Nhiều lần các Sơ than thở rằng: “Người nghèo… họ nghèo đủ mọi mặt”, vì họ không phải chỉ đối mặt với khó khăn về tiền bạc, mà cả về sức khỏe, tâm lý,… luân lý, tinh thần nữa. Đây quả là một cuộc chiến rất gian truân và khó khăn.
Tình cảnh đau lòng của những người nghèo đối mặt với những thách thức đặc biệt nặng nề không chỉ là vấn đề của họ mà còn là một thách thức lớn đối với xã hội. Họ thường phải đối mặt với sự hiểu lầm và phân biệt đối xử, đặc biệt là những tình trạng như bệnh tâm thần, nghiện ngập mà mọi người thường tránh né.
Người bệnh tâm thần thường bị đánh giá tiêu cực, khiến cho họ trở thành những người bị lưu đày trong xã hội. Họ không chỉ phải vật lộn với bản thân mình mà còn phải đối mặt với sự cô lập và phân biệt đối xử.
Gia đình có con em nghiện ngập ma túy phải chịu nhiều đau đớn và áp lực cả về tinh thần lẫn tài chính. Khi lên cơn nghiện, người ta không còn làm chủ được bản thân, có thể gây thương tích cho thân nhân trong gia đình chỉ để có được ít tiền mua thuốc hút.
Ngoài ra, còn nhiều người nghèo mà trước đó cuộc sống gia đình của họ rất bình thường như bao nhiêu người khác, nhưng khi người lao động chính gặp tai nạn nghề nghiệp, cả gia đình phải đối mặt với sự khủng hoảng khi phải lo chữa trị cho người bệnh và mất nguồn thu nhập để duy trì cuộc sống gia đình.
Mời quý vị cùng gặp gỡ một số người nghèo Hội Hồng Ân đang cùng các Sơ Hiệp Nhất Bắc Ninh hỗ trợ các năm qua.
Nguyễn Thị Hiền 25 tuổi *** Hiền bị nhiễm chất độc da cam. Mẹ của em cũng chết vì chất độc này. Em về ở với ông nội và rất mặc cảm vì mình xấu xí, nên không muốn gặp ai cả.
Nguyễn văn Giang 49 tuổi *** Anh Giang bị nhiễm HIV đã nhiều năm. Nay bệnh đã trở nên rất nặng, khiến anh liệt lào. Bệnh phá hủy cả nội tạng, cơ thể. Anh không vợ con, không ai giúp đỡ, nên làm 1 túp lều ở dưới gầm cầu để có chỗ nằm. Anh rất hối hận vì cuộc sống trước đây.
Nguyễn Thị Thơi 55 tuổi *** Mẹ chị 91 tuổi mới qua đời. Chị sống với người anh trai và chị gái đều bị tâm thần, không khôn ngoan, yếu sức. Chị đi làm thuê kiếm sống, lúc có việc phải làm hết sức lực, lúc không việc lại… chơi dài!
Mã Văn Điều 73 tuổi *** Ông Điều bị mù không làm việc được. Vợ ông làm vườn, chăm ít gà để kiếm tiền. Hai ông bà đều đã cao tuổi và cố gắng chăm sóc cho nhau.
Nguyễn Thị Xiêm 68 tuổi *** Chị lấy chồng người dân tộc thiểu số. Anh chồng bị nghễnh ngãng, không biết làm việc kiếm sống. Người con trai nghiện ngập, không giúp được gì cho gia đình, thỉnh thoảng còn đánh mẹ. Chị có 1 người con gái và cô này bị khuyết tật.
Nguyễn Văn Hoạt 17 tuổi *** Bố cháu Hoạt bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Bà nội cháu ở chung với gia đình. Có lần đi mua thuốc cho bố, em bị ngã xe gẫy tay. Mẹ em chán nản bỏ luôn mấy bố con đi theo người đàn ông khác. Hoạt phải chăm sóc cho bố bệnh ngày càng nặng và người em còn nhỏ. Cuộc sống 4 người của 3 thế hệ thật túng thiếu, khốn khổ!
Nguyễn Văn Vịnh 56 tuổi *** Ông Vịnh làm nghề thợ xây. Cách đây 6 năm, ông bị tai nạn lao động, ngã từ lầu 2 xuống và bị liệt luôn. Ông là người lao động chính nuôi gia đình, nên sau tai nạn, gia đình ông vô cùng khốn đốn.
Nguyễn Thị Khang 70 tuổi *** Gia đình bà thuộc “hộ nghèo”. Bà sống với người con trai nghiện ngập ma túy. Hai người cháu nội còn đang đi học. Người con dâu bỏ đi, không muốn ở lại với gia đình quá nghèo, nên một mình bà phải chăm sóc con trai bệnh tật và các cháu. Sức khỏe bà đã yếu đi rất nhiều.
Nguyễn Thị Phu 74 tuổi *** Bà cô đơn, không chồng không con. Bà luôn cố gắng chăm chỉ làm việc nuôi thân, nhưng khi cao tuổi, sức khỏe yếu người, đi lại đau đớn khó khăn, không còn làm việc được nữa, nên chỉ còn chờ ai thương tình cho gì thì ăn nấy.
Phạm Thị Loan 73 tuổi *** (KHÔNG CÓ HÌNH) Bà thuộc hộ nghèo, có 2 người con: 1 trai, 1 gái. Người con trai đã mất, nên bà sống chung với gia đình cô con gái. Cô này bị chồng bỏ theo người khác, nên cô một mình làm việc nuôi mẹ và con nhỏ. Gia đình rất nghèo túng, không đủ ăn mặc, mà bà Loan lại đau ốm, rất cần tiền mua thuốc.
Phạm Thị Bi 50 tuổi *** Dù chị Bi mới 50 tuổi, nhưng chị có rất nhiều bệnh tật, lại bị “u nhú” toàn thân, nên thường xuyên phải vào bệnh viện. Chị sống một mình, nên rất nghèo túng, thiếu thốn.
Nguyễn Thị Lựa 74 tuổi *** Bà Lựa có 4 người con nhưng đều hư hỏng vì nghiện ngập hút xách, nên bà rất đau khổ. Nhà không có đất để canh tác, lại không có nghề nghiệp nên rất túng thiếu.