(Đây là Tờ Thông tin đầu tiên của Hội Hồng Ân, được gởi đến quý ân nhân vào dịp Giáng sinh, 2012)
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Hội Từ Thiện Hồng Ân đã được khai sinh từ Nhóm Thân Hữu và Truyền Giáo Kontum (gọi tắt là KMF – Kontum Missionary and Friendship), và được đặt dưới sự hướng dẫn và khích lệ của Đức Ông Chủ tịch Giuse Hoàng Minh Thắng (Roma), và ông Tổng Thư ký là Tiến Sĩ Phạm Hùng Sơn (Macon, Georgia). Dù đã được thành lập từ hơn một năm nay, nhưng mãi đến nay Hội mới có điều kiện gửi đến quý vị Bản thông tin đầu tiên. Cổ nhân đã nói “Vô tri bất mộ” – không biết thì sẽ không yêu; chúng con cũng tin điều đó là đúng. Thế nên, trong bản thông tin này cũng như các bản thông tin sắp tới, chúng con mong muốn chia sẻ với quý vị về những cảnh đời bất hạnh, những nỗi niềm khắc khoải lo âu của dân nghèo, tức là các chi thể đau khổ của Đức Kitô.
Sự chào đời của Hội Hồng Ân – Đội ngũ của những môn đệ Đức Kitô.
Hội Hồng Ân được “thai nghén” từ một nhóm người người thiện nguyện mà trong đó phải kể đến một số Tu sĩ nam nữ gốc Việt đang sống và làm việc tại Hoa Kỳ. Trong những dịp về thăm lại Quê hương, được tận mắt chứng kiến những cảnh sống thiếu thốn cơ cực của dân quê, những tương lai mờ mịt, bế tắc của trẻ thơ, những nỗi cô đơn buồn tủi của những người già neo đơn, bịnh tật, chúng con cùng nung nấu một hoài bão chung: cần làm một điều gì đó cho các chi thể đang đau khổ của Đức Kitô, phải chung tay góp sức để đem lại điều gì đó tốt đẹp hơn cho những người “đồng bào” mình. Và thế là chúng con đã bắt tay vào việc thành lập Chi Hội với tâm nguyện: “Thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”. Vì còn non trẻ với hơn 1 năm tuổi nên Hội của chúng con còn đang phải bước những bước dò dẫm và thử nghiệm, với những kế hoạch nhỏ; nhưng trong những bước đi chập chững ấy, chúng con đã nhận được sự cộng tác nhiệt tình và rộng lượng của quý ông bà anh chị em là những ân nhân của Hội Hồng Ân.
Để bảo đảm sao cho số tiền thu góp được dùng đúng mục đích, chúng con đã kêu gọi sự cộng tác của nhiều Hội Dòng tại Việt nam để cùng tiếp tay với chúng con xoa dịu những nỗi khổ của dân nghèo; và chúng con đã nhận được sự hưởng ứng của một số Hội Dòng như Hội Dòng Mân Côi Bùi Chu, Dòng Trinh Vương Bùi Chu, Dòng Đa Minh Bắc Ninh, Tu hội Hiệp Nhất Bắc Ninh, Dòng Đa Minh Thái Bình, Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm… Các Sơ đã không chỉ đem niềm vui đến cho dân nghèo tại một vài địa phương, nhưng còn mở rộng ra cho rất nhiều người thuộc các địa bàn khác nhau, theo nhịp tiến của những bước chân khai phá của mỗi Hội Dòng. Như vậy, chúng con không hoạt động đơn độc vì luôn có những người môn đệ Chúa Kitô, những con người trẻ trung, hăng say cùng đồng hành, sát cánh với chúng con trong việc phục vụ những người con cái Chúa, không phân biệt sắc tộc hay tôn giáo. Ơn gọi phục vụ dân nghèo đã khiến chúng con mạnh dạn đi đến các vùng sâu, vùng xa, nơi mà nhiều người chẳng dám hoặc muốn đến. Chính tình yêu Đức Kitô đã thúc bách chúng con đến với những người bệnh tật, lở loét vì những chứng bệnh nan y… Những con người này, chỉ nhìn thấy thôi cũng dủ làm cho người ta cảm thấy ghê sợ và muốn lánh xa. Và cũng chính tình yêu Chúa Kitô đã khiến chúng con không ngại đến với quý ân nhân để chia sẻ những tâm tình, những công việc đang làm, những nỗi băn khoăn cho dự phóng tương lai, và nhất là để tìm kiếm thêm nguồn trợ lực hầu chúng con có phương tiện mà giúp đỡ tha nhân.
