TỤC LỆ “MẸ CHẾT, CHÔN CON THEO MẸ!”

Kontum1-3Như chúng ta thường nghe câu “Vô tri bất mộ”, tức là “Không biết thì không yêu” hay “Ta không thể yêu điều ta không biết”, còn nhà nhân chủng học/anthropologist Jacques Dournes, người Pháp, sống ở Việt Nam 25 năm (1946-1970), chuyên nghiên cứu văn hóa của người Gia Rai và các dân tộc cao nguyên khác thì lại bổ túc thêm rằng: “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu” (“Vô tri bất mộ, vô mộ bất tri!”). Muốn thật sự hiểu được văn hoá của miền đất huyền ảo Cao Nguyên Việt Nam, của người dân tộc thiểu số, người ta phải có một tình yêu sâu đậm với nơi này. Càng hiểu sẽ càng yêu, và càng yêu lại càng hiểu!

Từ khi có dịp làm việc với các Sơ phục vụ dân nghèo tại nhiều vùng cao nguyên Việt Nam, Hồng Ân đã nhiều lần được đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Dù cũng là người Việt Nam với nhau, nhưng văn hoá của người Dân tộc thiểu số thật có nhiều điểm khác lạ với người Kinh. Có những áp dụng mê tín, dị đoan… mà lắm khi nghe qua, chúng ta phải giật mình, như việc dán bùa trên các cửa trong nhà tại Bắc Giang, việc thờ ma xó, ma gà, ăn “cao bành trướng/cao làm bằng xương người” để khoẻ tại Cao Bằng Lạng Sơn… và nay Hồng Ân lại chạm vào hủ tục “mẹ chết, chôn con theo mẹ” tại Kontum, Gia Lai khiến cho người nghe phải rùng mình, xót xa!

Vì thế, vừa qua Hồng Ân đã phải có một cuộc phỏng vấn ngắn với các Sơ dòng Ảnh Phép Lạ để hiểu hơn về những thông tin. Các Sơ cho biết như sau:

Già Làng

Trong mỗi buôn đều có “Già Làng” là người có quyền nhất trong làng.   Như câu “Phép vua thua lệ làng”, các buôn này không muốn đụng/nhờ đến nhà nước nên già làng thường là người giải quyết các cuộc xung đột, đánh nhau trong làng hoặc giữ tình đoàn kết, nâng cao tinh thần của dân làng.

Chế độ Mẫu Hệ

Ngoài ra, nhiều nhóm dân tộc còn áp dụng chế độ Mẫu Hệ, tức là người phụ nữ, đặc biệt là người mẹ, giữ vai trò chủ chốt trong gia đình. Họ chăm sóc nuôi lớn con cái, giáo dục con cái, là người lao động chính kiếm tiền và giữ tiền nuôi cả nhà.   Người nam giữ vai trò rất mờ nhạt. Họ có thể không đi làm, hoặc nếu có đi làm (săn bắn, làm rẫy) thì cũng chỉ kiếm được ít tiền đủ cho họ tiêu vặt, và đa số lại thường hay uống rượu, nhậu nhẹt đến say mèm.

Mẹ chết, chôn con theo mẹ

Và vấn đề xẩy ra là nếu người mẹ qua đời mà có đứa con mới sanh còn quá nhỏ (vài ngày – vài tuần), còn cần bú sữa mẹ, cần chăm sóc đặc biệt thì khi chôn người mẹ, dân làng sẽ chôn luôn đứa bé!!! Có lẽ chúng ta sẽ hỏi ngay: Thế thì tại sao ông bố lại không nuôi con? Thưa, hầu hết các ông bố sẽ không chịu nuôi và cũng không nuôi được vì chăm sóc hài nhi bé tí như thế rất khó, nên nếu để các ông nuôi thì nó cũng chết thôi! Ngoài ra, ông bố nào chịu nuôi thì ông bố đó phải thật là phi thường!  

Các Sơ cho biết ngày xửa ngày xưa cũng có những lời đồn thổi rằng: Nếu không chôn cháu nhỏ với mẹ nó thì hồn người mẹ không được siêu thoát và hồn ma này sẽ về đòi con và bắt người dân trong làng. Nếu ai muốn giữ lại cháu bé thì lắm khi phải ra mộ mẹ cháu rồi đạp đạp lên mộ rồi xin rằng: “Đừng đòi nó nữa, hãy đi bình an!” Nhưng đã lâu lắm rồi, người dân cũng không còn tin vào điều đó, mà chủ yếu là: không có ai chịu nuôi cháu nhỏ như thế. Còn nếu gia đình như bà nội, bà ngoại, cô, dì… muốn đứng ra nhận lãnh trách nhiệm nuôi thì dân làng cũng để cho người ấy nuôi.

Những trẻ mồ côi

Hơn thế nữa, các gia đình người Dân tộc lại thường rất đông con, nên nếu người mẹ chết thì không chỉ hài nhi bị liên lụy mà các đứa con khác, nếu vẫn còn nhỏ, thì dù không bị chôn theo, nhưng sẽ phải tự sống rồi chúng cũng vất vưởng, suy dinh dưỡng rồi chết bờ, chết bụi ở đâu đó! Thật đúng như câu: “Mồ côi cha ăn cơm với cá. Mồ côi mẹ lót lá mà nằm!”

Còn hàng xóm, láng giềng ư? Họ cũng hầu hết đều rất nghèo, cũng đông con, đông miệng ăn. Con họ còn đói thì nói gì đến con của người khác?

(Xem tiếp kỳ sau)

 

 

KONTUM 5KONTUM 6KONTUM 7KONTUM 8KONTUM 9KONTUM 10KONTUM 11KONTUM 12 

 

 

 

 

hoahongvang