BẢN TIN HỒNG ÂN SỐ 2

HEADLINE-B-N-TIN-2-logo-onl

Kính thưa quý ông bà, anh chị em,

Cổ nhân đã nói “Vô tri bất mộ  không biết thì sẽ không yêu thích”. Câu châm ngôn đó cũng có thể hiểu theo nghĩa rộng: không biết thì không quan tâm, không cảm thông, chia sẻ. Thế nên, trong mục thông tin này, chúng con mong muốn chia sẻ với quý vị về những cảnh đời bất hạnh, những nỗi niềm khắc khoải lo âu của dân nghèo, tức là các chi thể đau khổ của Đức Kitô, với niềm ước mong rằng chúng ta “càng biết sẽ … càng thương!”

01-KYGAOTINHTHUONG-CACSOPHU

Như đã từng giới thiệu, Hội Hồng Ân gồm một nhóm người thiện nguyện mà trong đó phải kể đến một số tu sĩ nam nữ gốc Việt đang sống và làm việc tại Hoa Kỳ. Chúng con đã có những cơ hội về thăm quê hương Việt Nam và đã chứng kiến tận mắt những cảnh nghèo đói, bệnh tật của đủ loại người, đáng thương nhất là những cụ già neo đơn.  Từ đó, chúng con ấp ủ và theo đuổi cùng một hoài bão: phải chung tay góp sức để đem lại điều gì đó tốt đẹp hơn cho các chi thể đang đau khổ của Đức Kitô, đặc biệt là các người nghèo túng tại quê nhà.  Ngay từ ban đầu, Hội Hồng Ân chúng con được sự tiếp tay của 6 Hội Dòng nữ tại Việt Nam là Dòng Mân Côi Trung Linh, Dòng Trinh Vương Bùi Chu, Dòng Đa Minh Bắc Ninh, Tu Hội Hiệp Nhất, Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm (cho đến cuối năm 2012), và dòng Đa Minh Thái Bình.  Đầu năm 2013, chúng con được thêm sự cộng tác của các Sơ Dòng Mến Thánh Giá Huế và Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (Phú Xuân, Huế).  Sự xả thân phục vụ cách vô vị lợi của quý Sơ đã khiến chúng con rất cảm kích.  Chúng con thường gởi tiền lo việc bác ái về cho các Dòng vào đầu mỗi quý: tháng 1, tháng 4, tháng 7 và tháng 10 mỗi năm để các Sơ có thêm phương tiện mà giúp đỡ cho dân nghèo. 

Đôi khi Hội Hồng Ân cũng gửi tiền cho một số Hội Dòng khác tại Việt Nam để các Sơ giúp cho người nghèo thuộc địa phương mình, nhưng chỉ có tính cách ngắn hạn, một đôi lần, chứ không thường xuyên như các Hội Dòng kể trên.

 

“KÝ GẠO TÌNH THƯƠNG” 

Đây là chương trình của Hội Hồng Ân mới được bắt đầu vào tháng 10, năm 2012 sau khi các hội viên chứng kiến quá nhiều hoàn cảnh đáng thương của các cụ già nghèo túng, bệnh tật tại quê nhà. Chương trình này nhằm trợ giúp cho các cụ già neo đơn, nghèo khổ, trong đó có một số cụ phải chịu cảnh mù loà, nằm liệt giường, bữa no bữa đói; một số cụ khác sống lủi thủi một mình trong các túp lều lụp xụp, không con không cháu, hoàn toàn trông đợi vào sự giúp đỡ của láng giềng; một số cụ hằng ngày phải ra ngoài chợ ăn xin, được gì ăn nấy; thậm chí có những cụ ngày ngày tìm đến những khu chợ, lượm nhặt từ những đống đồ ăn, rau quả hư thối mà người khác bỏ đi để kiếm chút gì đó mang về ăn qua ngày. Rất nhiều cụ cảm thấy tủi thân, tủi phận với cuộc sống hết sức cơ cực, bấp bênh trong lúc tuổi già sức yếu.  

