NHỮNG GÓC KHUẤT CUỘC ĐỜI
Chiếc xe máy của chúng tôi vừa chạm tới bến đò để đến với giáo họ Tả Hà, thuộc giáo phận Bùi Chu thì một bà cụ đến bắt chuyện:
– Có phải cô là người Công Giáo không?
– Dạ vâng! Có việc gì đấy ạ?
– Cô ơi, ở khu này có mẹ con nhà bà Đấu khổ lắm!
– Vậy ạ, khổ như thế nào bác kể con nghe với!
Thế là nhân cơ hội bà kể cho chúng tôi một cách rất say sưa, nhưng cũng thật sầu não. Bà kể:
“Bà cụ Đấu năm nay 80 tuổi rồi, do hoàn cảnh ông cụ nhà mất sớm, một mình bà cặm cụi nuôi con. Bây giờ bọn chúng đã lớn và đi lập gia đình cả. Nhưng duyên phận cơ số làm sao mà chúng nó làm ăn chán lắm, đủ ăn đủ tiêu tàm tạm vậy thôi, cũng chẳng có điều kiện để chăm nom mẹ. Còn cậu út thì vì ở nhà đất của cụ nên phải có trách nhiệm nuôi bà. Khổ một nỗi là thằng này nó bị trầm cảm, rồi thỉnh thoảng lại lên cơn thần kinh cứ đi chửi bới, hăm dọa người ta; mãi nó mới lấy được vợ, nhưng nồi nào vung nấy cô ạ, vợ nó cũng không được nhanh nhẹn lắm. Vợ chồng nó sinh được hai đứa con, nhưng nhìn bọn tẻ nhếch nhác, bẩn thỉu… Nói túm lại là gia đình nhà bà Đấu khổ lắm các cô ơi, hay là các cô đến thử xem có giúp họ được cái gì không? Tôi không dám ép đâu, nhưng tôi chỉ nghĩ là người Công Giáo sống tốt, hay đi làm việc bác ái nữa nên tôi mới to miệng mà nói thôi; còn chúng tôi cũng nghèo cả như nhau, có giúp được bà tí nào đâu.
– Vâng, vậy bác dẫn chúng con đi thăm bà cụ Đấu nhé!
Mon theo bờ đê toàn ổ gà, ổ voi,với những rặng tre san sát nhau cao vút sà xuống cả đường đi, chúng tôi đến gặp khuôn mặt của Đức Kitô ngang qua những chi thể đau khổ, bất hạnh.
Nhà bà cụ ở tận cuối đường Dong, sâu hẳn trong một góc toàn cây lá um tùm. Một điều không thể tưởng tượng được, khi trước mắt chúng tôi là một ngôi nhà cũ kỹ, nhà không ra nhà, cứ như thể là một nơi đã bỏ hoang lâu rồi. Nào là chiếc xe cút kít một bánh, chiếc giường đã hỏng, và những đồ sắt han dỉ,… nằm ngổn ngang trước hiên nhà. Cái sân có lát được ít gạch, nhưng gạch đã quá lâu ngày nên chỉ tạo điều kiện để cỏ mọc lên… Nhìn dáng vẻ tiều tụy của căn nhà, tôi thiết nghĩ chắc chỉ cần một cơn bão nhẹ là có thể sụp đổ tan tành.
Đang mải miên man suy nghĩ thì có hai đứa bé chạy ra, quần áo chẳng có cứ như nhộng vậy, đưa mắt nhìn chúng tôi chằm chằm. Rồi người phụ nữ, dáng mảnh khảnh ra chào đón và mời vào nhà uống nước. Bước vào nhà, tôi không biết là nên đứng hay ngồi vì trong nhà toàn những đồ lặt vặt chiếm hết chỗ, chỉ để một đường nhỏ để làm chỗ đoi lại.Rảo qua một lượt, tôi thấy trong căn nhà này chắc chỉ có chiếc giường, và cái ti vi đen trắng là quý giá. Nhưng nhà từng bốn người mà sao chỉ có một chiếc giường? Tôi thấy khó hiểu và sao lại khổ quá vậy?
