hội HỒNG ÂN đã và đang cố gắng giúp các em nhỏ có tiền đi học; giúp người bệnh có tiền uống thuốc, chữa bệnh; giúp đào giếng, xây hồ chứa nước, sửa đường… cho trại mù, trại cùi; trợ cấp thực phẩm, đồ dùng cho các gia đình nghèo túng; cung cấp chăn ấm, áo ấm cho những người đang lạnh co ro giữa mùa đông “rét đậm”; trợ giúp các nạn nhân của các trận bão lụt mới xảy ra ở nơi nào đó, v.v… Vì thế, Hội HỒNG ÂN, trong khả năng giới hạn của mình, sẽ cố gắng giúp cho dân nghèo theo sự ưu tiên của những nhu cầu nào cần kíp nhất.
***** CHIA SẺ *****
Thời gian vừa qua, Hội HỒNG ÂN đã nhận được nhiều sự quan tâm của quý ân nhân qua những thư từ liên lạc. Quý vị đã gởi đến cho Ban Điều Hành nhiều câu hỏi với nội dung giống nhau; bên cạnh đó cũng có nhiều chia sẻ của quý ân nhân mà khi nhận được, chúng con hết sức cảm kích. Có thể các quý vị khác cũng có cùng những thao thức và những tâm tình như thế này chăng? Vì thế, chúng con xin được đăng tải một số tâm tư, thắc mắc và chia sẻ tiêu biểu trên tờ BẢN TIN của HỒNG ÂN. Hy vọng chúng ta sẽ “càng biết… càng thương”!
CHIA SẺ 1: ĐỊA BÀN HOẠT ĐỘNG
“Con có xem qua những thông tin về sự giúp đỡ đối với các cụ già neo đơn ở Việt Nam và con cũng muốn góp chút lòng cho chương trình “Ký Gạo Tình Thương”. Con có 1 số thắc mắc, xin các Sơ có thể giải đáp cho con được tường:
- 1. Hoàn cảnh khó khăn của các cụ được tìm hiểu trải rộng trên các tỉnh, hay chỉ có trong 1 tỉnh, 1 thành phố, hay 1 xứ đạo?
-
2. Chương trình “Ký Gạo Tình Thương”: chỉ cần 5 đồng thì sẽ giúp được 1 cụ trong 1 tháng. Giả sử mỗi tháng con chia sẻ 25 đồng thì các sơ bên VN sẽ gửi đến các cụ theo sự chọn lựa ngẫu nhiên, hay do con chọn dựa theo các số thứ tự mà trên website đã ghi?”
Ng. Tr. (Houston, TX)
Thưa chị Ng. Tr.,
Các Sơ rất vui khi nhận được sự quan tâm của chị Tr. dành cho các cụ già nghèo khổ tại Việt Nam. Sơ trả lời theo câu hỏi của chị Tr. nhé:
1. Hiện nay, Hội HỒNG ÂN mời 7 Dòng cộng tác trong việc đến thăm và giúp gạo cho các cụ (Tu Hội Hiệp Nhất Bắc Ninh, Dòng Đa Minh Bắc Ninh,
Dòng Mân Côi Bùi Chu, Dòng Trinh Vương Bùi Chu, Dòng Đa Minh Thái Bình, Dòng Mến Thánh Giá Huế và Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế) và sẽ thêm 1 Dòng mới vào đầu năm 2014 cho đồng bào thiểu số tại Kontum-Pleiku và Buôn Ma Thuột. Lý do mà Hội mời nhiều Dòng hợp tác là vì Hội muốn giúp cho các cụ ở nhiều địa phương khác nhau. Mỗi Dòng đều có những “địa bàn” hoạt động riêng theo nhịp tiến của những bước chân khai phá của mỗi Hội Dòng. Vì thế, mỗi Dòng thường có nhiều Tu viện hay cộng đoàn trải rộng trên nhiều vùng miền của đất nước. Như vậy, các cộng đoàn khắp đó đây của các Dòng khác nhau sẽ tìm các cụ ở gần địa phương mình; và mỗi Tu viện hay mỗi cộng đoàn thường phụ trách chừng 5 hay 10 cụ. Theo cách đó thì số các cụ già được chọn cũng trải rộng theo nhiều địa phương khác nhau qua nhiều thành phố. Mặt khác, khi chọn người nghèo để giúp thì các Sơ chỉ chọn theo hoàn cảnh neo đơn, nghèo túng, chứ không phân biệt tôn giáo hay sắc tộc; và thực tế cho thấy là số người ngoại đạo được giúp lại nhiều hơn người Công giáo! Lý do là vì nếu những cụ nghèo khó là người Công Giáo thì thường được xứ đạo giúp đỡ vì xứ nào cũng có những Hội đoàn thăm viếng người nghèo, người bệnh tật. Vì vậy, các cụ không phải người Công Giáo thường phải chịu cảnh túng quẫn hơn, nên Hội HỒNG ÂN cũng giúp các cụ ấy nhiều hơn.
