BẢN TIN HÔNG ÂN SỐ 10

HEADLINE-B-N-TIN

 

TRANG-01Kính thưa quý ông bà anh chị em,

 

Khi tờ Bản Tin số 10 này đến tay quý ông bà anh chị em thì có lẽ mọi người đang chuẩn bị nghỉ Hè, đi đó đây để nghỉ ngơi, thư giãn ít ngày,… Hồng Ân xin kính chúc quý vị luôn an lành, mạnh khoẻ. 

Cùng với tờ Bản Tin số 10 này là cuốn CD “30 câu chuyện – Một Phút Nhìn Lại” mà Hội Hồng Ân chúng con xin gởi đến quý ông bà anh chị em như một món quà tinh thần, một lời tri ân, cảm tạ sự quảng đại của quý vị đã đóng góp tài chánh, tiếp tay với chúng con để giúp đỡ, xoa dịu phần nào những đau khổ của các anh chị em đồng bào nghèo túng, bị bỏ rơi trong xã hội tại quê nhà.

Như quý vị đã biết, Hội Hồng Ân chúng con được sự tiếp tay của nhiều Hội Dòng các Sơ ở Việt Nam (hoàn toàn tự nguyện, không lương), hoạt động tại các vùng sâu, vùng xa, trực tiếp đến với người dân nghèo khổ, đặc biệt là các cụ già cô đơn, các bệnh nhân phong cùi, bệnh nhân tâm thần, khuyết tật… không còn sức lao động. Khi đến với người nghèo, chúng con mong sao có thể đem đến cho họ không chỉ những món quà vật chất, mà cả những món quà tinh thần là các lời ủi an, khích lệ và sự quan tâm thăm hỏi, nhằm giúp mọi người vui sống và bình thản đón nhận những thử thách do hoàn cảnh kém may mắn của họ.

Nhân cơ hội này, chúng con xin chuyển trao những lời tri ân của các người nghèo khổ này đến quý ân nhân của Hội Hồng Ân.  Nhờ quý vị mà rất nhiều người không còn phải lo xin ăn từng ngày, chạy gạo từng bữa, và không còn phải khóc trong tủi nhục vì miếng cơm manh áo…

Bungari có câu ngạn ngữ Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”.  Khi mang lại sự hạnh phúc cho người khác thì chính chúng ta cũng cảm nhận được niềm vui của việc tương thân tương ái. 

            Một lần nữa, chúng con xin chân thành cám ơn quý vị.  Xin Thiên Chúa luôn ban nhiều hồng ân trên quý vị và gìn giữ quý vị trong an bình. 

 

HỘI TỪ THIỆN HỒNG ÂN 

            Trước hết, chúng con xin tóm tắt thật nhanh về Hội Hồng Ân để những vị ân nhân mới có thể hiểu hơn về công việc của chúng con. 

Hội Hồng Ân là chi nhánh của Hội Truyền Giáo và Thân Hữu Kontum (KMF), là Hội Từ Thiện vô vị lợi, do một số linh mục, nữ tu và thiện nguyện viên thành lập, và được chính phủ Hoa Kỳ công nhận là Non-Profit Organization 501(c)(3), Federal Tax ID 42-1757220.    

Hội có 2 chương trình chính dành cho người nghèo, không phân biệt tôn giáo hay sắc tộc, tại Việt Nam: 

1.  Chương trình Ký Gạo Tình Thương”:  dành ưu tiên cho những người không còn sức lao động để tự nuôi thân, như các cụ già, các bệnh nhân tâm thần, khuyết tật, phong cùi… Mục đích là để giúp họ an tâm vui sống, không còn phải lo chạy gạo từng bữa hoặc phải chịu cảnh “bữa no, bữa đói”.  Cứ 5 đồng mỗi tháng sẽ mua được 10 ký gạo cho 1 người. 

