GIA TĂNG SỐ CỤ GIÀ ĐƯỢC GIÚP GẠO HẰNG THÁNG
Như quý vị đã biết, 1 trong 2 chương trình chính của Hội Hồng Ân là chương trình “Ký Gạo Tình Thương”, dành ưu tiên cho các cụ già nghèo đói, neo đơn để các cụ an tâm vui sống và không phải lo chuyện chạy gạo từng bữa, không phải đối diện với cảnh “bữa no, bữa đói” từng ngày nữa. Ngoài ra, chương trình này cũng mở rộng đến một số nhỏ các bệnh nhân không còn sức lao động, như người bị bệnh phong cùi, hoặc bị khuyết tật, và gần đây nhất là cho cả các người bị tâm thần; đây là những con người rất đáng thương, mà sự hiện diện của họ đôi lúc bị coi như “gánh nặng của gia đình, của xã hội”.
Sự trợ giúp của chương trình này cũng có tính cách rõ ràng và cố định: hằng tháng mỗi người sẽ nhận được 10 ký gạo, tương đương với 5 US $. Số các cụ trong Danh Sách Chờ Đợi (Waiting List) luôn còn rất nhiều. Chỉ khi có cụ nào thuộc diện được trợ giúp mà qua đời thì một cụ khác trong danh sách chờ đợi mới được thế vào chỗ đó; hoặc nếu có thêm ân nhân trợ giúp thì cũng sẽ có thêm các cụ được hưởng nhờ. Thú thật, Ban Điều Hành Hội HỒNG ÂN đã có những lúc lo lắng tự hỏi rằng: “Không biết các ân nhân giúp gạo cho các cụ năm nay, có còn tiếp tục giúp cho năm kế tiếp chăng? Coi chừng lại rơi vào tình cảnh năm nay các cụ có gạo, rồi năm tới lại không!” Nhưng rồi, chúng con lại tự nhủ: “Thôi, để Chúa lo. Nếu Chúa muốn, Ngài sẽ gởi ân nhân đến.” Xin Thiên Chúa giữ gìn và làm triển nở những gì Ngài đã bắt đầu!
Và chính các Sơ ở Việt Nam, đang cộng tác với Hồng Ân để đem gạo đến cho các cụ, cũng có cùng nỗi băn khoăn như vậy. Có Sơ ở miền Trung viết cho Hồng Ân:
“Sơ ơi, em không biết năm tới, Sơ và quý ân nhân còn tiếp tục giúp gạo nữa không ? Nếu còn giúp các cụ già, em xin đề nghị giúp các cụ già khác. Em sẽ tìm một số cụ mới, bởi vì em nghĩ cụ già nghèo thì có rất nhiều. Em mong Sơ và quý ân nhân có thể chia sẻ nhiều cụ thì tốt hơn…”
Đọc mà thấy thương quá! Dân nghèo thì ở đâu cũng có, nhưng nếu ở miền Trung thì lại càng thấy tội nghiệp hơn như bài hát quen thuộc “Tiếng sông Hương” rằng: “Quê em nghèo lắm ai ơi. Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn. Trời rằng trời hành cơn lụt mỗi năm, khiến đau thương thấm tràn ngập…” Số các cụ già nghèo khổ quả là nhiều quá, mà quỹ Hồng Ân chỉ có hạn. Nhưng đề nghị của Sơ phụ trách là mỗi năm “luân chuyển” số gạo sang cho nhóm các cụ già khác, cũng là 1 đề nghị hay. Các Sơ ở địa phương nào thì hiểu rõ tình hình địa phương đó hơn là người ở xa! Các cụ nghèo đói nhiều năm rồi; giờ được hưởng 1 năm không phải lo gạo ăn thì đã một niềm vui lớn cho các cụ trong suốt năm đó rồi. Giờ, số gạo sẽ chuyển sang cho các cụ mới chăng? Nhưng… có cái gì đó rất xót xa! Niềm mong ước của Hồng Ân ngay từ thuở ban đầu là để cho các cụ an vui những chuỗi ngày còn lại trong cuộc sống này, chứ nào phải chỉ có 1 năm?!!! Làm sao để các cụ khác cũng được hưởng đây?