Chỉ cần 5 đồng 1 tháng, chưa bằng tiền 1 tô phở, quý vị có thể giúp 10 ký gạo, tức 1 tháng lương thực cho 1 cụ già. Vì thế, chúng con tha thiết kêu gọi những nhà hảo tâm, xin hãy quảng đại bảo trợ cho một hoặc nhiều cụ từng tháng hay trọn năm; đồng thời, xin giới thiệu chương trình này với bạn bè, thân nhân để càng có thêm nhiều người chung tay xoa dịu phần nào những nỗi đau của các cụ già yếu, nghèo đói, để các cụ có thể an tâm sống tiếp những người chuỗi ngày cuối đời.  

Tại Việt Nam, nhiều Hội Dòng cũng có những hoạt động trợ giúp người nghèo, nhưng chỉ có thể tổ chức mỗi năm vài lần theo những dịp lễ đặc biệt như Lễ Giáng Sinh, Tết Ta, Lễ Phục sinh… , chứ không có ngân quỹ để giúp thường xuyên.  Vì thế, khi Hội Hồng Ân ngỏ lời mời các Sơ tham gia, thì Hội Dòng nào cũng rất hoan hỉ nhận lời để làm chiếc cầu chuyển giao tình thương từ các ân nhân đến với dân nghèo.  Như vậy, kẻ góp của, người góp công, chúng ta cùng nhau hỗ trợ các người nghèo đói, neo đơn, chẳng ai đoái hoài. Chúng con cũng hiểu rằng khi sẵn lòng đảm nhận một công việc có tính cách thường xuyên như thế thì phía các Sơ thiện nguyện cũng phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức. Bởi lẽ các Sơ chẳng phải chỉ đến phát gạo cho xong việc, nhưng các Sơ thường dành thêm thời gian để thăm hỏi và nâng đỡ tinh thần cho các cụ. Quả là “của cho không bằng cách cho”!  Xin chân thành cám ơn các Sơ.

02-6-hình-doc---Cu-Ninh-cu

CHA MẸ GIÀ NUÔI… “CON MỌN”! 

Khi thăm viếng các cụ, chúng con được nghe biết thêm về những sinh hoạt hằng ngày của các cụ, và đúng là “càng biết, càng thương”. Lẽ ra ở vào tuổi này, các cụ phải được nghỉ ngơi, an dưỡng rồi, nhưng trên thực tế, một số cụ lại còn đang rất vất vả để lo miếng cơm manh áo, không phải chỉ cho mình mà còn cho con, cho cháu.    

Trong số các cụ được chọn để hưởng sự trợ giúp, hơn một phần ba là những người đang phải chịu cảnh nuôi “con mọn”.  “Con mọn” ở đây không phải là các trẻ thơ, mà là những người con bị tâm thần, nên dù đã lớn tuổi, nhưng vẫn phải được chăm sóc từng chút, chứ họ không thể tự lo cho mình.  Vì thế, gánh của các cụ vẫn còn trĩu nặng trên vai.  Thật quá tội nghiệp!  

Điều đáng nói là tại vài địa phương, một số gia đình có con trai bị tâm thần đã chọn cách giải quyết rất tiêu cực, đó là “lấy vợ cho nó để vợ nó nuôi”.  Nhưng sự việc đâu phải đơn giản như thế, vì khi lập gia đình, họ lại sinh con đẻ cái, và trong số đó rất nhiều đứa con cũng bị tâm thần; thế rồi, gánh nặng lại tiếp tục đè nặng hơn trên vai các người vợ, người mẹ: phải nuôi chồng, nuôi con.  Khi đến thăm các gia đình này, ai cũng phải chạnh lòng thương trước cảnh một người “tỉnh táo” đang phải nai lưng làm việc từ sáng sớm đến lúc mù mịt tối để nuôi chí ít là vài ba người thân bịnh tật.  Vì thế, bên cạnh việc hỗ trợ các cụ già nua, nghèo nàn, chúng con đã mở rộng chương trình “Ký Gạo Tình Thương” đến cả những nhà có con cái bị tâm thần hoặc tàn tật để đỡ phần nào gánh nặng cho gia đình.  