  1. Tùy Cơ Ứng Biến”:  khá đa dạng theo nhu cầu, như giúp các gia đình đông con có thêm khoản trợ cấp để lo chuyện học hành cho con cái; giúp tiền mua thuốc men, đồ dùng hoặc lương thực cho những người bịnh tật, các gia đình nghèo, các nạn nhân thiên tai…

 

Trang-02THÊM ĐỐI TƯỢNG MỚI 

Như quý vị đã biết, đầu năm 2016, Hội Hồng Ân đã quyết định nhận thêm đối tượng mới là các bệnh nhân ung thư vào trong danh sách những người được trợ giúp gạo/thực phẩm thường xuyên (tức chương trình “Ký Gạo Tình Thương”) với sự hợp tác của quý Sơ thuộc nhiều Hội Dòng khác nhau tại các vùng sâu, vùng xa ở Việt Nam. 

Tại Việt Nam, người ta thường gọi bệnh Ung Thư là bệnh K (viết tắt của từ Cancer = Ung Thư), nên bệnh viện chuyên trị Ung thư được gọi là Bệnh Viện K; mắc bệnh ung thư là mắc bệnh K. Bệnh ung thư phổi = Bệnh K phổi; ung thư gan = K gan… Nghe cũng khá… mơ hồ, nhưng lại giúp người ta đỡ thấy sợ hơn là từ “ung thư”.

 

Những hoàn cảnh thúc đẩy 

Mấy năm qua, trong số các người nghèo được giúp đỡ theo diện “Tuỳ Cơ Ứng Biến” vẫn luôn có rải rác đó đây một số các bệnh nhân mắc bệnh ung thư.  Chúng con đã được nghe rất nhiều những trường hợp đau thương của cả người bệnh lẫn thân nhân của họ.  Có lẽ một số quý vị còn nhớ cô Hoa, bệnh nhân ung thư vú.  Cô biết được bệnh tình của mình cách đây hơn 5 năm. Các ung bướu trên ngực cô càng ngày càng lớn (to bằng 2 bàn tay), thường xuyên chẩy mủ, chẩy máu.  Nhà quá nghèo, cô không có tiền chạy chữa, nên chỉ biết xin các mảnh vải cũ để cuốn quanh ngực, giúp cầm máu.  Lắm lúc thấy máu ra nhiều quá, cô còn lấy giây cột quanh người với hy vọng giúp máu bớt chẩy.  Người cô luôn xanh mét vì mất máu; mặt mũi lúc nào cũng sầu héo.  Cô neo đơn, không thân nhân, không chồng con, suốt ngày lủi thủi một mình!  Cô được Hồng Ân trợ giúp gạo hằng tháng với sự thăm nom trực tiếp của các Sơ Mân Côi Bùi Chu.  Vì vết thương có mùi hôi khá nặng, nên hàng xóm láng giềng cũng chẳng ai muốn đến thăm cô, khiến cô càng cô đơn hơn.  Cô thường than thở rằng: “Ngoài các Sơ ra, chẳng còn ai đến thăm con.  Thấy người bệnh ung thư chết nhiều quá, còn con, sao mãi mà con không chết?!”  Vì vậy sự quan tâm của các Sơ đã ủi an tinh thần cho cô rất nhiều!  Thoạt tiên, các Sơ đến thăm và giúp bôi thuốc, thay bông băng cho cô mỗi tuần; sau đó, đổi thành 2 ngày 1 lần; rồi cuối cùng các Sơ phải đến mỗi ngày vì ung bướu càng ngày càng lớn.  Trước ngày Giáng Sinh 2015 thì cô qua đời!  Các Sơ báo tin cho Hồng Ân với sự tin tưởng rằng: “Thế nào cô Hoa cũng cầu bầu cho Hội Hồng Ân và các ân nhân trước mặt Chúa!” 

            Sau cô Hoa thì đến ông Dũng, mới 55 tuổi.  Ông bị ung thư hạch cổ.  Vì nhà quá nghèo, nên chỉ khi đau đớn không chịu nổi thì ông mới đi khám bác sĩ và được báo hung tin là bệnh ung thư của ông đã ở giai đoạn cuối. Từ ngày biết mình mắc bệnh nan y, ông quyết định không đi Trang-03bác sĩ, không uống thuốc thang, không chạy chữa gì nữa.  Ông bảo rằng: “Thà mình chịu đau còn hơn là đi vay công mượn nợ, thành gánh nặng cho gia đình, rồi vợ con phải trả nợ sau này”.  Và ông cũng chỉ dùng vải cũ cột quanh cổ để… giảm đau! 