Và Chúa đã ra tay. Ngài đã trợ lực và đánh động lòng quảng đại của các ân nhân để mỗi người cùng góp công góp của trợ giúp cho các anh chị em đồng bào đói khổ của mình. Con số khởi đầu cách đây 1 năm (cuối năm 2012) là hơn 300 cụ. Sau đó, con số cứ từ từ gia tăng theo số tiền các ân nhân đóng góp… 350, … 400 rồi … sắp tròn 500 cụ vào đầu năm 2014. Cầu mong sao con số đừng bị giảm bớt, kẻo phải ngưng gạo của cụ già nào thì Hồng Ân lại xót xa cho cụ già đó.
Ngoài ra, mỗi khi tăng con số các cụ tại các địa phương lên như thế, Hồng Ân cũng luôn phải ngỏ ý trước với các Dòng:
“Các Sơ có thể nhận thêm XX xuất gạo chăng?” Thêm số người nhận gạo, thì cũng có nghĩa là thêm việc cho các Sơ! Mà Hồng Ân đã ngỏ ý với các Sơ ngay từ phút đầu là “xin mua gạo mà biếu các cụ, chứ không đưa tiền”! Và cám ơn Chúa, Hồng Ân luôn luôn nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của các Sơ thuộc các Hội Dòng. Các Sơ phụ trách viết:
“… Chúng em mừng hơn là các cụ già nghèo khó được nhận gạo ăn, vì chủ động biết rằng chúng em sẽ được đến với nhiều cụ khác mà bao lần lòng thấy nặng trĩu vì không làm được gì hơn cho các cụ. Vậy xin bác cho vào quý sắp tới luôn đi. Chị em chúng em sẽ chọn các cụ cần trợ cấp ngay. Nhưng hình ảnh các cụ thì phải đợi đến khi đến biếu gạo các cụ rồi mới có ảnh, bác ạ. Tâm lý các cụ hay tủi thân, có cụ thì thích chụp ảnh, có cụ thì càu nhàu rằng “thân này có ra gì đâu mà ảnh với tượng”, nhưng chỉ cần dỗ dành hay ngọt lời một chút thì chụp 10 cái cũng ừ, càng thấy thương các cụ hơn…”
“… Bác ơi, nếu được tăng thêm số các cụ thì tốt quá vì cũng có 1 số nơi xin nhưng em nói chưa có. Vâng, em biết là sẽ vất vả hơn, nhưng các chị H., chị H. và mấy chị nữa giúp em rất nhiệt tình làm việc này mỗi khi em nhờ các chị đi thăm người già. Em cũng muốn các chị em biết thương người, bác ái… đó là việc tốt. Chúa chúc phúc cho các cụ! Chúng em không có của, nên xin được góp công. Làm việc này, nhiều chị em thich lắm bác ạ!”
“… Cám ơn các bác nhiều lắm. Nhiều lúc đi thăm các Cụ về em cũng hay nghĩ lại những hình ảnh và thương họ, bác ạ. Rồi em cũng kể cho các chị em không đi nghe. Mình cám ơn Chúa vì sống trong nhà Dòng có cơm ăn áo mặc, thuốc thang khi ốm đau…, còn các Cụ thì chẳng có gì…!”
“… Em mừng lắm và chỉ biết thầm cảm tạ Chúa và dâng tất cả mọi công việc của chúng ta cho Thánh Tâm Chúa và Mẹ. Như Sơ nói nếu công việc của chúng ta làm đẹp lòng Chúa thì chắc chắn Chúa sẽ chúc lành và trợ lực chúng ta.
“Kẻ giúp công, người giúp của!” Phần các Sơ phục vụ tại Việt Nam là thế, phần còn lại là phần chúng ta bên này. Hồng Ân biết rằng cũng có một số các ân nhân cùng đồng hành lâu dài với mình, nhưng đó chỉ là con số rất nhỏ, so với các ân nhân chỉ giúp 1 lần rồi thôi. Nỗi lắng lo “Không biết năm tới Hội có cung cấp đủ gạo cho các cụ chăng?” vẫn còn thấp thoáng đâu đó. Nhưng một lần nữa, Hồng Ân xin dâng sự khắc khoải này lên Thiên Chúa. Nếu công việc chúng con làm đẹp lòng Chúa, xin Ngài giữ gìn và làm triển nở những gì Ngài đã bắt đầu; đồng thời, xin Ngài chúc lành và trợ lực cho chúng con và các người cùng cộng tác.