Một trong các đối tượng được Hồng Ân đặc biệt quan tâm là các bệnh nhân bị tâm thần sống với thân nhân hoặc sống trong các Trại Tâm Thần. Họ là những người rất đáng thương và có nhiều lý do khác nhau khiến họ sinh ra tâm thần. Những bệnh nhân này không thể có một cuộc sống làm người trọn vẹn. Họ không kiểm soát được hành vi, lời nói của mình, nên có thể gây tai hoạ cho gia đình, hàng xóm, cộng đồng bất cứ lúc nào. Vì thế, các bệnh nhân này thường bị mọi người xa lánh.
Lần này Hồng Ân xin chia sẻ phần nào về tình trạng các bệnh nhân tại một số trại Tâm Thần mà trong đó, có cả trại mà Hồng Ân đã tiếp tay với các Sơ dòng Mân Côi Trung Linh để thăm và tặng quà cho các người xấu số này.
Các thành phần được nhận vào các trại Tâm Thần thật phức tạp. Khi đến thăm họ, người ta dễ dàng bắt gặp những khuôn mặt ngây ngô, đờ đẫn; có người cười vu vơ, có người ngơ ngác, ủ rũ. Các bệnh nhân đi lại dật dờ, lay lất như những bóng ma, lặng lẽ trong thế giới riêng của mình; quần áo lúc nào cũng lấm lem, rách nát. Có những bệnh nhân lúc lên cơn thì xé toạc quần áo, rồi thản nhiên đi lại như không có chuyện gì xẩy ra.
Thấy các Sơ hay khách lạ đến thăm, các bệnh nhân thường lao ra nhìn ngắm, nói chuyện, hỏi chuyện không đầu không đuôi. Thế nhưng, nếu nghe các câu chuyện về cuộc đời của họ, nhiều người sẽ bị “sốc” khi biết được đàng sau những khuôn mặt ngây ngô ấy lại có những quá khứ “tội ác kinh hoàng” lúc họ lên cơn điên dại. Không ít những trường hợp bệnh nhân tâm thần đã gây ra những vụ án như đốt nhà, hiếp dâm, hành hung người khác, hoặc có những trường hợp tang thương vì giết chính người thân yêu trong gia đình như cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em của mình. Nhưng các hành vi đều làm trong vô thức, nên không thể kết án họ. Và… cay đắng hơn nữa là những giây phút họ “tỉnh táo”, nhận thức được việc sai trái, hành hung, giết người thân… mà mình đã làm. Như chuyện bà HTM đã giết con mới lên 5 tuổi và hành hung chồng cách tàn bạo. Khi được chữa khỏi bệnh tâm thần, bà lại sinh ra bệnh trầm cảm vì đã hiểu biết việc mình đã làm; và bà đã tự vẫn để kết thúc cuộc đời! Vì thế, trong một số trường hợp, có lẽ lúc “tỉnh” còn đau đớn, xót xa hơn là lúc “điên”.
Trong các bệnh nhân vẫn luôn có một số người xuất thân là kỹ sư, sinh viên…, trông rất sáng sủa. Có người mắc bệnh hoang tưởng, khi lên cơn, thì nói rất nhiều và rất hùng biện, về đủ mọi thứ trên thế gian này!
Hiện nay Việt Nam vẫn chưa có trại/nhà thương Tâm Thần riêng cho trẻ em, nên vào đây, người ta sẽ thấy lấm tấm một số các trẻ nhỏ. Có em cha mẹ đi tù, cho vào trại mồ côi được ít ngày thì cũng phải chuyển vào trại tâm thần vì “không chịu nổi sự nghịch phá” của các em. Khi còn sống với cha mẹ, các em đã phải chứng kiến những vấn nạn, những tội ác hung bạo của cha mẹ, nên đã ảnh hưởng tâm lý và cuộc sống của các em.
Vào đây, các bệnh nhân được chia thành 2 khu vực: nam riêng, nữ riêng. Rồi trong từng nhóm nam/nữ như thế lại chia làm 2: nhóm bệnh tâm thần nhẹ và nhóm tâm thần nặng, cần “đặc trị”. Tất cả các bệnh nhân đều được uống thuốc hằng ngày. Ai nặng quá thì phải chích.
Phần đông các bệnh nhân nhẹ vẫn có thể tham gia lao động. Họ là những cộng sự viên đắc lực với ban điều hành trại, vì rất ít người “tỉnh táo, bình thường” muốn đến trại tâm thần để làm việc. Bởi thế, các bệnh nhân nhẹ là những cánh tay nối dài của trại. Họ có thể tham gia trồng rau, phụ bếp, dọn vệ sinh và chăm sóc cho những bệnh nhân yếu hơn.
Vừa qua, các Sơ Mân Côi Trung Linh đã trở lại thăm viếng Trại Tâm Thần tên là Trại Toàn, thuộc tỉnh Nam Định, khá xa thành phố, chưa được biết đến nhiều; đường đi lại khó khăn, nên cũng ít các phái đoàn từ thiện đến thăm. Các Sơ sắp xếp để cùng đi vào ngày Chúa Nhật, nên rất đông quý Sơ đến thăm trại, uỷ lạo tinh thần các người khốn cùng. Thấy các Sơ đến, các bệnh nhân nhào đến nói chuyện, vui như gặp người thân; có mấy người hò hát như con nít.
Các Sơ mua gạo, mì tôm để họ ăn chung. Rồi cho mỗi người 2 ổ bánh mì và một vài bánh chưng con con. Họ ngấu nghiến ăn cách ngon lành. Những nhân viên phụ trách “ngầm nhắc nhở” rằng: “Họ ăn nhiều lắm, ăn không biết no. Vì thế, họ rất khoẻ, khi lên cơn, họ mạnh bằng 4-5 người bình thường!” Vì thế, đến khu vực bệnh nhân nam, các Sơ chỉ dám tiếp xúc qua hàng rào; còn vào khu vực nữ thì các Sơ vào trong gặp gỡ họ luôn. Các bà, các cô ở đây thấy các Sơ vui tươi thì thích lắm, luôn miệng dặn dò: “Thỉnh thoảng chúng mày ra thăm chúng tao nhá!”
Mỗi lần đi thăm trại tâm thần về, hầu như ai cũng thấy man mác buồn: “Chẳng lẽ suốt đời họ mãi thế này ư?” Xin phó thác những người anh chị em thân yêu này lên Chúa. Xin cho những bệnh nhân tâm thần ở khắp mọi nơi trên thế giới được nâng đỡ và ủi an. Amen.