Phục vụ các bịnh nhân phong cùi
Nghĩ lại thấy khôi hài vì thời gian đầu, khi nói về các bịnh nhân này thì chúng con dùng kiểu nói “các bịnh nhân phong” để nghe cho nó “nhẹ nhàng” hơn và để khỏi vô tình xúc phạm đến các bệnh nhân. Nhưng từ “phong” lại nghe có vẻ như chứng bệnh thường gặp của người cao tuổi, bằng chứng là mới nghe xong, có cụ tại Mỹ đã thốt lên: “Tôi bị phong thấp. Ông nhà tôi cũng bị phong thấp. Đau nhức lắm!” Úi chao, cái “phong” này lại là chứng “đau mình nhức xương” của các cụ cao niên, khác với cái “phong” của người bị phong cùi. Vì thế, chúng con phải trở về với danh từ thông dụng và dễ hiểu là “người phong cùi” để khỏi bị lẫn lộn.
Những người mắc phải chứng bịnh này thật là tội nghiệp! Da thịt của họ thường phát nhọt, lở loét. Khi nặng hơn thì vết thương lõm vào da thịt, lông mày rụng, thanh quản bị lở nên giọng nói khàn đục. Ngoài ra, nếu không chữa trị kịp thời thì chính các dây thần kinh cảm giác của họ cũng bị nhiễm trùng, dẫn đến tình trạng mất cảm giác bước đầu nơi vài bộ phận trên cơ thể. Sau đó, bắp thịt teo dần, gân cốt co rút, khiến 2 bàn tay trở nên co quắp. Nếu nặng hơn nữa thì các ngón tay, ngón chân bị ăn dần, cụt lại. Những điều này, nghe quả không thú vị chút nào, phải không ạ? Nếu có dịp đến thăm các trại cùi hoặc làng cùi, chúng ta sẽ rất dễ nhìn thấy các bịnh nhân dù còn rất trẻ nhưng đã phải chống gậy khi đi lại vì các ngón chân của họ đã bị cụt hết, hoặc có khi chân bị cắt đến đầu gối. Khi tiếp xúc với họ, chúng ta sẽ thấy họ có thói quen đứng nói chuyện mà luôn luôn khoanh tay để giấu đi các ngón tay tàn phế.
Thật ra thì bịnh phong cùi không phải là bịnh nan y không có thuốc chữa, nhưng vấn đề nằm ở chỗ thoạt khi phát giác mình bị bịnh phong cùi thì cả người bịnh lẫn gia đình thường rất hoang mang, kinh hãi. Họ sợ láng giềng biết chuyện, sẽ đàm tiếu, tránh né; và họ cũng bối rối không biết phải chạy chữa làm sao, nên thường cố gắng giấu kín bằng mọi cách (vả lại, thuốc chữa bịnh cùi cũng không phải là thuốc dễ kiếm ở bất cứ tiệm thuốc tây nào). Khi không còn giấu hàng xóm láng giềng được nữa, tức là khi bệnh tình đã trở nên trầm trọng thì lúc đó cũng đã quá muộn để chữa trị, nhất là khi các ngón tay, ngón chân đã rụng mất, mặt mũi đã trở nên dị dạng… Ở vào giai đoạn này, dù có chữa khỏi bịnh phong cùi thì các chi thể của họ cũng thành khuyết tật rồi. Đó là chưa nói đến chuyện họ có thể bị tách ly khỏi xóm làng để tránh tình trạng lây lan.