Nhìn bà cụ Đấu đang ngồi run trên giường, chân tay toàn da bọc xương. Trời nóng 40o-42oC mà không dám bật quạt vì sợ tốn phí tiền điện. Bà bị run đã mười mấy năm nay rồi, không có thuốc chữa nên bệnh càng ngày càng nặng đến độ tay chẳng cầm được thìa mà xúc cơm. Đã vậy mấy năm nay bà còn bị ngứa toàn thân. Tôi xem chân bà chắc có lẽ bà bị bệnh vảy nến chăng. Nhìn bà sao tôi thấy thương quá.
Nói chuyện với chị Phượng- con dâu của bà, tôi mới biết được cuộc sống khốn khổ của anh chị. Từ ngày lấy nhau về, hai anh chị lập nghiệp bằng mấy sào ruộng và mấy mảnh vườn. Nhưng “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” nên dù đã cố gắng cũng chỉ tạm đủ ăn. Rồi mấy đồng tiền hồi môn, anh chị bàn tính chăn nuôi gia súc nhưng dịch bệnh khiến anh chị kiệt quệ, mất cả vốn lẫn lãi thì lấy đâu ra tiền để sắm sửa đồ đạc trong nhà, lấy đâu ra tiền mua cho bọn trẻ cái quần cái áo mà mặc cho tử tế, đó chưa kể là đến chuyện lo cho con cái đi học.
Nhìn hai đứa bé của chị tôi thấy tội nghiệp quá, rồi tương lai của chúng sẽ đi tới đâu khi mà chúng chưa được tới trường tới lớp để cùng ca hát, học hành với bèbạn. Thật là góc khuất của cuộc đời, khi mà thế giới ngày nay đang phát triển với những công nghệ hiện đại, bao nhiêu những mục tiêu được đề ra nhằm thăng tiến con người thì đằng sau đó vẫn còn những con người đang lê lết với miếng cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Xin hãy mở cánh cửa của tình thương, để người nghèo đói có cuộc sống ấm no hơn, xin chiếu ánh sáng hy vọng nơi những góc tối mịt mờ, để thắp lên ngọn lửa của tin yêu, chiếu sáng tương lai.
CHUYỆN THỰC TẾ
Mỗi sáng mai thức dậy, tôi được đón nhận biết bao điều tốt đẹp từ thiên nhiên và cuộc sống khi thả hồn trong khung cảnh bình yên của ánh mặt trời, những giọt sương mai tựa như pha lê lấy lấp lánh trên cành cây kẽ lá; hay đơn giản là một nụ hoa đồng nội e ấp chờ ngày mới tỏa hương thơm cho đời,…Càng chiêm ngắm tôi thầm tạ ơn Đấng Tạo Hóa đã cho thế giới này tốt đẹp dường bao.
Nhưng có lẽ trong cái giây phút ấy, tôi chợt nhận ra rằng: những gì tôi thấy, những gì tôi được đụng chạm đến đều là một chuỗi hồng ân, là món quà vô giá mà Thượng Đế ban cho. Bởi biết rằng: trong thế giới, nơi đất nước Việt Nam hình chữ S nhỏ bé này và chính trong mảnh đất tôi được sinh ra và lớn lên thì có bao người không được may mắn như tôi. Họ là những người anh em của tôi nhưng họ chưa một lần được nhìn thấy ánh sáng của mặt trời, chưa một lần được thấy vẻ huy hoàng của tạo vật…Trái tim họ đau đáu được nhìn thấy vẻ diễm lệ của thiên nhiên, hay ít là được nhìn thấy những khuôn mặt rạng rỡ của những người xung quanh; nhưng điều đó chỉ là một giấc mơ đẹp mà thôi; còn hiện tại cuộc sống của họ chỉ một màu duy nhất đó là màu đen u tối.