03-6-hình-doc---cu-Huong-c

NIỀM VUI TRONG PHỤC VỤ 

Các Sơ chia sẻ rằng trong khi thăm viếng các cụ và các người nghèo túng như thế, cũng không thiếu những niềm vui nho nhỏ Chúa gởi đến, như chuyện 1 cụ bà từ khi được các Sơ thăm hỏi hằng tháng trong những dịp phát gạo thì cụ bà đã được cụ ông “chiếu cố” nhiều hơn.  Trước đây cụ ông không hề đoái hoài gì đến cụ bà vì bà đã lẩn thẩn và hôi hám.  Từ khi nhận được sự trợ giúp và được các Sơ nhẹ nhàng khuyên bảo về sự nâng đỡ nhau “khi mạnh khoẻ cũng như lúc bệnh tật”, cụ ông đã thay đổi hẳn cách cư xử.  Không chỉ các cụ vui mà những người thân quen của các cụ cũng vui theo.   

Rồi cũng có cụ cố tìm cho được trái chuối, củ khoai, cái kẹo… để biếu “đáp lễ” các Sơ: quả là tấm lòng đơn sơ, chân thành!  Có cụ lại cứ bịn rịn, không muốn các Sơ đi, nên nài nỉ: “Mẹ ơi, mẹ ở lại con đi!”, nghe thật thương!  Rồi có cụ bà thấy các Sơ thăm thì vui quá, nên cứ miên man kể chuyện ngày xưa cho Sơ nghe.  Rồi để “giữ chân” Sơ một cách khéo léo, cụ bèn gác người lên tay lên chân Sơ để Sơ ngồi yên đấy mà nghe cụ kể chuyện!

04-6-hình-doc---Ba-Men-Cu-

05-KYGAOTINHTHUONG-KHUYETAT

NHỮNG “LAZZARO” THÀNH NGƯỜI BẦU CỬ CHO HỘI HỒNG ÂN

Trong số các cụ già yếu, nghèo khổ được Hội Hồng Ân giúp hằng tháng qua chương trình Ký Gạo Tình Thương thì đã có 7 cụ được Chúa gọi về trong an bình.  Chúng con tin rằng các cụ sẽ là những người cầu bầu đắc lực nhất cho quý ân nhân và cho Hội Hồng Ân để có thể tiếp tục giúp đỡ thêm cho các cụ khác.  Các phần gạo trong quý kế tiếp của các cụ đã qua đời, sẽ được chuyển sang cho các cụ còn trong danh sách chờ đợi.  

Và trong các sự ra đi của các cụ, cũng có những trường hợp rất thương tâm như chuyện của cụ Thông, cháu của bà cụ Thành.  Cụ Thành đã 93 tuổi, ở với gia đình con trai, và cụ được chọn trong chương trình Ký Gạo Tình Thương.  Hoàn cảnh của cụ rất đáng thương. Con dâu hất hủi mẹ chồng, còn con trai cụ thì hơi thần kinh nên cũng chẳng bênh vực được mẹ.  Cụ Thành phải sống âm thầm nhẫn nhục để cố tránh những bất hoà.  Cụ có người cháu ruột là ông Thông, gọi cụ bằng cô.  Ông Thông cũng đã ngoài 70 tuổi, sống cô đơn trong tình cảnh vừa câm vừa điếc và cũng rất nghèo, mới đây lại bị trúng gió đột quỵ và bị bại chân tay nên người ta khiêng đến cho bà cụ Thành là người thân duy nhất. Thế là cụ Thành lại phải nhường chiếc giường ọp ẹp của mình cho người cháu, để rồi phải nằm trên tấm phản dưới đất.  Cụ Thành tuổi già, sức yếu, đi lại khó khăn bằng cách vịn vào cái ghế nhựa, thế mà vẫn phải chăm sóc, giặt giũ cho người cháu ngoài 70 tuổi. 

