Dịp Giáng Sinh và đầu năm 2015 vừa qua, Hồng Ân nhận được nhiều emails từ các Sơ, là những người đã hợp tác với Hồng Ân để trợ giúp các người cùng khổ tại Việt Nam. Trong đó, có 1 email khá đặc biệt, nói lên tiếng nói của một số các dân nghèo không cùng tôn giáo với các Sơ. Tuy nhiên, Hồng Ân xin giải thích trước vài điều:
- 1. Vị Liên lạc viên của Hội Hồng Ân: có lẽ đến bây giờ, nhiều người đã nhận ra được vị liên lạc viên của Hồng Ân với các Hội Dòng các Sơ tại Việt Nam cũng là 1 “Ma Sơ” tại Hoa Kỳ. Sơ này xin tạm thời “ẩn danh”, nên Hồng Ân không viết ra tên Sơ, nhưng Sơ là thành phần của ban Điều Hành, phụ trách phần liên lạc thường xuyên với các Hội Dòng tại Việt Nam. Chính Sơ đã từng về VN nhiều lần và thăm viếng các Hội Dòng khác nhau. Vì thế, Sơ nắm bắt được tình hình tại Việt Nam rất vững vàng. Cũng chính vì vậy, khi viết cho Hồng Ân, các Sơ tại Việt Nam thường dùng các danh xưng “Chị” và “em/chúng em” là thế. Cho đến nay, Hồng Ân đang trợ giúp hay dùng từ nôm na là đang “tiếp sức” cho 8 Hội Dòng khác nhau và không thuộc về riêng một Hội Dòng nào
- 2. Đối tượng nghèo được giúp đỡ tại VN: Khi đến với người nghèo, Hồng Ân và quý Sơ không bao giờ phân biệt tôn giáo hay sắc tộc, nhưng nhìn tất cả mọi người bằng đôi mắt của tình thương: “Tất cả đều là con cái của Chúa, là anh em của chúng ta”. Vì thế, khi chọn người nghèo để giúp đỡ, các Sơ chỉ chọn theo hoàn cảnh neo đơn, nghèo túng, cùng cực… chứ không phân biệt tôn giáo hay sắc tộc của họ.
-
Vì thế, có khá nhiều người ngoại giáo được giúp đỡ. Các Sơ còn chia sẻ rằng: nếu giáo xứ nào có giáo dân thuộc “hộ nghèo” thì thường là chính giáo xứ hoặc giáo họ ấy sẽ có những người từ các hội đoàn đến thăm viếng và giúp đỡ, nhưng các tôn giáo khác hoặc những người không tôn giáo thì thường không được như thế. Vì vậy, số người nghèo ngoại giáo mà các Sơ chọn để giúp đỡ lại thường trội hơn số người Công giáo.
Giờ đây, Hồng Ân xin cùng với quý Sơ Trinh Vương Bùi Chu tại Việt Nam để gởi đến quý ân nhân lời tri ân rất chân tình như sau:
“Thưa Chị, trong mấy năm vừa qua chúng em đã được Chị và các vị Ân Nhân tin tưởng cho chúng em được hiệp thông cộng tác trong công việc bác ái, giúp đỡ những người nghèo, già yếu, ốm đau. Nhờ có những cơ hội này chúng em mới có dịp để đến được với nhiều người, nhiều hoàn cảnh kém may mắn này. Từ trước tới nay, chúng em cũng vẫn đi thăm các cụ nhưng vì điều kiện Hội Dòng nghèo nên chúng em chỉ có trích phần trăm thu nhập của Dòng được chút ít để giúp họ.
Thưa Chị, mỗi lần chúng em đến thăm cũng có nhiều người rất cảm động nói với chúng em như:
– Con trai bà Trần Thị R. (ngoại giáo) nói: “Bên các bác tốt thật! Bên chúng em chẳng có vậy bao giờ!”
– Bà Đặng Thị Ch. (ngoại giáo) nói: “Cám ơn Bề Trên (Thượng Đế), Bề Trên đã dẫn các cô đến giúp đỡ tôi. Sao bên các cô tốt thế?!!!”
– Chú Phan Văn Đoan, 44 tuổi, bị tai nạn liệt thì mỗi lần chúng em tới thăm, chú lại cảm động, tủi thân khóc to.
Nhưng cũng có Bà Phạm Thị M. 85 tuổi, (ngoại giáo) già yếu, nghèo túng, lại đang phải nuôi một người con gái đã lớn tuổi không được khôn, bị bệnh tim… thì lại có sự dè dặt. Số là từ lâu chúng em đến thăm biếu quà, bà vẫn vui vẻ cám ơn. Nhưng vừa qua, chúng em đến thăm cho quà thì bà cứ quyết tâm không lấy. Chúng em hỏi: “Làm sao mà bà không lấy?” thì bà nói: “Nếu các bác cho quà thì tôi lấy, nhưng tôi xin nói trước là từ trước tới giờ, tôi đã theo (đạo) bên nào thì tôi cứ theo bên đấy. Tôi không theo bên các bác đâu!” Chúng em mới nói với bà là “Chúng con thấy bà già yếu nên chúng con giúp, chứ không phải chúng con giúp bà rồi chúng con bắt bà phải theo đạo chúng con!” Nghe vậy, bà mới vui vẻ trở lại.
Thưa Chị, khi có dịp đến với các cụ, chúng em cũng thấy được là Chúa cho mỗi người một hoàn cảnh khác nhau thấy ai cũng đáng thương. Chúng em cám ơn Chị.
Vâng, Hồng Ân cũng xin cám ơn quý Sơ đã tận tâm, tận lực đến với người nghèo để an ủi, khích lệ tinh thần và cuộc sống của họ, mang đến sự ấm áp của tình người. Và bao lâu, Chúa còn quan phòng cho Hồng Ân được các ân nhân cộng tác thì Hồng Ân sẽ cùng đồng hành, tiếp sức với các Sơ để đến với dân nghèo. Xin tạ ơn Chúa!