Làng cùi / Trại cùi / Người phong cùi ngoại trú:
Những người mắc bịnh phong cùi này có thể quy tụ lại với nhau thành từng nhóm. Nếu đông thì thành “làng cùi” với khoảng từ 30 đến 50 gia đình có thành viên mắc bịnh phong cùi sống quầy tụ với nhau; đôi khi chỉ có một vài gia đình quy tụ lại ở một góc rừng hay góc đồi núi hẻo lánh nào đó. Đấy là chúng con nói đến những trường hợp mà gia đình chấp nhận cùng đi theo với bịnh nhân. Thế còn những trường hợp bị chính gia đình hất hủi thì bịnh nhân chắc sẽ phải kiếm một xó xỉnh nào đó để tự kết liễu đời mình trong cô đơn buồn tủi. Cũng có những bịnh nhân nặng được cách ly và được nhận vào sống trong “Trại cùi”. Họ sẽ được chăm sóc cách tương đối chu đáo về sức khoẻ và được nuôi ăn miễn phí. Về phần các bịnh nhân nhẹ hơn hoặc những người không muốn vô sống trong trại, nhưng ở lại với gia đình thì được coi như bịnh nhân phong cùi “ngoại trú”. Mặt khác, nếu bịnh nhân là người Kinh thì ít nhiều họ cũng biết tự chăm sóc bản thân và giữ gìn vệ sinh tương đối tốt. Còn nếu người bịnh là người dân tộc Thiểu số (thường được gọi nôm na là người Thượng) thì thật là… hết biết! Chỉ cần điểm qua một số hình ảnh (hoặc slideshows trên youtube.com) mà chúng con chụp được khi đến thăm các làng cùi của người dân tộc Thiểu số thì quý vị sẽ hiểu chúng con muốn nói gì!
Các bịnh nhân này thật là đáng thương, phải không ạ? Nhưng cuộc đời không chỉ là một bức tranh ảm đạm, bởi lẽ bên cạnh những con người khốn khổ ấy, chúng ta lại chứng kiến những vị tông đồ anh hùng, trẻ trung, đầy nhiệt huyết, dám dấn thân chung sống với các bịnh nhân phong cùi tại các trại cùi hoặc làng cùi để săn sóc các chi thể đau khổ của Đức Kitô! Đó chính là các tu sĩ của nhiều Hội dòng đang bước theo chân thánh Damien, vị tông đồ của người cùi, để nâng đỡ, ủi an những người anh chị em khốn cùng này.
“Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi”
Sơ B, “tay anh chị” của người phong cùi: Chúng con không thể quên hình ảnh Sơ B. gắn bó với các buôn làng cùi của người dân tộc thiểu số. Nhìn cảnh các trẻ em, các bịnh nhân đeo bám, quấn quít bên cạnh Sơ thì người ta có thể hiểu được họ thương mến Sơ đến mức độ nào. Sơ B. quả là một y tá “độc chiêu”. Sơ thường chữa bịnh cách “dã chiến”, khi thì ngay tại gốc cây, khi khác lại ngay trong cái chòi lá của bệnh nhân, lưu động chỗ này chỗ kia, chứ chẳng cần “trạm xá trạm xiếc” gì cả. Sơ kể chuyện có lần vào mùa Đông, trời giá lạnh nên các gia đình thường quây quần bên cạnh bếp lò nấu bằng củi; một ông phong cùi nằm gần cái bếp ấm áp sướng quá, nên ngủ quên đi mất. Đang lúc ngủ say, chân tay ông chốc chốc lại quơ đạp như một đứa trẻ, đến nỗi thò cả chân vào cái bếp củi mà ông cũng không biết, bởi thân thể ông đã đến giai đoạn mất cảm giác. Đến lúc người nhà ngửi thấy mùi thịt khét thì mọi người mới hoảng hốt kéo ông ra và vội đưa ông đến chỗ Sơ B. để cầu cứu. Vì thấy vết thương bị phỏng quá nặng nên Sơ B. quyết định đưa ông đến Trại cùi để xin chữa trị, mà trại này lại cách đó chừng 3, 4 tiếng lái xe. Mặc kệ, Sơ B. đặt ông ngồi đàng sau xe Honda của mình, cột ông vào người Sơ để ông khỏi rớt giữa đường, và cứ thế mà phóng hết “ga”. Sơ B. hồn nhiên kể rằng: “Có lẽ vì em chạy xe như một “tay anh chị” nên em bị công an gọi lại phạt vì chạy quá tốc độ!” Sơ B. dừng xe và cho biết là bằng lái xe đang cất ở dưới chỗ ngồi của… ông cùi, nên xin nhờ công an bế ông cùi xuống giùm để Sơ lấy bằng lái xe ra trình! Nhìn ông cùi rồi nhìn Sơ B., anh công an bối rối không nói được nửa lời và cũng không dám đụng vào ông cùi, và cuối cùng đành phải “mời” Sơ B. đi tiếp, không dám phạt “tay anh chị” này nữa. Nghe kể mà chúng con ai nấy đều phì cười. Nhìn kỹ lại Sơ B. thì đúng là cũng ra dáng một “tay anh chị thứ thiệt”! Tình yêu của Đức Kitô khiến cho Chị chẳng còn biết sợ là gì!