2. Tiền giúp gạo cho mỗi cụ là 5 đồng/1 tháng, vậy nếu chị Ng. Tr. giúp mỗi tháng 25 đồng, thì chắc là chị có ý giúp cho 5 cụ? Còn về sự lựa chọn, nếu để cho bên các Sơ chủ động chọn, theo như “danh sách chờ đợi” (waiting list) thì sẽ tiện hơn cho các Sơ, vì như thế thì có thể chọn cụ nào chưa được giúp; như vậy có thể tránh được những trường hợp trùng lặp, và cũng tránh tình trạng có những cụ chẳng được ai giúp. HỒNG ÂN hiện còn một danh sách các người đang chờ đợi (trong đó, hơn phân nửa là người phong cùi). Phải đợi đến năm 2014 Hội mới có khả năng giúp đỡ những người này, vì hiện nay phải tập trung giải quyết cho xong tất cả các trường hợp đã được chọn trước. Cứ đầu mỗi quý thì Hội HỒNG ÂN gởi tiền về cho các Sơ (tháng 1, 4, 7, 10).
3. Nhân đây, Hội HỒNG ÂN cũng muốn kể thêm cho chị Ng. Tr. chuyện này. Nói thật lòng, Hội cũng phải cám ơn các Sơ ở Việt nam nhiều lắm, vì khi thăm các cụ, nhiều lúc các Sơ phải giúp dọn dẹp nhà cửa, hoặc phải tắm táp, cắt tóc, làm vệ sinh cho các cụ luôn. Vì thế, Hội HỒNG ÂN rất mừng vì các cụ được nâng đỡ cả vật chất lẫn tinh thần, cho nên nếu cụ nào có … chết, thì cũng chết với nụ cười mãn nguyện, mà người ta còn gọi là “chết tươi”, nhưng không phải “chết tươi ăn năn tội chẳng kịp”, mà là chết tươi…cười đấy chị! Chỉ nội năm 2013 mà có đến 27 cụ về chầu Chúa rồi, và các Sơ đã thay người mới. Cả các cụ cũ và các cụ mới đều… vui vẻ, … tươi tươi!
CHIA SẺ 2: CAO NIÊN GIÚP CAO NIÊN
Và có lẽ điều làm cho HỒNG ÂN cảm thấy được an ủi, khích lệ nhất là khi nhận được sự hỗ trợ từ các vị cao niên tại Hải Ngoại mà HỒNG ÂN xin trích dẫn một số lời của các vị như sau:
“Tôi đã quá già rồi, gần 90 tuổi, đang hưởng SSI. Tôi dành dụm có chút ít gởi giúp Hội gọi là chia sẻ. Xin nhận giùm, tôi xin cám ơn. Xin chúc Hội được nhiều may mắn.”
Cụ Lang Do (Santa Clara, CA)
“Tôi nhận được BẢN TIN Số 2, mở đầu có câu “Vô tri bất mộ” – Không biết sẽ không thích, không làm, và khi tôi đọc BẢN TIN thấy những hình ảnh những người ốm đau bệnh tật phong cùi, mà Hội đang hy sinh phục vụ, tôi chỉ biết gởi một chút như rết nhiều chân, đối với chương trình của Hội mênh mông như biển cả, tôi góp một chút như hạt cát góp lại thành bãi cát để giúp ích cho xã hội, những người ốm đau.
Chị Ngọc biết không, có cả trăm thứ Hội, hội vui, hội buồn, hội cười, hội khóc, còn biết bao nhiêu thứ Hội, không kể hết được chị Ngọc ơi, mà tiền trợ cấp an sinh xã hội mỗi tháng tôi được gần 700 đồng, chia ra mỗi Hội một tí chút… kẻo khi nhắm mắt rồi đâu có đưa đi được chút nào theo, chỉ đưa được cái mà đã cho đi thôi. Tôi xin chị nhớ cầu nguyện cho tôi, mỗi ngày một kinh thôi, chị đâu có giờ mà đọc nhiều kinh được. Cầu cho ông già gần đất xa trời rồi, tôi sinh năm 1915, nay đã 98 rồi, không biết Chúa gọi giờ nào, chị Ngọc ơi. Nhớ cầu nguyện cho tôi nhé. Cám ơn chị nhiều.”