Rồi đến bà Hoa mới 58 tuổi có 7, 8 người con.  Ông đã chết từ lâu, nên một mình bà nuôi đàn con, đóng cả vai cha lẫn vai mẹ.  Năm 2012, bà mới phát hiện mình bị bệnh ung thư vú, thời kỳ cuối cùng (giai đoạn 4).  Bà đã phải cắt đi 1 bên vú, với hy vọng là cắt được hết các tế bào ung thư.  Nhưng 3 năm sau (2015) khi đi tái khám bà được biết nó đã lan sang phổi, không còn làm gì được nữa.  Vì thế, bà cũng… thôi, không đi nhà thương, bác sĩ làm chi nữa vì chỉ thêm tốn kém.  Cái tâm trạng chờ chết thật căng thẳng…  Gặp các Sơ, bà thường khóc và tâm sự nỗi thao thức của bà: “Con chết cũng được, nhưng chỉ lo cho các con của con vẫn chưa có gia đình…”.  Mấy người con thì than rằng: “Chúa đã cất bố con về rồi, xin Chúa để mẹ con ở lại với chúng con!”  Vì vậy, dù có những lúc thấy trong người rất mệt mỏi, nhưng bà vẫn cố gắng vui tươi, không dám tỏ lộ vì sợ các con lo lắng.  Bà nói: ‘Những người cùng vào viện với con, cùng bệnh ung thư… đã chết hết rồi, nên chắc cũng sắp đến lượt con!” 

Kế đó là trường hợp chị Lan, 42 tuổi, đang trong danh sách của những người được Hội giúp đỡ “Tùy nghi” (“Tùy Cơ Ứng Biến”). Cô lập gia đình, sinh được 2 người con rồi khám phá ra là cô bị bệnh ung thư phổi và dạ dày vào giai đoạn cuối. Chồng cô luôn cố gắng chăm sóc, ủi an vợ.  Một hôm thấy người mệt và khó chịu quá, nên anh lên giường nằm.  Một lúc sau người nhà vào kiếm thì anh đã chết mất rồi. Sau 1 tháng thì chị Lan cũng chết, để lại 2 đứa con dại.  Bên nội, bên ngoại chia nhau nuôi mỗi bên 1 cháu…   

Khá nhiều các trường hợp tương tự như thế, khiến chúng con cảm thấy thật xót xa.  Bởi thế, cuối năm 2015 ban Điều Hành Hội Hồng Ân đưa ra quyết định là sẽ nhận thêm những bệnh nhân ung thư nghèo và cho vào danh sách trợ giúp gạo/lương thực hằng tháng.  Mục đích không chỉ là để giúp thực phẩm vì chẳng biết họ ăn được bao nhiêu, nhưng là để các Sơ có cơ hội đến thăm viếng, an ủi và khích lệ tinh thần cho cả bệnh nhân lẫn thân nhân. 

            Thế là chúng con đã nhờ 4 Hội Dòng lãnh nhận đối tượng mới này là Dòng Mân Côi, Dòng Đa Minh Thái Bình, Tu Hội Hiệp Nhất Bắc Ninh và Dòng Mến Thánh Giá Huế.  Các Sơ đã lên danh sách và bắt đầu chương trình thăm viếng tặng quà cho các bệnh nhân này.  Vì vậy, trong Trang-04Bản Tin số 10 này, chúng con xin dành nhiều “đất” hơn để chia sẻ với quý vị về hoàn cảnh của các anh chị em đồng bào nghèo mắc bệnh ung thư tại quê nhà. 

 

BỆNH UNG THƯ – NỖI KINH HOÀNG CỦA MỌI NGƯỜI 

Bệnh ung thư đang là một trong những nỗi lo lớn nhất của nhiều người trong cuộc sống hiện nay.  Nó đang dần dần trở nên mối hiểm họa trầm trọng vì nó đe doạ đến tính mạng của mọi người.  Nó như một đại dịch lan tràn, ngày càng lớn mạnh, mà không ai có thể ngăn cản nổi. 