Sơ. H., người nối tiếp bước chân thánh Damien, tông đồ người cùi: Nói đến Sơ B. thì trong tâm trí chúng con bỗng chốc lại hiện lên hình ảnh Sơ H., vị tông đồ người cùi. Nói ra thì sợ Sơ H. buồn, nhưng thú thật, trông Sơ cũng hơi … “đen đủi”, giống như người bịnh thật vậy. Lần đầu tiên gặp Sơ là lúc mà Sơ đến trao đổi với chúng con và cho biết Sơ Bề trên muốn gọi Sơ về lại nhà Dòng, tức là rời bỏ Trại cùi mà Sơ đã phục vụ nhiều năm. Một mặt thì Sơ H. muốn tuân phục vì lời khấn vâng lời đòi buộc, mặt khác thì Sơ lại thương cho các bịnh nhân phong cùi già yếu mà Sơ đã giúp đỡ bao nhiêu năm qua. Sơ sợ rằng nếu mình đi mà không có người nào khác hết lòng thương yêu và nâng đỡ họ thì không biết họ sẽ ra sao. Trước tấm lòng yêu thương quảng đại của Sơ, chúng con thật sự nghẹn lời, không biết phải góp ý làm sao.
Bên cạnh đó, chúng con cũng thông cảm với nỗi khổ của các vị Bề trên trong việc điều hành và phân bổ công tác cho các chị em. Nhân đây, cũng xin được giải thích đôi chút về cách điều hành trong các Dòng tu. Đối với những việc được coi là “dũng cảm”, có thể nguy hiểm đến tính mạng thì hầu hết Bề trên các Dòng đều để cho các thành viên được tự do tình nguyện (open for volunteers), chứ không buộc phải nhận như các công việc bình thường khác (dạy học, y tế…). Nhưng một khi đã đồng ý cho các Chị Em đến làm việc trong Trại cùi/Làng cùi thì các Bề trên cũng phải liệu cách giải thích với gia đình, thân nhân của các Chị Em vì cứ theo lẽ thường thì ai cũng sẽ cho rằng nhà Dòng “đì” con em mình nên mới gởi đến nơi nguy hiểm, thiếu thốn như thế. Đó là chưa nói đến chuyện các Sơ phục vụ người phong cùi khi có dịp trở về thăm cộng đoàn, thăm gia đình, thì lại phải đối mặt với cảnh bị mọi người dè chừng, tránh né vì sợ “Sơ này không chừng cũng bị lây cùi rồi!”
Trong trường hợp Sơ H., cuối cùng chúng con đã dùng đến câu châm ngôn quen thuộc của cánh nhà tu để góp ý với Sơ là: “Vâng lời đi trước, phép lạ theo sau” và “Hãy để Chúa làm! Chúa có cách của Chúa!” Và Chúa đã làm phép lạ thật! Chỉ 1 năm sau đó, chúng con được tin là không những Sơ Bề trên không còn gọi Sơ H. trở về Nhà Dòng mà lại còn bổ nhiệm thêm nhân sự đến làm việc chung với Sơ. Bây giờ đã có 5 Sơ làm việc cho Trại Cùi này. 5 Sơ này đều là những người tình nguyện đến phục vụ cho bịnh nhân phong cùi. Biết là nguy hiểm mà vẫn dám dấn thân đến để phục vụ, thật đáng nể!
Đọc xong những câu chuyện này, hẳn nhiều người trong chúng ta cũng sẽ tự hỏi: nếu Việt Nam còn nhiều những bịnh nhân đau khổ cũng như còn nhiều các gương anh hùng như vậy thì tại sao chúng ta không giúp họ một tay? Ngay với chính các Sơ đang phục vụ, nếu được sự quan tâm, nâng đỡ của các ân nhân thì họ cũng sẽ được khích lệ và an ủi nhiều lắm. Được như thế, chắc hẳn các bịnh nhân và cả các Sơ nữa cũng sẽ cảm thấy ấm lòng hơn!
