THĂM VIẾNG NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ TÂM THẦN

opbn01Một trong các Hội Dòng mà Hồng Ân phải nghiêng mình bái phục sự hy sinh cao cả của quý Sơ là Hội Dòng các Sơ Đa Minh Bắc Ninh.  Các Sơ thường dám đến với những buôn làng, những vùng sâu vùng xa để thăm viếng và tặng quà.  Có nhiều nơi xa cả 200-300 cây số.  Ai đã về VN, đến các vùng quê thì biết rằng đường xá tại Việt Nam không phải là dễ đi, và nếu đi bằng xe hơi (để chuyển chở nhiều hơn) thì vận tốc thường vào khoảng 30 km/1 giờ.  Còn nếu đi xe gắn máy thì có thể dễ lách và nhanh hơn, vào khoảng 40 km/1 giờ.  Nếu vùng quê nghèo khổ mà có đường xa lộ và lại thêm một vài địa điểm du lịch gần đó, có du khách lui tới thì vùng quê đó rất có cơ hội được khách du lịch ghé thăm, vừa đi chơi vừa làm việc từ thiện!  Nhưng nếu đường đi quanh co, khúc khuỷu, gập ghềnh… thì các miền quê nghèo đó sẽ bị chìm vào quên lãng.  Không chỉ người du lịch không ghé đến mà cả chính phủ cũng chẳng đoái hoài.  Thế mà các Sơ Đa Minh Bắc Ninh dám mò mẫm đi thăm nơi này với kia, cùng với một số nhỏ các em sinh viên nghèo tiền nhưng giầu ước mơ, cao opbn-SET01lý tưởng.  Vì thế, nhìn hình các Sơ chụp, ta sẽ thấy những vùng sình lầy, đất đỏ, ổ gà, ổ vịt… thật khó đi!  Dân chúng thì bơ phờ, xơ xác; trẻ em thì trần trụi, lem luốc, thiếu dinh dưỡng. 

Vừa qua, dịp cuối năm, các Sơ Đa Minh Bắc Ninh lại lặn lộn đi thăm hơn 30 gia đình nghèo khó ở vùng Tây Bắc thuộc tỉnh Tuyên Quang, cách nơi các Sơ ở hơn 200 km (6-7 tiếng lái xe).  Với sự tiếp sức của Hội Hồng Ân, các Sơ đã mang đến cho họ những món quà cần thiết như chăn ấm, ngũ cốc, sữa, bánh, bột ngọt… Các gia đình hết sức cảm động, đón nhận sự thăm viếng và quà tặng của quý Sơ và quý ân nhân như đón nhận tình thương của người mẹ đến với họ.

            Trong các tấm hình và video các Sơ gởi đến, Hồng Ân được nghe các Sơ kể thêm những cảnh khổ của các gia đình tại đây như:

  1. Gia đình em Tiến.  Em Tiến 14 tuổi, bị bệnh tâm thần.  Gia đình phải dùng dây xích bằng sắt để nhốt em trong căn phòng nhỏ.  Em cứ cậy tường ăn, rồi có gì ở gần là cứ ném bậy ra ngoài.  Răng em vì ăn… tường, nên đã sún, mòn gần hết.  Tường cũng bị cậy hết các lớp vôi ở phía dưới, chỉ có phần trên cao và trên trần là chưa bị em cậy ăn mà thôi.  Em không tiếp xúc với bất kỳ ai.  Người thân nhất mà em chịu cho lại gần là Bố của em.  Ngoài ra, ai đến gần, em đều bịt mặt của em lại. Nhưng… nếu đã lại gần em thì phải cẩn thận đấy. Và “tai nạn” xẩy ra là Sơ phụ trách từ thiện tới gần em, cố gắng tiếp xúc nói chuyện với em.  Thoạt tiên thì em cúi đầu xuống và lấy tay che mặt lại.  Sơ lại gần hơn, cầm tay em và … bị em cho ăn 1 cái tát bay cả kính!  Mọi người giật nẩy cả mình!  Bố mẹ em cũng hoảng hốt, xin lỗi các Sơ!  “Tai nạn phục vụ” thỉnh thoảng vẫn xẩy ra đó đây khi đến thăm các bệnh nhân tâm thần, là những người không còn làm chủ được các hành vi của mình.

Hồng Ân viết thơ an ủi, khích lệ các Sơ và cũng phải đùa rằng: “Vừa thấy tội nghiệp, lại vừa… tức cười, Sơ ạ!”  Và biết rằng các Sơ chẳng phải vì sợ khó khăn mà ngừng bước, nên vừa để khích lệ, vừa để an ủi, ban Điều Hành của Hồng Ân lại gởi thêm một số tiền “bất thường” nữa để các Sơ giúp thêm cho các gia đình nghèo khổ, khốn khó tương tự.

  1. Gia đình em Thìn: Bố mẹ em còn trẻ cả, có 3 con nhỏ, mà tất cả đều bị khiếm khuyết.  Bé Thìn là con thứ 2, khi thấy các Sơ đến thì quyến luyến lắm, nên cứ lẽo đẽo đi theo.  Bé bị câm, không nói được, nên chỉ lặng lẽ theo đuôi thôi.  Cả 3 cháu đều không được đi học. Nhìn các khuôn mặt nhỏ bé, đơn sơ, trong sáng nhưng không diễn tả được chính mình, không ai là không chạnh lòng thương!
  1. Em bé 13 tuổi: Rồi đến cậu bé chân tay dài nhoằng, nhưng khẳng khiu, bé tí teo và yếu ớt.  Em không thể có thăng bằng để đi đứng hoặc ngồi dậy.  Suốt ngày em phải nằm và đặt đâu thì em nằm yên chỗ đó, chứ không nhúc nhích được.  Người em nhẹ tênh, tiều tụy và thiếu dinh dưỡng.  Em lại bị câm, không nói được.  Đến thăm em và gia đình, các Sơ phải bước đi trong xót xa, xúc cảm.

Và… còn nhiều hoàn cảnh khốn khổ tương tự như thế trong ngôi làng quê hẻo lánh này mà các Sơ cho biết khi nghe họ vừa khóc, vừa kể, các Sơ chỉ muốn ôm lấy họ mà khóc theo.  Viết cho Hồng Ân, Sơ phụ trách nói lên niềm “ước mong và hy vọng” là “có thêm nhiều người xả thân cộng tác trong công việc bác ái để xã hội bớt đi những người khốn khó, nghèo khổ!” Vâng, xin Chúa từ bi nâng đỡ các người nghèo khổ túng cực và xin gởi thêm các Mạnh Thường Quân đến tiếp sức cho họ, để cho họ cảm nhận được sự ấm áp trong cuộc sống và nhờ thế, gánh nặng sẽ vơi đi phần nào và cuộc đời thêm tươi sáng tình người.

  opbn-SET02

opbn-SET03 

opbn-SET04

 

hoahongvang