Một trong những người mù đã in đậm trong trái tim tôi đó là côNguyễn Thị Lan thuộc xóm An Vinh, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Năm nay cô mới 35 năm tuổi đời, nhưng những người thân quanh cô thì không còn nữa. Cô kể: từ ngày ba mẹ cô qua đi, thì những người anh em ruột của cô cũng lần lượt về với tổ tiên. Người duy nhất mà cô có thể nượng tựa là người em dâu; nhưng khổ nỗi, gia đình người em dâu lại có người khuyết tật, nên chẳng giúp được là bao, chỉ lo phần nào bữa cơm, bữa cháo… Được mấy cháu ruột thì đi làm ăn xa lâu lâu mới về thăm một lần; có cháu ở nhà thì bận bịu làm ăn, kinh tếlại không có nhiều để có thể nâng đỡ cô. Nên trong thinh lặng, cô đón nhận tất cả, bằng lòng sống một mình trong căn nhà nhỏ và tập để có thể tự lo tất cả.
Tôi không thể quên được cái hình ảnh lần đầu đến thăm cô. Căn nhà nhỏ xíu lọt thỏm dưới bóng cây đa lớn, đến nỗi che mất cả ánh mặt trời. Căn nhà chắc chừng độ một gian, lợp mái ngói nhưng màu đỏ của ngói thì tôi không thấy đâu, chỉ toàn là màu đen của rêu và những đường rẽ trên vách tường cứ chằng chịt lấy nhau như muốn kéo cả một mảng vữa rớt xuống đất. Tôi tự hỏi không biết căn nhà đó hiện hữu từ bao giờ nhưngvới dáng vẻ tiều tụy của nó thì chỉ cần một cơn bão to là có thể sụp xuống tức khắc. Dẫu biết thế, nhưng với hoàn cảnh của cô thì có thể làm được gì?
Nhìn thấy thế, tôi thấy sống mũi cay cay, cổ họng nghẹn đắng bởi thấycô khổ quá! Tôi thương cho cuộc đời của cô cũng là một kiếp người như bao người, nhưng sao cô phải nếm nhiều đau khổ, nhiều đắng cay tủi nhục quá? Cuộc sống của cô chỉ quanh đi quẩn lại với cái bàn cái ghế; dù biết mình vẫn ở tuổi trung niên, nhưng mù lòa thì có thể làm gì? Không người an ủi, khích lệ, cô chỉ biết âm thầm lặng lẽ đóng gói tăm tre cho khuôi khỏa, mượn câu thơ để nói lên nỗi lòng mình:
TĂM TRE
Tre xanh có tự bao đời
Ai đời bất hạnh lẽ nhờ hảo tâm
Đàn em vang khúc ca ngâm
Bỗng dưng vụt tắt âm thầm tối tăm
Còn trông mẫu giáo quanh năm
Hết trông ngày tháng trẻ tăm dâng đời
Niềm vui có ánh mặt trời
Lời đầu xin nhờ công người trồng tre
Đường dài đi bộ gặp xe
Động viên khuyên nhủ lắng nghe từng lời
Ơn thầy cô giáo sáng ngời
Nhờ học sinh đóa hoa lời ngát hương
Vàng nào sánh bằng tinh thương
Hảo tâm cứu giúp chặng đường khó khăn
Hằng ngày theo mỗi bữa ăn
Tay bưng chén nước cây tăm mỉm cười
Răng tóc là góc con người
Trẻ tuổi dạ trẻ, già vui lòng già
Bớt đi tấm bánh đồng quà
Dành riêng mỗi chuyến mua vài gói tăm
Người gần, người ở xa ẵm
Hảo tâm từ thiện ngàn năm mãi còn
Hãy mua sản phẩm tăm tròn
Để người bất hạnh mãi còn niềm tin.