Thế nhưng, khi cụ Thông còn chưa kịp khỏi bại chân thì cô con dâu cụ Thành đã cho người khiêng trả về nhà cũ.  Và liền sau đó là tin buồn nhận được từ các Sơ. Ông Thông vừa câm điếc, vừa liệt lào, về lại nhà mình trong cảnh bịnh tật không ai chăm sóc, nên ông đã sớm qua đời. Ngày lễ an táng của người cháu, bà cô lụ khụ, hai tay hai gậy, run rẩy đi theo mếu máo khóc cháu.   

Nghe tin, chúng con rất xúc động, vừa thương cảm vừa xót xa cho các cụ trong những hoàn cảnh khó khăn, bất lực, không còn có thể làm những gì mình muốn.  Đặt trường hợp mình vào hoàn cảnh của tất cả các cụ trong cuộc, từ vai trò người cô, người mẹ, người cháu, rồi người con trai, người con dâu… thật là khó xử, và chúng ta cũng có thể hiểu được phần nào tâm trạng của từng người.  Chúng con chỉ biết xin thêm lời cầu nguyện cho linh hồn cụ Thông mới qua đời, cho người cô là cụ Thành còn ở lại trong nước mắt, và cho cả gia đình cụ con trai và con dâu. 

 Người về tiên cảnh hồn thanh thản, 

Kẻ ở dương gian dạ ngậm ngùi“.  

Khi nghe được những mẩu chuyện thương tâm như thế này, chúng con lại càng được thôi thúc để hoạt động tích cực hơn trong việc đồng hành với các Sơ để nâng đỡ người nghèo.   

Danh sách “Chờ Đợi – Waiting list” của các cụ cao niên và các người cùng khổ còn rất đông và rất dài mà Hội Hồng Ân chúng con chưa có khả năng trợ giúp hết. Vì vậy, chúng con rất mong được sự tiếp tay của quý ân nhân để có thể chuyển trao đến các cụ những Ký Gạo Tình Thương hầu giúp quý cụ an vui trong giai đoạn cuối đời.

 

06-SAMPLE-CAC-SO CÁC TRỢ GIÚP “TÙY CƠ ỨNG BIẾN” 

Ngoài chương trình “Ký Gạo Tình Thương” dành cho các cụ già và các gia đình nghèo, chúng con thường xuyên có những chương trình khác nhằm giúp đỡ người nghèo tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh, như trong mùa Đông thì chúng con tặng chăn, áo ấm cho các người đang chịu cảnh giá buốt; phụ giúp tiền học cho các gia đình đông con, túng thiếu; trợ cấp để mua thuốc men hoặc thức ăn bồi dưỡng cho những người bịnh tật. 

Ngoài ra, có nơi các Sơ còn liên hệ được với các công ty may quần áo, để trong những đợt khuyến mãi thì họ báo cho các Sơ đến mà mua đồ mặc ấm tặng cho người nghèo. Ấy thế, các Sơ cũng phải lựa chọn cho tương đối xứng đáng để người nhận khỏi phải tủi thân.

 

BỊNH NHÂN PHONG CÙI 

Các bịnh nhân phong cùi trong trại hoặc ngoài trại vẫn được các Sơ thăm viếng và phục vụ thường xuyên.  Rất nhiều bịnh nhân đã được chữa khỏi, nhưng di chứng cụt tay, cụt chân thì vẫn còn đó. Tuy nhiên, điều làm cho các bịnh nhân khổ tâm hơn cả lại không phải là những khuyết tật ở trên thân thể mà là những nỗi đau trong tâm hồn, những nỗi mặc cảm vì cô đơn, lạc lõng bởi không có người thân. Vì thế, các Sơ luôn quan tâm để khích lệ tinh thần họ và thỉnh thoảng mua quà, thêm chút đồ ăn, chút thuốc bổ để họ thêm niềm vui và an ủi.

