Điạ lý nước Việt nam thường được mô tả với câu: “Nước Việt nam trải dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau”; điểm “cực Bắc” của Việt Nam là Nam Quan và “cực Nam” là Cà Mau. Và sau khi nhận lời giúp hỗ trợ một số các cụ già ở Kiên Giang, Hồng Ân lại “vâng lời trọng hơn của lễ”, nhận lời giúp một số các cụ già tại Cà Mau. Vì thế, Hồng Ân xin kính mời quý ông bà anh chị em về miền Tây, lên ghe tiến về Cà Mau.
Theo lịch sử thì tên gọi Cà Mau (hay Cà Mâu) là do người Khmer gọi cho vùng đất này là “Tưk Kha-mau”, có nghĩa là “nước đen”. “Nước đen” là màu nước đặc trưng do lá tràm của rừng tràm U Minh bạt ngàn rụng xuống làm đổi màu nước.
Cà Mau “nổi tiếng” lắm đấy nhá! Đây là vùng “Miệt Thứ” nước mặn đồng chua, nổi tiếng với… muỗi, đỉa, cá sấu và cọp. Có câu ca dao tả về Cà Mau như sau:
“Cà Mau là xứ quê mùa
Muỗi bằng gà mái, cọp tùa bằng trâu”
(“Tùa” tức là “to”, là tiếng Triều Châu, đọc trại ra)
Hay câu ca dao quen thuộc:
Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu
Đấy! Vùng rừng sâu nước độc mà! Về địa lý thì Cà Mau là mảnh đất với 3 mặt Đông-Tây-Nam đều tiếp giáp với biển, còn mặt Bắc giáp với 2 tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang. Biển Cà Mau tiếp giáp với vùng biển các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, và là trung tâm của vùng biển quốc tế ở Đông Nam Á. Vì thế, không lạ gì trong quá khứ, đã có rất nhiều ghe tầu vượt biên từ đây để tìm tự do.
Cà Mau có 5 nhóm đất chính gồm đất phèn, đất than bùn, đất bãi bồi, đất mặn và đất kênh rạch. Vì đất thiếu nước ngọt và ruộng quá nhiều phèn, nên không thu hút được nhiều người đến lập nghiệp. Theo thống kê năm 2009, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 1,167,765 là người Kinh, 29,845 là người Khmer, 8.911 là người Hoa (về kinh tế thì người Hoa nắm hầu hết); còn lại là các những dân tộc thiểu số khác như Tày, Thái, Chăm, Mường, v.v…
Hiểu sơ về tình hình địa phương là thế, nên chúng ta sẽ không lạ gì khi đến với vùng sông nước này và bị hết muỗi to đến muỗi nhỏ tấn công ngày đêm! Khách lạ về đây sẽ được muỗi ái mộ nhất vì trở thành món “đặc sản” cho chúng, tha hồ mà chích! Sơ Cố Vấn của Hồng Ân khi về đây chơi, cũng được muỗi đón tiếp rất nồng hậu, nên đi đâu về đến nhà là Sơ chui vào mùng, rồi ngồi trong đó làm việc hay nói chuyện với chị em. Sơ kể lại rằng có lần, nhìn 1 góc mùng, thấy một mảng bụi đen bám ở đây, Sơ định phủi đi, nhưng khi nhìn kỹ thì đó là cả hàng trăm con muỗi đang dính chùm với nhau. Muỗi chích xuyên qua quần áo! Nhưng các Sơ địa phương cho biết: Muỗi “tiếp” khách nhiều hơn vì có “mùi lạ” (“hiếu khách” cực kỳ!), chứ dân địa phương thì tuy có bị chích, nhưng ít thôi. Chứ nếu sống ở đây mà cứ bị muỗi đeo bám rồi chích thì có mà chết sớm!
Vì Cà Mau là miền sông nước, nên ở đây rất nổi tiếng về các cây “cầu khỉ”, bắc từ bờ sông bên này qua bờ sông bên kia. Thôi, cho con xin kiếu đi. Nhìn là thấy hãi rồi. Dân địa phương dù quen thuộc hơn, nhưng năm nào cũng có một số trẻ em chết đuối dưới sông. Rất xót xa! Dân ở thị xã Cà Mau thì tương đối còn văn minh, chứ dân ở vùng sâu vùng xa thì nghèo nàn, xơ xác hết sức! Nhà cửa thô sơ với các mái nhà lá, bằng mấy miếng tôn, thùng giấy ghép lại. Miền sông nước như thế, nên phương tiện di chuyển là bằng đò, bằng ghe. Hằng ngày có những chiếc xuồng con đi dọc theo các bờ sông rao bán hàng, đủ mọi thứ cho người dân. Về đây, khách du lịch về đây sẽ có những cảm giác, những ấn tượng lạ hơn những nơi khác, vì nhiều sinh hoạt không trên đất liền mà là trên sông nước.
Khi Hồng Ân đồng ý giúp các Sơ phụ trách tại đây (thuộc dòng Đa Minh Thánh Tâm) khởi đầu với 10 xuất gạo cho các cụ già nghèo thì Sơ phụ trách mừng lắm. Sơ cho biết: “Hôm nay, em đi trao gạo cho các ông bà già neo đơn. Ai cũng vui mừng, cám ơn Chị và Hội Hồng Ân đã thương họ. Gương mặt ai cũng hớn hở. Em xin gởi hình đang trao gạo tháng này cho họ. Có cụ nhìn thấy em, cụ mừng quá, ôm cổ em hôn lấy hôn để, như mẹ thấy con đi xa mới về. Có cụ bảo là: ‘Dì đến, con vui lắm’ ”
Nhìn hình các cụ móm mém cười, thấy thương lắm. Hồng Ân biết rằng khi các Sơ đến thăm dân nghèo, mang thêm tí gạo cho họ thì họ sẽ được ấm áp, hạnh phúc cả tinh thần lẫn thân xác. Nói về Sơ phụ trách tại đây thì Hồng Ân cũng thấy ấm lòng vì Sơ tuy đã cao niên, nhưng nét mặt lúc nào cũng rạng rỡ, vui tươi, niềm nở với người đối diện. Vì thế, Sơ đi đến đâu thì cả người già lẫn người trẻ nơi đấy đều thương mến Sơ.
Hội Hồng Ân mới vươn tay đến với vùng sông nước Cà Mau từ đầu tháng 7, 2014, và bình thường thì phải sau 1 năm “quan sát” thì Hồng Ân mới tăng hoặc giảm sự trợ giúp, nhưng đối với Cà Mau, Hồng Ân đang ngả nhiều về dự tính sẽ tăng gấp đôi số các cụ lên ngay vào đầu năm 2015, vì người nghèo, người già tại vùng sông nước này thật đáng thương, lại được các vị tông đồ là các Sơ phục vụ rất tận tình như thế. Sơ phụ trách nói rằng: “Hội Hồng Ân cho càng nhiều càng tốt vì em thấy còn nhiều mảnh đời quá khổ tại đây!”… Xin Chúa luôn chúc lành và gìn giữ quý Sơ và những người dân sống tại miền sống nước này.