NHỮNG NGƯỜI ANH EM CỦA TÔI
“Chuyện dài nhiều tập”
Có lẽ những người quen thuộc với Hội Từ Thiện Hồng Ân đều đã ít nhiều nghe được chương trình Giúp Gạo của Hội dành cho những người nghèo khổ, không còn sức lao động như các cụ già yếu, các bệnh nhân phong cùi, tâm thần, tàn tật. .. Hồng Ân cũng có những lúc phải cân nhắc giữa việc giúp “con cá” (thực phẩm) và “cần câu” (công việc, dạy nghề…) vì nhu cầu nào cũng khẩn thiết; nếu là những người còn sức lao động thì việc giúp “cần câu” là điều cần hơn cả. Và bên cạnh “cần câu” còn là việc giúp họ có ý chí vươn lên khỏi cảnh nghèo, cảnh nhờ vả vào xã hội, vào người khác. Nói thì tức cười, nhưng trong số dân nghèo, vẫn luôn có những người muốn ở lại làm “hộ nghèo” (thu nhập dưới 400 ngàn, tức 20 đô/1 tháng, thì được xếp vào hàng “hộ nghèo”), không muốn vươn lên vì thoát nghèo người dân không còn được trợ cấp, không được hưởng “chế độ của người nghèo”. Vì thế, việc phát sinh thêm “hộ nghèo” và “tái nghèo” hằng năm vẫn còn cao. Xem ra việc giúp cho người dân ý thức được sự cần kiệm trong chi tiêu, cần cù chịu khó làm việc, áp dụng kỹ thuật khoa học… là chuyện rất cần thiết. Thay đổi não trạng không phải là một chuyện đơn giản. Vì thế, phải đi khá sâu sát với dân nghèo thì mới có thể giúp họ được.
Đó cũng chính là lý do tại sao Hồng Ân chọn con đường tiếp tay với các Sơ của nhiều Hội Dòng trong việc phục vụ dân nghèo. Hầu như Dòng nào cũng luôn cố gắng có một số cộng đoàn ở giữa dân nghèo và phục vụ họ tại các miền đất “xương xẩu”. Và cũng có một số các Đức Giám mục luôn tích cực kêu mời nhiều Hội Dòng khác nhau về Giáo phận mình để phục vụ. Các Ngài thường cho các vị bề trên hữu trách trong Dòng được mời biết về nhu cầu của địa phương. Có Đức Cha lại mua sẵn đất để các Dòng mới có nơi cư ngụ và làm việc, tức là “có đất để cắm dùi”. Việc tìm kế sinh nhai thường là do chính Hội Dòng mới phụ trách, có thể là trong vài năm đầu Hội Dòng mẹ sẽ cung cấp các nhu cầu cho các thành viên; sau đó, khi đã tạm ổn định nơi đất mới, các Sơ, các thầy sẽ tự tìm được cách sinh nhai.
Hồng Ân được chứng kiến khi đến các vùng đất “xương xẩu” này, các Sơ thường phải tập cho dân làng những điều rất căn bản, như việc nấu cơm chẳng hạn. Cứ đến lúc nồi cơm sôi thì người ta gạn nước đổ đi! Uổng thế cơ chứ?! Rồi các Sơ còn tập cho dân trồng rau ăn, tùy theo loại đất và khí hậu của địa phương. Nói không bằng làm, chính các Sơ ra công cầy cuốc, bồi đắp đất để trồng. Sau vài tháng, khu đất đã có được vườn rau xanh tươi. Khi ấy, các Sơ thường giới thiệu về sự lợi ích của các thứ rau, rồi cho dân, mỗi nhà một ít để ăn thử, kèm theo 1 gói hạt giống để trồng. Với tháng năm, “kiến tha lâu, cũng đầy tổ”, người dân làng từ từ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
Nhưng cũng không phải là lúc nào sự hướng dẫn của các Sơ cũng thành công, như có lần các Sơ giúp vốn cho một số gia đình nuôi vịt, bắt đầu từ việc cấp cho mỗi gia đình nghèo từ 50 đến 100 chú vịt con (cho nhẹ vốn). Nhưng khi chúng lớn, đàn vịt cứ … thưa dần, thỉnh thoảng lại mất 1 con cho đến khi hết sạch cả đàn. Người này mách tội người kia đã giết vịt làm tiết canh! Chương trình “Giúp vốn nuôi vịt” hay chương trình “nuôi bò” thường hay kết thúc… “vỡ nợ, vỡ vốn” như thế đó. (“Giúp vốn nuôi bò”: các Sơ giúp mỗi gia đình 1 con bê cái. Gia đình này có bổn phận nuôi cho lớn, vì cỏ hoang rất nhiều. Đến khi nó đẻ được 1 con bê cái khác thì sẽ dùng con bê cái này để cho gia đình kế tiếp).
