“XIN ĐỔI QUÀ LẤY GẠO”
Khoảng giữa tháng 5, Hồng Ân nhận được thơ của các Sơ Đa Minh Bắc Ninh, kể về chuyến đi lên 1 bản làng của người thiểu số. Đọc xong mà Hồng Ân cứ thấy bâng khuâng, xót xa cho người dân nghèo ở đây. Xin mời quý vị cũng đọc lá thơ này:
“…Dịp Lễ Phục Sinh, chúng em đã cùng cộng tác với nhóm sinh viên và một số anh chị em thiện nguyện đi cứu tế cho anh chị em vùng dân tộc. Chị ơi nơi đây chúng em mới được biết tới họ qua nhóm sinh viên. Cuộc sống của họ khổ lắm vì bị người Kinh lên ở rồi lấn chiếm đất đai và thu mua tất cả những gì họ trồng cấy, chăn nuôi với giá rẻ mạt. Thậm chí còn lấy cắp của họ nữa. Vì vậy họ phải địu con gồng gánh chuyển vào rừng sâu hơn để ở và kiếm sống.
Cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Đường đi lối lại không có, phải chấp nhận mon men theo đường rừng. Họ kêu xin CHÍNH QUYỀN nhưng không ai quan tâm. Họ phải tự lập nghiệp với cái cuốc, con dao lên rừng kiếm sống. Họ đã tự bảo nhau kêu xin gạo ăn để làm đường đi nhằm giao dịch lưu thông với bên ngoài. Chị có thể tưởng tượng khi chúng em đưa đồ lên đặc biệt là số quần áo đã xin được và nghĩ là họ sẽ vui lắm vì chúng em thấy họ rất cần và thiếu đủ thứ. Ai ngờ họ lại xin là: có thể đổi quần áo lấy gạo được không? Vì họ đói quá nên chỉ nghĩ tới ăn thôi, chẳng cần mặc.
Chúng em suy nghĩ và không biết sẽ làm gì để giúp họ ngoài việc CẦU NGUYỆN và tổng số tiền còn lại là hơn 543 ngàn VND (khoảng 25 đô) chúng em đã cùng với nhóm mua gạo, mì tôm, muối và một số quần áo mang theo nhằm giúp họ phần nào bớt đi nỗi khổ của dân bản lúc này. Họ còn xin nhiều điều như gạo,mắm muối và thuốc. Chúng em chỉ hứa xin Chúa cho nhiều người biết và tới thăm họ.Nhưng thấy đường đi xa xôi và quá khó khăn quá! Mấy ai dám tới đây?!!! Một vài chia sẻ. Xin chị và quý ân nhân hiệp ý cầu nguyện để Chúa thương và có nhiều người tới giúp họ.”
Lá thơ này của các Sơ đã gợi lại cho chúng con những chia sẻ mà chúng con đã từng nghe khi đến Kontum, Pleiku để thăm các làng người thiểu số ở đây. Cũng lại gặp cùng hoàn cảnh!
Người thiểu số rất đơn sơ, không suy nghĩ sâu sắc và mưu mẹo: Họ thường bị xử ép bởi “người Kinh”. Ví dụ như: sau khi vất vả khai phá những mảnh đất hoang và đất đã thuần để trồng cấy thì họ hay bị dụ ngọt để bán rẻ các mảnh đất này, đổi lại cho họ ít gạo, quần áo hoặc thuốc thang. Họ không nhìn xa đủ để biết sự trao đổi này rất bất công, vì họ nhận được rất ít, so với giá trị của vùng đất họ đã khai phá. Sau khi bán rồi, họ lại phải dìu dắt nhau đi sâu vào trong rừng, khai phá khu đất mới; và cứ thế, càng lúc họ càng vào sâu trong rừng, xa hẳn với đô thị.
Một nhà truyền giáo ngoại quốc khi đến Kontum, đã phải thốt lên rằng: “Người dân tộc ở đây rất giỏi! Giỏi… nhịn đói!” Vì có những ngày không cơm gạo, họ vẫn chịu được. Có khi 2, 3 ngày mới được ăn 1 lần. Thế mà họ vẫn sống! Và cũng chính vì thế, nên khi các Sơ mang quần áo đến tặng thì họ đã “xin đổi quà quần áo để lấy gạo, được chăng?”, giống như chuyện “thằng Bờm có cái quạt mo” vậy. Bờm chỉ cười khi được đổi lấy “nắm xôi” cho thoả cơn đói của hiện tại. Khi đói quá rồi, người ta không còn tha thiết gì đến diện mạo bên ngoài nữa, chỉ mong sao được no bụng!
Nghe thật xót xa, phải không ạ? Người nghèo lúc nào cũng thiếu thốn, đủ mọi nhu cầu, nên trong khả năng của mình, làm được gì giúp họ thì làm thôi. Phần còn lại, xin Chúa bù đắp và lo liệu cho con cái ngài.