Ung thư không chừa một ai: già có, trẻ có, giầu có, nghèo có… Nó là căn bệnh mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải.  Nước văn minh tân tiến như Hoa kỳ mà còn phải bó tay trong rất nhiều trường hợp thì nói chi đến các nước nhỏ, chậm tiến?!!!  Người giầu có, đại gia còn đầu hàng, huống chi người khố rách áo ôm? 

Nhiều bệnh nhân chia sẻ rằng: “Khi được thông báo là con bị mắc bệnh ung thư, con thấy như mình nhận được “án tử” vậy.” Người có tiền thì họ còn tìm cách chạy chữa, làm phẫu thuật, xạ trị, hoá trị… Nhưng chúng con thì nghèo quá, lấy tiền đâu mà trả các chi phí đó!” 

Không gì đáng sợ hơn là biết mình… đang chết, và mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày gần kề với cái chết hơn. Và rồi không phải người bệnh chỉ lo cho mình, mà còn lo cho con cái nheo nhóc của họ sẽ không có người chăm sóc, không nơi nương tựa.  Không ít người bệnh cho biết họ chỉ cầu mong sao được sống tới ngày thấy các con cái yên bề gia thất hoặc ít là chúng học xong bậc trung học…thì họ cũng an tâm nhắm mắt.  Nhưng trong thâm tâm, ai nấy đều biết là Thần Chết có thể ghé thăm họ bất cứ lúc nào.  

Khi đi thăm viếng bệnh nhân ung thư và gia đình của họ, có Sơ phụ trách kể cho chúng con như sau: 

“Khi đi thăm những bệnh nhân ung thư, nhất là những người ở giai đoạn cuối, chúng em được cơ hội chia vui sẻ buồn với họ một cách sâu sắc.  Mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng và hoàn cảnh nào cũng đáng thương.  Nhiều người khi thấy các Sơ chúng em đến thăm và tặng quà, họ vui lắm.  Khuôn mặt họ ánh lên những nét rạng rỡ, hạnh phúc.  Nhưng nếu có dịp ngồi nói chuyện lâu hơn, nghe họ tâm sự, thì thế nào cũng thấy những giọt nước mắt của những người đang cận kề với cái chết.  Có người  ban  đầu  cảm  động  rấm rứt  sụt sùi,  cố gắng nén cảm xúc… nhưng đến một lúc, không kiềm được nữa thì oà lên khóc nức nở!  Trang-05Có người vừa khóc vừa nói: “Con biết con cũng chẳng sống được lâu nữa.  Dù 1 ngày, con cũng quý, và con phải sống vui tươi cho các con của con chúng không buồn, các dì ạ!”  Vì thế, lắm khi chính người thân của họ lại là động lực khiến họ thêm mạnh mẽ để chiến đấu với căn bệnh nan y.  Có người kể thêm rằng: “Lắm lúc con chỉ muốn tìm đến 1 chỗ nào đó vắng vẻ để con có thể gào thét, khóc oà lên cho vơi bớt cảm xúc… rồi trở lại bình thường mà về với gia đình, với con cái!”  Nghe họ kể, nhìn họ khóc… chắc ai cũng có thể đoán được là trong các Sơ chúng em cũng đang có những chị em cùng “khóc với người khóc” rồi!”

 

ẢNH HƯỞNG TRÊN THÂN NHÂN 

Nhiều người bị ung thư và qua đời khi còn ở độ tuổi rất trẻ, trong đó, không ít những người là lao động chính trong gia đình.  Sự ngã xuống của họ khiến cho cả gia đình suy xụp.  Cảnh con mất cha, mất mẹ; chồng mất vợ, vợ mất chồng; bố mẹ mất con… thật rất thương tâm!  Sự mất mát này tạo thành những cú sốc nặng nề về tâm lý cho người thân trong gia đình. 