Chuyện về dân nghèo thường luôn là những chuyện dài nhiều tập, lắm khi dở khóc dở cười. Những kiến thức rất thông thường mà đôi lúc chúng ta không thể tưởng tượng được rằng có những gia đình không biết cách áp dụng; như lời tâm sự của 1 cô giáo làng rằng: các trò của cô nhiều em hôi không thể tưởng được, vì quần áo của chúng chỉ được giặt khi nó thật hôi! Và cách giặt chính là nhúng nước, vò vài cái rồi treo lên, chứ không dùng xà bông. Nhiều gia đình, vì con nhỏ hay đái dầm, nên họ cho chúng sống… thiên nhiên luôn, hoặc có khi chỉ mặc áo thôi là “sang trọng” lắm rồi.
Còn nếu đến với dân tộc thiểu số sống trên cao nguyên, rừng núi, người ta đều dễ dàng nhận thấy hầu hết các nơi đều có nhu cầu cần nước sạch cho dân làng, đặc biệt trong thời gian hạn hán, khi các suối nước, ao hồ đều khô cạn. Nước mà người dân gạn lọc mang về dùng thường đục ngầu với biết bao nhiêu là vi khuẩn! Thật kinh khủng! Nhưng nếu khát thì phải uống thôi, nên chẳng trách gì người dân tại đây thường mắc các bệnh về đường ruột. Vì thế, có vài Hội Dòng quyên góp tiền để giúp làm một số giếng cho dân làng. Và vì là cao nguyên, đồi núi, nên việc đào giếng rất khó khăn. Bởi thế, các Sơ đã phải nhờ các nhóm chuyên môn về “khoan giếng” đến các làng mạc để khoan cho các làng đông dân 1 cái giếng chung. Việc tìm được mạch nước cho đến bây giờ vẫn còn là “cơ may”, tức là có lúc được, lúc không, nên có khi khoan đến 50, 60 mét mà vẫn phải bỏ để tìm mạch khác. Rồi sau khi có giếng, còn phải sắm sửa thêm 1 bồn nước lớn để chứa nước, bên dưới là một số các vòi nước nhỏ. Mỗi ngày, người phụ trách của làng chỉ có thể mở vài tiếng cho dân đến kín nước mang về. Bao nhiêu là công trình và tài chánh đổ vào để có được giếng nước trong lành cho dân dùng. Ấy vậy, mà sau này các Sơ kể thêm rằng: khi trời hạn hán thì dân làng mới dùng nước này để ăn uống, còn khi các suối còn nước thì họ vẫn lặn lội ra lấy nước ở đây về dùng vì “nước suối” ngon và ngọt hơn nước giếng! Thôi cũng được, ít là họ có được cách giải quyết về nước dùng quanh năm.
Tại một số nơi khác, một số Dòng lại áp dụng cách khác là ráp máy lọc nước rất lớn tại sân nhà Dòng/nhà thờ và cho dân nghèo đến lấy nước theo những giờ ấn định. Đây là cơ hội để các cha, các Sơ, các thầy gặp gỡ dân nghèo để lắng nghe nhu cầu của họ cả về vật chất lẫn tâm linh. Biết được nhu cầu chính đáng của họ rồi thì mình mới biết cần làm những gì để giúp họ.
Và… giai đoạn kế tiếp là việc tìm kiếm thêm các vị Mạnh Thường Quân để trợ giúp cho các chương trình, là giai đoạn mà Hồng Ân đã thực hiện tại Hải Ngoại. Kẻ giúp công, người giúp của, vì chẳng ai một mình có thể làm được tất cả từ A tới Z. Vì Hồng Ân chủ trương đến với người nghèo qua sự phục vụ của các Sơ thuộc nhiều Hội Dòng, nên việc đề cập đến các Sơ nhiều hơn là chuyện đương nhiên; và vì trong ban Điều hành của Hồng Ân cũng có một số các Tu sĩ, linh mục, nên lý tưởng tận hiến sống phục vụ các chi thể đau khổ của Đức Kitô là điều mà Hồng Ân biết rằng các ngài luôn cố gắng thi hành, dù đang đảm trách bất cứ trách nhiệm nào. Giáo Hội thông công với nhau, công việc của người này hỗ trợ cho công việc của người kia và không ai có thể tự hào công trình này, công trình kia là của riêng ai. Người trồng, người tưới và Thiên Chúa là đấng làm cho cây được lớn lên. Xin cho Danh Ngài cả sáng!