MỪNG TẾT QUÝ TỴ VỚI NGƯỜI KHIẾM THỊ 

Để an ủi các bịnh nhân khiếm thị trong ngày Tết, các Sơ chúng con đã đến thăm Trại Mù Xuân Trường (khoảng 100 người) và Trại Mù Hải Hậu (khoảng 50 người) và tặng quà Tết cho mỗi người, là 1 thùng mì tôm, món ăn được mọi người hưởng ứng rất vui vẻ.  Ngoài ra, để tránh cho các bịnh nhân khỏi bị vấp té, Hội Hồng Ân đã đổ bê tông lại mặt sân ở cổng Trại Hải Hậu cho bằng phẳng, an toàn hơn; và giúp sửa lại giếng nước chung của Trại.

07-6-hình-doc---Giup-theo-n

08-6-hinh-doc---nguoi-phong

 

MỌI NGƯỜI LÀ ANH EM 

Khi đến với người nghèo, chúng con đem đến cho họ những món quà vật chất đã vậy, nhưng món quà tinh thần là các lời động viên, thăm hỏi cũng là những điều cần thiết không kém để giúp mọi người vui sống và vượt qua được những thử thách do hoàn cảnh kém may mắn của họ.  Vì thế, phải nói là các Sơ đã phải tính toán rất chi li để có thể giúp đỡ được càng nhiều người càng tốt.  Nhiều khi phải chia nhỏ các phần quà để tới tay được nhiều người hơn, và để không ai khổ quá.  Thậm chí có cụ còn chưa biết quả nho nó như thế nào; gói ngũ cốc, hộp sữa nước nó ra làm sao…  Có Sơ nhận định rằng: “Dân còn đói khổ vì nhiều người còn sống ích kỷ, hẹp hòi.  Có những người nhà cao cửa rộng nhưng không một chút động lòng trước cảnh đói nghèo của bà cụ ở ngay sát nách.  Thiếu tình thương, thiếu Thiên Chúa, mọi sự trở nên cằn cỗi quá!”  

Khi đặt chân đến các địa phương, chỉ cần quan sát sơ qua là chúng ta có thể thấy ngay rằng nếu người nghèo là người Công  giáo, thuộc về 1 giáo xứ hay giáo họ nào đó thì thường được sự quan tâm, trợ giúp của các đoàn thể, nên cũng không đến nỗi khổ quá.  Tuy nhiên, khi đến với người nghèo, chúng con không bao giờ phân biệt tôn giáo nhưng nhìn tất cả mọi người bằng đôi mắt của tình thương vì “mọi người đều là con cái của Thiên Chúa, là anh chị em của chúng ta”.  Chúng con thường được nghe những câu cảm thán thay cho lời cám ơn, như: “Sao bây giờ vẫn còn những người tốt thế?” Và lời tri ân đó, giờ đây chúng con xin được thay cho những người nghèo khổ gửi đến các vị ân nhân của Hội Hồng Ân là những người đã giúp chúng con có phương tiện để chia cơm sẻ áo cho họ.   

Và sau hết, chúng con cũng xin được mạnh dạn ngỏ ý với quý ông bà anh chị em: nếu xẩy ra có người trong gia đình hoặc người quen biết của quý vị qua đời, thay vì tặng những vòng hoa chóng tàn cho nhà hiếu hoặc cho người quá cố, sao chúng ta lại không tặng cho họ những bó hoa thiêng liêng qua việc cứu trợ người nghèo khổ?  Hoặc chúng ta cũng có thể trích một phần tiền phúng điếu để làm việc từ thiện.  Hoa sẽ tàn úa, nhưng việc bác ái chúng ta làm sẽ mang niềm hạnh phúc đến cho nhiều người bất hạnh đang rất cần đến bàn tay rộng mở của chúng ta.  Và việc từ thiện này chính là những lời cầu nguyện đắc lực nhất cho linh hồn người đã khuất: “Hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa.  Vì khi ta đói, các ngươi đã cho ăn; ta khát, các ngươi đã cho uống…” (Mt 25:34-35)

 

Xin chân thành cám ơn sự quảng đại của Quý Ân Nhân.  “Sao bây giờ vẫn còn những người tốt thế cơ chứ?!”