Phải ở trong hoàn cảnh có người thân bị bệnh và tử vong, người ta mới thấu hiểu được phần nào nỗi đau của cả gia đình người bệnh.  Còn gì đau thương hơn cảnh nhìn người thân yêu của mình vật vã trên giường bệnh, phải chịu cơn đau đớn hành hạ mà mình không chia sẻ, gánh bớt được phần nào sự vật vã đó?  Nếu không có Đức Tin để hiểu rằng “chết” là bước qua cuộc sống mới bên kia thế giới thì còn gì đau đớn hơn khi thấy người thân yêu của mình ra đi vĩnh viễn và mình không còn được nhìn thấy họ trong cuộc đời này nữa?  Vì thế, không chỉ người bệnh mà là cả gia đình của họ đều cần được sự đỡ nâng, nương tựa tinh thần. 

 

“CHO ĐI LÀ LÃNH NHẬN” 

Khi được hỏi về cảm tưởng của các Sơ khi đến với các bệnh nhân nan y này như thế nào thì có Sơ phụ trách trả lời rằng: “Khi đến với những người nghèo bệnh tật như thế này, dù rằng chúng em cố gắng khích lệ tinh thần cho họ và tặng chút quà để an ủi mọi người, nhưng chính chúng em cũng nhận được nhiều bài học ý nghĩa trong cuộc sống, biết quý trọng hơn những gì mình đang có; cụ thể như sức khoẻ (“sức khoẻ là vàng”), tình thương gắn bó của gia đình mà lắm lúc mình coi như chuyện đương nhiên; rồi khi thấy những người bệnh cầu khẩn “Xin cho con được thêm 1 ngày, 1 tháng, 1 năm… để sống” thì chúng em lại thấy Trang-06thời gian là một món quà vô giá phải trân quý. 

Khi phải đối diện với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, chúng em lại có dịp so sánh với những hoàn cảnh éo le của những người dân nghèo mà mình đã thăm viếng… thì vấn đề của mình chỉ còn là “chuyện nhỏ”, phải cố gắng khắc phục và vượt qua!  Và khi thấy các gia đình nghèo phải sống trong hoàn cảnh vật chất quá túng thiếu, chính các Sơ chúng em cũng thấy dễ dàng thông cảm, đón nhận những giới hạn thiếu thốn trong Nhà Dòng hơn…” 

            Một nhóm các Sơ khác gởi lời tri ân đến Hội Hồng Ân và các ân nhân là những người đã tiếp sức với các Sơ trong sứ vụ bác ái đến với dân nghèo: 

“Lời đầu tiên con xin được thay lời cho Hội Dòng chúng con, đặc biệt là các Sơ đang cộng tác trong việc hoạt động tông đồ bác ái.  Thay lời cho những gia đình đã được Hội Hồng Ân giúp đỡ, chúng con xin chân thành cảm ơn các bác đã luôn quảng đại trao ban với tất cả tấm lòng trân trọng và yêu mến.  Chúng con luôn nhận được sự động viên khích lệ từ phía Hội, điều đó đã cho chúng con có thêm tinh thần, nghị lực, thêm lòng hăng say dấn thân.”

 

 

MỖI NGƯỜI MỘT HOÀN CẢNH 

Bên cạnh những bệnh nhân Ung Thư mà Hội Hồng Ân chúng con mới cho vào danh sách để các Sơ đến thăm viếng và tặng quà thường xuyên, chúng con vẫn tiếp tục hỗ trợ những đối tượng khác như đã thi hành từ mấy năm qua.  

            Trước hết, phải kể đến các bệnh nhân Phong Cùi mà chúng con đã đề cập đến khá nhiều trong tờ Bản Tin Số 9.  Nhờ nhận thêm các đóng góp của quý ân nhân, ban Điều Hành của Hồng Ân đã quyết định mỗi quý (3 tháng) sẽ gởi thêm tiền để các Sơ dòng Ảnh Phép Lạ ở Kontum mua các thứ thuốc thông thường (nhức đầu, xổ mũi, cảm cúm, ho hen, băng, bông…) cho các bệnh nhân phong cùi.  Các Sơ mừng lắm, và đã viết trả lời như sau: 

“…Chúng em rất vui mừng được Hội luôn quan tâm và thương đến chúng em. Chúng em và các bệnh nhân phong luôn nhớ cầu nguyện cho chị và quý ân nhân được dồi dào sức khỏe và luôn bình an, nhất là tràn đầy ơn của Chúa Giê-su Kitô Phục Sinh.  Một lần nữa chúng em cám ơn chị rất nhiều…”  

TRANG-08Vâng, có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít.  Xin Chúa dùng chúng con như những dụng cụ của Chúa để mang bình an, hạnh phúc đến cho những người chúng con phục vụ.                     

