Vừa qua, Hồng Ân nhận được email của Sơ phụ trách Tông Đồ của Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế. Trong đó có đoạn viết:
Vừa qua, trong NGÀY KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO Cộng Đoàn Nhà Mẹ của chúng em 50 Sơ tổ chức đi thăm người nghèo, neo đơn, tâm thần…chúng em chia làm 6 tổ để đi thăm một ngày. Nhóm Học Viện, Thỉnh sinh thì đi riêng.
Tối lại, chúng em họp và chia sẻ cảm nghiệm, tổng kết sau một ngày các chị chia sẻ rất cảm động, hoàn cảnh nào cũng đáng thương, xót xa và đau lòng…. Chúng em đã chụp hình và có địa chỉ rồi, chúng em mỗi Sơ sẽ cầu nguyện cho một người và chúng em cố gắng sẽ đi thăm 2 tháng một lần cho 40 người có hoàn cảnh trên.
Sơ ơi, nếu được dịp Giáng Sinh này, Hội có thể cho chúng em ít quà cho số người trên, nhưng tùy Chị. Em chỉ ước ao như vậy thôi. Chị em trong Hội dòng sẽ tiếp tục thăm viếng những người mà mỗi chúng em đã cưu mang và đã cầu nguyện cho họ.
Cám ơn Sơ thật nhiều về tất cả những gì Sr đã giúp cho những người bất hạnh ở miền Trung VN.
Kính chúc Sơ khỏe và tràn đầy ơn Chúa.
Đọc thơ của các Sơ mà Hồng Ân thấy thật cảm động. Hình ảnh 50 Sơ được chia thành từng nhóm nhỏ để thăm viếng người nghèo khổ, rất giống như hình ảnh mà Chúa Giêsu đã gởi các môn đệ đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.
Người nghèo thật nhiều quá, rất nhiều hoàn cảnh tang thương mà họ phải trải qua. Sức mình có hạn, nên xem ra số người được trợ giúp chẳng thấm thía gì! Nhưng nhiều lần Hồng Ân phải nhắc nhở, tự “động viên” cho chính mình rằng: “Không phải vì thế mà chúng ta lại không làm những điều có thể trong tầm tay và sức lực của mình”. Nếu cứ nhìn con số người đang nghèo đói trên thế giới thì thật mênh mông…, mình có cố gắng hết sức lực, hết tài sản, hết thời gian mình có cũng không sao “xoá đói, giảm nghèo” được. Nhưng Chúa chẳng đòi chúng ta phải làm những chuyện to tát, “biến đổi cả thế giới” hay “bình thiên hạ” như thế, nhưng chỉ cần làm những gì trong tầm sức của mình, “đói cho ăn”, “khát cho uống”. Và chúng ta cứ liên kết với nhau, người giúp tài chánh, kẻ giúp thời gian, công sức… để làm công việc “lá lành đùm lá rách”. Chẳng phải các Sơ cũng đã từng than thở rằng mỗi khi đến thăm các người nghèo túng, thấy họ đói khát, thiếu thốn, khốn khổ quá, mà mình chẳng có gì để chia sẻ, nên lời an ủi, khích lệ họ mãi cũng thấy… lạc điệu đó chăng; và đồng thời, “CỦA cho không bằng CÁCH cho”, người nghèo khổ cũng dễ bị tủi thân nên nếu họ không cảm nhận được mối quan tâm, thương mến từ người cho thì lắm khi lại còn làm cho họ bị đau đớn hơn. Thôi thì mỗi người đóng góp trong tầm sức của mình. Hội Hồng Ân tiếp tay với các Sơ để mang quà tinh thần và vật chất đến cho họ. Mong sao cho những người này được “hằng ngày dùng đủ”. Nếu mỗi người chúng ta bớt 1 tô phở, hay bỏ “heo” các đồng tiền lẻ khi đi chợ, thì có lẽ hằng tháng cũng đủ nuôi 1 cụ già, 1 người tâm thần, tàn phế … không còn sức lao động có gạo ăn rồi.
Khi cho đi những điều tốt đẹp, chính ta cũng sẽ cảm nhận được sự thanh thản, niềm vui nhẹ nhàng, hạnh phút thâm trầm trong tâm hồn ta, góp phần làm cho cuộc đời của chính ta của người khác được thêm đẹp, thêm vui. Khi giúp được thêm người nào thì không chỉ người ấy thấy hạnh phúc, mà chính mình cũng thấy hạnh phúc. “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm!”
Viết đến đây, Hồng Ân chợt nhớ đến một câu trong bài hát nào đó của Trịnh Công Sơn là “Cuộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ!” Sống sao cho có ý nghĩa với trọn con tim yêu mến chân thành, để đến cuối đời, khi sức cùng lực kiệt, ta sẽ không nuối tiếc vì đã không đầu tư thời gian, sức lực, tiền tài và cả tâm hồn để mang hạnh phúc đến cho người khác và cho chính mình.