Hội Hồng Ân, với sự trợ giúp của các thân nhân, ân nhân, đã cùng tiếp tay với các Sơ phần nào trong việc giúp đỡ các bịnh nhân phong cùi, bằng nhiều hình thức khác nhau. Có những việc chỉ cần giúp 1 lần là xong, như lát sân phơi quần áo cho các bệnh nhân, xây một vài bể nước chung; tặng bộ máy may, có kèm máy vắt sổ, kim chỉ…, và một số vải để các Sơ có thể may quần áo cho các bịnh nhân; giúp một số gia đình làm lại chiếc cửa ra vào hoặc cửa sổ; lát lại sàn nhà bằng xi-măng, thay cho nền đất ẩm ướt, hôi hám; giúp đóng chiếc giường mới cho vài gia đình để họ khỏi phải nằm đất. Bên cạnh đó cũng có những việc mang tính cách thường xuyên hằng tháng, như giúp gạo cho một số gia đình có bịnh nhân phong cùi “ngoại trú”, không còn sức lao động; trợ cấp tiền bồi dưỡng cho các cụ đau nặng trong trại. Nhu cầu vẫn còn rất mênh mông, nhưng Hội Hồng Ân vẫn cố gắng làm những công việc nho nhỏ trong tầm tay và với ngân quỹ giới hạn của mình.
Nước mắt của các cụ già! Chương trình Giúp gạo cho người già cô đơn.
Thỉnh thoảng có người hỏi chúng con là ở Việt Nam có nhiều người nghèo và thuộc đủ mọi thành phần già trẻ lớn bé, thành phần nào cũng có những vấn đề và nỗi khổ riêng; thế thì tại sao chúng con lại chọn đối tượng ưu tiên là các cụ già? Để trả lời câu hỏi này, có lẽ chúng con phải kể về sự quan phòng của Chúa trong việc chỉ dẫn cho chúng con chọn hướng giúp đỡ cho những người già nua, cô đơn, bần cùng tại Việt Nam. Bình thường, nếu không bị yểu mệnh, thì mỗi người chúng ta một ngày nào đó rồi cũng sẽ bước vào giai đoạn cao niên theo quy luật “sinh, lão, bịnh, tử”. Thời gian trôi qua bằng những bước đi tưởng chừng như chậm rãi, nhưng cũng lại nhanh đến không ngờ; đôi lúc chợt nghĩ đến tuổi đời của mình mà thấy giật mình: “Quái, mới quay đi quay lại mà đã có tí tuổi rồi!”
Qua nhiều dịp tiếp xúc với các cụ cao niên tại Hoa Kỳ, chúng con nhận thấy rằng khách quan mà xét thì các cụ tại Hoa Kỳ quả là sướng hơn rất nhiều so với các cụ già tại quê nhà. Ở Mỹ các cụ được hưởng tiền già, tiền foodstamp, được chăm sóc sức khoẻ, không phải tốn tiền mua thuốc, chữa bịnh… Ấy thế mà nhiều cụ luôn miệng than khổ vì cô đơn, không ai đến thăm! Các cụ được sống trong hoàn cảnh tốt như thế mà còn than khổ, huống chi những cụ già không con không cháu, không tiền già, không tiền thuốc thì chắc chắn họ còn khổ sở hơn biết là chừng nào. Đáng thương nhất là trường hợp của các cụ bị xã hội và ngay cả người thân trong gia đình coi như gánh nặng!
Đang khi suy nghĩ chưa biết chọn đàng nào thì Ban điều hành chúng con lại có dịp tham khảo ý kiến của các Sơ tại Việt Nam để biết rõ hơn “đối tượng” nào cần sự trợ giúp hơn cả tại địa phương của các Sơ. Lạ thay, khá nhiều Sơ đều có câu trả lời chung là “các cụ già yếu, neo đơn, đang bị bỏ rơi là cần giúp đỡ nhất”. Sự trùng hợp lạ lùng của các câu trả lời khiến chúng con tin rằng Chúa dùng trung gian các Sơ để chỉ cho chúng con đâu là điều Chúa muốn mình làm. Thế rồi càng tìm hiểu sâu xa hơn về tình trạng các cụ, chúng con lại càng thêm xác tín rằng Chúa đang muốn chúng con đi về hướng này.