Và 1 trường hợp đặc biệt khác mà Hồng Ân chúng con có dịp đồng hành hơn 1 tháng qua với các Sơ Dòng Trinh Vương Bùi Chu là trường hợp của cô Dung, bị tâm thần.  Mẹ của cô là bà Khuề, cũng bị tâm thần, và là người mà Hồng Ân hỗ trợ “Ký Gạo Tình Thương” từ lâu.  Cô Dung khoảng 40 tuổi, khi còn trẻ, cô lấy chồng bên tôn giáo bạn. Cô có được 1 người con, sau đó, chồng bỏ và đuổi về nhà mẹ ruột.  Cô bị sốc và bị tâm thần từ đó.  Bệnh càng lúc càng nặng hơn.  Thời gian đầu, cô đi lang thang đó đây, bị người ta đánh; sau đó, gia đình phải nhốt cô vào 1 căn phòng ăn uống ngủ nghỉ, tiêu tiểu tại chỗ.  Hàng xóm láng giềng bị phiền nhiễu vì những tiếng chửi bới cả ngày lẫn đêm của cô.  Cô còn bị người anh trai đánh đập, khiến cô càng điên loạn hơn. 

Qua các Sơ Trinh Vương, Hội Hồng Ân đã giúp phần kinh phí (viện phí, xe chuyên chở…) để chữa bệnh cho cô tại một nhà thương tâm thần.  Nhiều Sơ đã phải đến để tắm rửa, cắt tóc… chuẩn bị cho cô trước khi nhập viện.  Vì bị nhốt tại chỗ quá lâu, căn phòng lại mất vệ sinh nên các móng chân của cô đều bị thối. 

            Câu chuyện không đơn giản thế, vì sau khi nhập viện, cô Dung đã bỏ trốn mấy lần, may là mọi người kịp thời đưa về lại.  Rồi bị trách móc, nên các Sơ cũng buồn, nhưng vẫn kiên nhẫn giúp cô.  Hồng Ân chúng con thấy vừa xót xa vừa lo lắng cho các Sơ vì đây là công việc hoàn toàn vì bác ái…!

             Sau 1 tháng chữa trị, các Sơ vui mừng báo tin cho Hồng Ân rằng: “Chị ơi, Cô Dung đã khá lắm rồi.  Cô lên được 4 ký, trắng và xinh hơn trước nhiều. Còn về tinh thần thì hồi phục ngoài sức tưởng tượng!  Cô ấy kể cho những người cùng phòng ở bệnh viện về thời gian cô bị nhốt trong phòng ở nhà và phải khổ sở như thế nào…  Khi nhắc tên 1 người trong gia đình thì cô la hét, chửi bới… Tóm lại, bệnh của cô đã bớt rất nhiều; có điều đôi khi còn lên cơn điên vì cô ấy bị tổn thương nặng quá!” Câu chuyện không phải chỉ thế mà các Sơ còn sắp xếp để sau khi từ nhà thương về, sẽ đưa cô đến nhà Hưu Dưỡng của nhà Dòng (“Mái Ấm Hồng Ân”) để sống; con của cô sẽ được cha xứ nuôi nấng, hướng dẫn, cho đi học với một số các bạn khác.  

            Thật là 1 “happy ending”!   Cả các Sơ và Hồng Ân đều rất vui mừng vì đã có thể mang lại chút hạnh phúc nhỏ nhoi cho mẹ con cô Dung.  Các Sơ nói: “Nếu không có sự giúp đỡ của Hội Hồng Ân, chắc chúng em không dám cương quyết đến như vậy.  Xin Hội và chị đón nhận nơi chúng em và những người đau khổ lời cám ơn phát xuất tận đáy lòng”.  Amen!

 

 

  

hoahongvang