Khi trợ giúp “Gạo Hồng Ân” cho các người nghèo đói, bệnh tật tại quê nhà, Hồng Ân luôn nhận được các thông tin của người được chọn do các Sơ khắp nơi gởi đến, mà một số người đáng kể trong đó là các bệnh nhân mắc bệnh tâm thần.
Đành rằng không có bằng chứng khoa học rõ ràng nào cho thấy người nghèo ở VN bị bệnh tâm thần nhiều hơn so với người giầu, nhưng hoàn cảnh túng thiếu khiến cho họ thường không có tiền để tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Điều đó, có thể dẫn đến việc họ không được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.
Vì vậy, bệnh tình cứ phát triển theo thời gian và người bệnh không còn thể kiểm soát được hành vi của mình. Những gì người tâm thần làm có thể gây tác động tiêu cực đến đời sống xã hội và gia đình của họ.
Mời quý vị cùng gặp gỡ một số người nghèo tại miền Trung, do các Sơ Đa Minh Tin mừng phụ trách, đang được nhận giúp trong chương trình “Gạo Hồng Ân” của chúng ta.
CHÚ TUẤT *** Chú bị bệnh tâm thần nặng, nên không thể kiểm soát được hành vi của mình. Rất may là chú có người chị chăm sóc, nhưng gia đình chị này cũng nghèo, nên không giúp được nhiều cho chú.
CỤ LƯỢNG *** Cụ neo đơn, không có người thân, không nhà ở. Rất may là cụ có người cho ở tạm 1 gian nhà nhỏ, cũ kỹ tồi tàn, không đủ để che nắng, che mưa. Cuộc sống cụ phụ thuộc vào bà con hàng xóm. Ai thương cho gì thì ăn nấy. Vừa già yếu vừa neo đơn như thế, nên khi có các Sơ đến thăm, cụ mừng và cảm động lắm, cứ ngồi khóc. Cụ gởi lời cám ơn và cầu chúc mọi điều tốt lành đến cho quý ân nhân.
BÀ TY *** Bà yếu sức khỏe, không còn khả năng lao động kiếm sống. Nhà ở cũ kỹ, không đủ che nắng, che mưa. Tuy vậy, bà đang nuôi 1 người cháu nhỏ, tuổi đi học. Anh em họ hàng cũng không giúp gì được nhiều cho bà.
ANH NGUYỄN ĐÌNH QUYỀN *** Anh từng bị người trong làng chém vào đầu và phải mổ não. Dù đã chữa chạy tốn rất nhiều tiền, nhưng anh vẫn còn liệt nửa người. Một mình vợ anh bán rau cỏ để trả tiền nợ thuốc men cho anh, nuôi 4 đứa con đi học, và chăm sóc cho bố mẹ, nên chị cũng đã kiệt sức, thường xuyên phải vào nhà thương để chữa bệnh!
GIA ĐÌNH ANH NGHĨA *** Anh chị có 4 người con, và chị vợ đang mang bầu đứa thứ 5. Sức khỏe chị rất yếu. Anh Nghĩa đi làm phụ hồ, nhưng công việc không ổn định. Bé Nhung, con cả của anh chị, mắc bệnh kinh phong, phải vào nhà thường thường xuyên, khiến gia đình đã túng lại càng bấn hơn. Anh chị rất cảm động khi nhận được sự hỗ trợ từ quý hội.
CỤ TRÂM *** Cụ rất yếu sức và đã liệt giường từ lâu. Hiện nay cụ có người cháu phụ chăm sóc, nhưng người cháu này cũng phải bươn chải để kiếm công ăn việc làm, nên cụ Trâm thường xuyên phải ở nhà một mình. Nhiều khi cụ chỉ được ăn chút buổi sáng, rồi chờ đến chiều tối khi cháu đi làm về thì mới được miếng cơm. Khi các Sơ đến thăm, cụ cứ nằm khóc!
CỤ HẢO *** Cụ ốm yếu, liệt giường và đã suy giảm trí nhớ của tuổi già. Cụ sống với gia đình người con trai, nhưng họ cũng khó khăn, nghèo túng nên việc chăm sóc cho cha già không được chu đáo.
ANH NAM *** Anh là cột trụ của gia đình, có vợ và 4 người con nhỏ còn đang tuổi đi học. Không may, anh bị tai nạn, gẫy 4 đốt sống ở cổ, tay trái vẫn chưa cử động được, khiến cho hoàn cảnh gia đình thật khó khăn, túng thiếu.
CHỊ NGÔ THỊ HUỆ *** Chị Huệ bị bệnh ĐAO, thần kinh và khuyết tật. Chị đang sống với mẹ già 80 tuổi. Hai mẹ con nương tựa vào nhau, nhưng rất túng thiếu, cùng cực.
BÀ SÂM *** Bà bị bại liệt từ lâu, hiện đang ở chung với gia đình người con trai. Gia đình này cũng nghèo túng và có các con nhỏ còn đang tuổi ăn học, nên bà thường xuyên phải nằm 1 mình cả ngày, không ai thăm hỏi. Được các Sơ đến chơi, bà mừng quá, cứ khóc và gởi lời cảm ơn đến quý ân nhân.
ÔNG ĐỀ *** Ông ở một mình, bị bệnh thần kinh. Ngôi nhà ông ở lụp xụp, cũ nát, không đủ che nắng, che mưa. Trong nhà cũng không có đồ đạc gì. Cuộc sống phụ thuộc vào sự trợ giúp của người chị gái. Nhưng dù thương em, bà chị cũng rất nghèo túng, không giúp được nhiều. Ông sống nhờ hàng xóm xung quanh giúp đỡ.
BÀ MIẾN *** Bà bị tai biến mạch máu não nên đi lại rất khó khăn. Bà ở chung với gia đình người con trai, nhưng họ cũng chật vật lo kiếm cơm từng bữa, nên không có điều kiện và thời gian chăm sóc cho bà.