Rất nhiều cụ già tuy gần đất xa trời nhưng vẫn còn phải ngày ngày vật lộn với miếng cơm manh áo. Mỗi cụ đều có một hoàn cảnh riêng mà chúng con xin mạn phép kể ra một số trường hợp như:
- – Có cụ suốt đời đi giúp việc cho gia đình người khác, nhưng thử hỏi đến lúc tuổi già, mắt mờ chân chậm, không còn làm việc, phục vụ cho chủ nhà được nữa thì rồi cụ sẽ đi đâu? Chủ nhà dù có thương cụ, họ cũng chẳng muốn cưu mang 1 cụ già mắt mũi kèm nhèm, không còn được việc nữa. Nghe thật cám cảnh nhưng đó lại là những chuyện có thật!
- – Có cụ cũng có được vài đứa con, nhưng chính chúng cũng quá nghèo khổ, nhếch nhác, phải làm việc đầu tắt mặt tối để lo cho gia đình, nuôi thân và con cái mà còn chật vật thì nói chi đến nuôi mẹ. Mấy đứa con mà chẳng đứa nào chịu nuôi mẹ, nên cụ lại lủi thủi một thân một mình, chờ đến ngày nằm xuống.
- – Và cũng không ít các cụ dù đã già, nhưng lại phải cưu mang đứa con khuyết tật hoặc tâm thần nên gánh nặng tuổi già lại càng đè nặng hơn. Có cụ phải “gánh” đứa con bị bịnh “đao” hay bị tâm thần mà láng giềng gọi là “đứa dở hơi, con ngố, thằng khùng…”; và những người mắc những chứng bịnh này thường không thể tự lo cho mình, dù đã tới tuổi trưởng thành. Nhiều cụ chia sẻ nỗi ưu tư: “Tôi mà có mệnh hệ nào thì không biết nó sống làm sao? Ai mà dám rước nó cơ chứ?”. Thấy các Sơ đến thăm, các cụ khóc suốt.
- – Rồi đến các cụ không còn sức lao động, mà thực ra có đi kiếm việc thì cũng chẳng ai thuê, nên ngày ngày, các cụ đành phải ra chợ ăn xin. Ngày nào không ai cho thì các cụ lại đi lượm rau cỏ hư thối mà các quán hàng bỏ đi để nhặt nhạnh lại mà dùng tạm qua ngày. Có cụ thì bị liệt, không xoay xở gì được. Cũng may còn có được người hàng xóm tốt bụng; mỗi khi họ ăn cơm thì cũng đưa sang cho 1 bát. Khi các Sơ đến thăm và cho gạo thì cả cụ lẫn người láng giềng đều mừng lắm vì từ nay có thêm phần gạo để nấu cơm cho cụ rồi.
- – Nếu cụ nào may mắn có con cái thì dù sao cũng còn chút an ủi tuổi già. Nhưng với chính sách “2 con là đủ” của Nhà nước, nếu mà cả 2 đứa đều đi lập nghiệp ở xa, thì làm gì còn đứa nào khác ở nhà để phụng dưỡng bố mẹ già! Cho nên không phải cụ nào cũng may mắn được con cái ở gần để chăm sóc. Có cụ phải ở chung nhà với cô em dâu, suốt ngày bị cô em dâu “tra tấn” bằng những lời cay độc: “Sao không chết đi cho rảnh”. Khi các Sơ và chúng con đến thăm, thì cụ than rằng: “Ăn nhờ ở đậu nên phải chịu nhục như thế các dì ạ. Cứ tí là chửi”. Có mặt “các dì” mà cô em dâu cũng không tha cho, khiến “các dì” cũng ê cả mặt. Chào cụ ra về mà trong lòng vừa thương cho thân phận của cụ lại vừa buồn cười vì mình cũng “ăn ké” được một “bữa chửi” no nê!