Cụ Nguyễn văn B. (York, PA)
“Trước tiên tôi xin kính chúc cho các cụ được nhiều sức khoẻ và sống được lâu, tôi coi trong đoạn phim quảng cáo trong Video, tôi rất cảm động và thương cho các cụ tại Việt Nam, cảnh đói nghèo, thấy không đành lòng nên tôi vội vàng ghi tấm ngân phiếu XX đô để gởi về cứu giúp cho các cụ, tuy không nhiều lắm, nhưng đó là tấm lòng của gia đình chúng tôi, vì hiện giờ tôi không có đi làm. Tôi đã nghỉ làm gần 4 năm nay, đang lãnh tiền trợ cấp tức là tiền bệnh SSI, nếu trời phật ngó xuống, gia đình tôi và tôi sẽ về VN cứu giúp các cụ và các em mồ côi, khuyết tật. Mong các cụ hiểu cho tôi, đây là tấm lòng thành thật của tôi.”
Ông Lưu L. C. (Houston, TX)
“Chúng tôi là nhóm ca nguyện tại Danmark,vài người 50 tuổi, một số 60 đến 70 và có 2 cụ trên 80 tuổi, tất cả được 20 người. Nhân đọc một bản tin từ báo Trái Tim Đức Mẹ, chúng tôi biết được công việc của các nhóm, các Soeur và của Đức Ông Hoàng Minh Thắng, là người đã đến thăm chúng tôi tại Danmark. Trong nhóm ca nguyện hầu hết là người già, khi nghe tôi trình bày về những người già tại VN, họ nghèo khổ đến nỗi không có gì ăn, trong lúc tại Danmark, người già được cung cấp đủ mọi thứ, từ tiền bạc đến thuốc thang, mọi thứ chi phí đều được giúp, nên họ muốn chia sẻ một ít với những người bất hạnh tại quê nhà… Số tiền quyên góp không được nhiều, vì chỉ có một nhóm nhỏ, nhưng gói ghém tấm lòng thương cảm của những người cùng tuổi già với nhau… Xin Soeur cho biết, gởi tiền đến Soeur hay đến ai và bằng cách nào.
Trần văn Tr.
“Tôi là người không lạ với Hội Từ Thiện Hồng Ân. Vâng, tôi tên là Lưu X. Y. đã hưu trí lâu rồi. Xem hình và nghe những việc về các cụ, lòng tôi luôn đau xót, ám ảnh tôi cả trong giấc ngủ… Tôi cũng đã có nhiều danh sách về những cơ quan từ thiện như: Hội A., Hội B., Hội C. ở Cali (Hồng Ân xin ẩn tên), v.v… Tôi cũng là Phật Tử nên hầu hết các chùa gây quỹ tôi đều hưởng ứng. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là khoe khoang, mà hầu hết các cơ quan từ thiện khác, mỗi năm tôi chỉ gởi giúp 1 lần; đặc biệt Hội Hồng ân năm nay tôi xin gửi lần thứ 2.
Nói gì thì nói, tôi cũng chân thành cảm ơn quý cơ quan đã cho tôi cơ hội đóng góp 1 chút vào quỹ. Của ít lòng nhiều, xin gởi kèm 1 money order XX. Kính chúc quý vị hưởng long weekend thật tuyệt vời.”
L. X. Y., Pháp danh Diệu Ng.
Thú thật là khi nhận được sự đóng góp của các cụ, chúng con cũng… rơi vào tâm trạng giằng co: nửa mừng nửa ngại, vì biết đây là số tiền có thể ví như “2 đồng xu của bà goá” trong Phúc Âm. Hẳn là các cụ cũng phải tiết kiệm rất nhiều để có thể chắt chiu được số tiền này mà gởi cho Hội HỒNG ÂN. Tại Hoa Kỳ cũng như tại Việt Nam, chúng con vẫn nhắc nhở nhau phải cầu nguyện nhiều cho các ân nhân của Hội HỒNG ÂN vì ngoài những vị có điều kiện dư dả đôi chút để rộng lượng cho đi, cũng có không ít những vị khác phải hy sinh “rút ruột” của mình để chia sẻ cho những kẻ túng thiếu hơn. Sự quan tâm và lòng quảng đại của quý ân nhân lớn tuổi đã động viên tinh thần cho chúng con rất nhiều. Xin Chúa trả công bội hậu cho quý ông bà, anh chị em và gia quyến.