- – Và cũng không phải là cụ nào cũng có được 1 mái nhà che nắng che mưa. Không thiếu các cụ phải sống chui rúc dưới gầm cầu thang của 1 chủ nhà tốt bụng nào đó, hoặc nếu may mắn lắm thì được chủ nhà cho tá túc ở một góc xó chật chội, chẳng khác gì cái chuồng bò; vào “nhà” chỉ sợ đụng đầu và phải chịu cảnh bẩn thỉu, hôi hám.
- – Có cụ bà đã 76 tuổi, được 2 người con. Người con trai lớn bị chết vì tai nạn sập hầm mỏ than cách đây 10 năm. Người thứ hai là con gái, nay đã 51 tuổi, bị khuyết tật bẩm sinh, liệt giường. Cụ ông mất trí nhớ không làm gì được phải ngồi một chỗ. Cụ bà là người lao động chính trong nhà. Công việc vất vả cộng với sự suy yếu của tuổi già đã khiến cụ kiệt sức và ngã bịnh khiến cho hoàn cảnh gia đình càng thê thảm hơn.
Các Sơ kể thêm rằng: “Khi chúng em đi thăm các cụ, mang theo gạo hoặc quà đến biếu thì có người còn giới thiệu thêm các cụ khác còn nghèo khổ hơn nữa, đang sống chui rúc chỗ này chỗ kia, chẳng mấy ai biết đến”.
Còn nhiều hoàn cảnh rất éo le và thương tâm nhưng biết như thế cũng đã quá đủ để chúng con đi tới quyết định giúp gạo hằng tháng cho các cụ. 5 đô sẽ mua được 10 ký gạo, đủ nuôi mỗi cụ 1 tháng. Không có những “ký gạo nghĩa tình” của Hội Hồng Ân thì các cụ cũng vẫn sống, nhưng chắc hẳn là sẽ sống rất khổ sở, chật vật. Nhiều cụ khi chúng con đến thăm, đã nói thật tình rằng chỉ muốn chết thôi, khổ lắm, chẳng có gì ăn. Bây giờ được các Dì giúp cho phần gạo thì các cụ thấy rất an tâm cho những năm tháng cuối đời, không còn phải chịu cảnh bữa no, bữa đói nữa.
Nhận túi gạo mà các cụ mừng như nhận được túi vàng. Những tưởng rằng bị mọi người bỏ rơi, hất hủi, bỗng đâu lại có người quan tâm đến mình và mang gạo đến cho. Có cụ còn nói rằng: “Cứ tưởng mình như đang nằm mơ vậy”, và cụ lại khóc!
Và trong lúc chúng con đang lập danh sách các cụ già để xác định xem những cụ nào cần giúp trước tiên thì đã có 4 cụ trong danh sách “được chọn” qua đời. Nhưng chúng con tin rằng các cụ đã ra đi trong bình an và với nụ cười mãn nguyện vì đã nhận được niềm an ủi, được sự quan tâm của các Sơ, của quý ân nhân trong Hội Hồng Ân. Phần gạo của các cụ sẽ được dành cho các cụ khác, được bổ sung thêm vào danh sách thay vào chỗ của các cụ qua đời.
Sau khi đã nói đến các cụ rồi thì chúng con xin mạn phép nói về … mình một chút. Ước mơ của chúng con trong năm 2013 này là có thể “giúp gạo” cho 200 cụ ở rải rác nhiều địa phương, qua sự cộng tác của các Sơ thuộc 4 Hội Dòng khác nhau. Chỉ cần mỗi vị Mạnh thường quân nhận “tài trợ” cho 1 cụ, tức là mỗi tháng giúp 5 đô, hay một năm 60 đô là chúng con sẽ đủ sức thực hiện giấc mơ của mình; và chắc chắn rằng khi nhận được số gạo qua sự trợ giúp của quý vị, các cụ sẽ hạnh phúc lắm. Phần đóng góp của mỗi vị ân nhân sẽ lại đem đến niềm vui và niềm an ủi thật lớn cho các cụ và cho các Sơ, cho chúng con là những người đang dấn thân trong lãnh vực này.
Ngoài các chương trình giúp Bịnh nhân Phong Cùi và các cụ Cao Niên nghèo đói, chúng con còn trợ giúp cho các người khuyết tật, học bổng cho các em học sinh, người nghèo túng, cùng cực… Xin được trình bầy với quý vị trong Bản Tin lần tới!
Xin Chúa luôn ban an bình cho quý vị.