CHIA SẺ 3: CÁC SƠ HẢI NGOẠI
“Cám ơn Sơ phụ trách đã giới thiệu cho biết chương trình của Hội Từ Thiện HỒNG ÂN và biết cụ thể về việc giúp đỡ cho các cụ, là hình ảnh Chúa Kytô đang mời gọi. Chị sẽ giới thiệu cho những người quen biết, khi nào có đơn điền thì gửi cho chị để chuyển cho những người muốn gia nhập hội nhé. Hôm nay chị gởi check này để tham gia vào Hội thay cho các chị em MTGĐL nhé.”
Sr. Maria Nguyễn thị Trinh, MTGĐL
Bề Trên Dòng MTG Đà Lạt, miền Portland, OR
Bravo, các Sơ! Cám ơn Sơ Bề trên và các chị Mến Thánh Giá Đà Lạt lắm lắm. Các lời khích lệ của các chị khiến cho Hội HỒNG ÂN phấn khởi và lên tinh thần nhiều. Xin cầu nguyện nhiều cho Hội HỒNG ÂN, quý Sơ nhá.
***** CẦU CỨU *****
Như quý ông bà, anh chị em đã biết, tính đến năm 2013 này, Hội HỒNG ÂN đã cùng đồng hành với 7 Hội Dòng nữ tại Việt Nam (Tu Hội Hiệp Nhất Bắc Ninh, Dòng Đa Minh Bắc Ninh, Dòng Mân Côi Bùi Chu, Dòng Trinh Vương Bùi Chu, Dòng Đa Minh Thái Bình, Dòng Mến Thánh Giá Huế và Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế) để đến với dân nghèo; và tất cả các Sơ cũng như các thiện nguyện viện tại Hải Ngoại đều hăng hái chung tay góp công góp sức phục vụ hoàn toàn vô vị lợi, không lương bổng, không thù lao (ngay cả tiền xăng), vì muốn dành trọn vẹn tiền đóng góp cho những người nghèo đói khốn cùng.
Tuy nhiên, xin đừng quên rằng chính các Sơ cũng là những người nghèo! Trong các dịp thăm viếng một số Hội Dòng kể trên, chúng con đã tận mắt chứng kiến cảnh sống khó khăn của các Sơ, mà 1 trong những “ấn tượng” mạnh nhất là những chiếc máy vi tính “cổ lỗ sĩ” của các Sơ! Máy thật cũ kỹ và chạy chậm hơn rùa! Có lẽ đây là những chiếc máy để tập đức kiên nhẫn hơn là để làm việc! Khi ngồi trước những chiếc máy vi tính này, phải luôn miệng đọc câu thần chú “chẳng có gì phải vội”, bởi vì những cái máy này lúc nào chúng “thích” chạy thì chạy, lúc nào “thích” đứng thì đứng, ta cứ việc tranh thủ mà… đọc dăm ba kinh trong lúc chờ đợi! Chứng kiến cảnh đó, có người đã buột miệng nói đùa rằng: “Người ta lên cung trăng rồi mà các Sơ vẫn còn “lẹp bẹp” với cái xe… “dép”!”
Rồi cũng có Hội Dòng sống cần kiệm đến nỗi cả nhà Dòng chỉ có mỗi một cái máy chụp. Cho nên những khi phải chụp hình người nghèo để gởi cho Hội HỒNG ÂN thì cứ phải chờ nơi này chụp xong thì mới chuyển máy sang cho nơi kia. Nếu công việc hoặc việc học hành đòi phải sử dụng máy móc thì nhiều Sơ phải chới với vì không có máy để dùng!
Vì thế, chúng con xin kêu gọi sự tiếp tay của quý ông bà, anh chị em để giúp các Sơ có thêm phương tiện làm việc và học hành. Quý vị nào có dư các thứ máy cũ mà còn dùng được như: laptop, máy chụp hình, USB, máy scanner…, thì xin gởi cho chúng con để gởi về cho các Sơ. Chúng con cũng chẳng dám xin máy mới, nhưng chỉ cần máy còn chạy tốt là quý hoá lắm rồi! Xin thay mặt các Sơ, Hồng Ân xin chân thành cảm tạ.