CHÀO ĐÓN MỘT SỐ CÁC CỤ MỚI

HNBN-01Một trong nhóm các Sơ mà Hồng Ân rất tâm đắc là Tu Hội Hiệp Nhất tại Bắc Ninh. Trong 8 Hội Dòng các Sơ mà Hồng Ân đang hỗ trợ, chỉ có các Sơ Hiệp Nhất Bắc Ninh là thuộc “Tu Hội Đời”, chứ không phải “Dòng Tu” như các nhóm khác. Sự khác biệt giữa Dòng Tu và Tu Hội Đời có 1 điểm nổi bật là Dòng Tu thì các thành viên chung sống với nhau, tách biệt với xã hội bên ngoài, thành 1 gia đình mới.  Còn Tu Hội Đời thì các thành viên có thể sống chung và cũng có thể sống riêng một mình hoặc trong gia đình.  Họ là nhóm “sống giữa đời”, hay còn được gọi nôm na là “tu cạn”.  Mỗi nhóm đều có những đặc điểm riêng và mỗi thành viên theo sự thúc đẩy của Chúa mà gia nhập Dòng Tu hoặc Tu Hội.

Trong số các cụ già nghèo khổ, neo đơn mà Hồng Ân đang tiếp sức với các Sơ Hiệp Nhất để giúp gạo hằng tháng, có một số cụ đã qua đời hoặc con cháu đã đủ khả năng để nuôi các cụ thì các Sơ Hiệp Nhất lại chuyển xuất gạo sang cho những cụ khác.  Vì thế, vừa qua, các Sơ đã cập nhật cho Hồng Ân trong email kèm đây.

“Chúng con gửi Sơ một số trường hợp mới để Sơ biết thêm thông tin về họ. Thời gian từ từ con sẽ gửi thông tin sau, Sơ nhé.

  1. HNBN-02345678Cô Nguyễn Thị Thơm, sinh năm 1956 (59 tuổi) bệnh suyễn từ thời con gái.  Nhà nghèo không có điều kiện chữa trị, chị ở nhà với bố mẹ.  Rồi bố mẹ qua đời, anh chị em ai có phận nấy, chẳng cưu mang được nhau.  Cô Thơm ở một mình, suốt ngày quanh đi quẩn lại với cái giường.  Cô luôn kêu chán sống, được nhận giúp đỡ hằng tháng để chị có gạo ăn và thêm chút thuốc bổ, cô Thơm thêm hy vọng, sống vui hơn nhiều và hết lòng cảm ơn gia đình sơ ở Mỹ. (Cô Khang qua đời thì cô Thơm được thay thế để ăn gạo hằng tháng của Hội.  Khi trước chúng con chỉ giúp cô chút tiền thuốc theo số người nghèo tức thời của chương trình “Tùy Cơ Ứng Biến” chứ không ổn định hằng tháng.)
  2. Bà Nguyễn Thị Vân, sinh năm 1940 (75 tuổi), có chồng và 3 đứa con, 1 trai 2 gái. Con trai đã chết vì bệnh, 1 con gái lấy chồng trong Thanh hóa, nghèo khổ nên cũng chẳng giúp mẹ được gì. Hiện bà Vân ở với con gái út là chị Hợi (sinh năm 1971, 44 tuổi). Hằng ngày mẹ con sinh sống bằng việc bán xăng lẻ và bơm xe đạp. Chị Hợi không khôn nhưng khỏe nên có thể ra cây xăng mua và bơm xe đạp. Chị không nhận được mặt tiền nên bà Vân luôn luôn phải đi cùng để giúp con vì là kế sinh nhai của gia đình bà.  Bà Vân yếu vì đau dây thần kinh.  Bà không đi thẳng được, còn chị Hợi thì không khôn, lại bị bệnh tiểu đường, đã phải mổ cắt khối u nang.  Sẵn dịp mổ này, bà Vân xin cắt cả buồng trứng cho chị Hợi vì bà nghĩ sẽ tốt cho con bà và cũng đỡ tốn tiền mua đồ cho chị hằng tháng.  Ở gần nhà các dì, có hôm các dì nghe tiếng chị Hợi nói với mẹ: “Mẹ ơi, mẹ đừng bắt con đi chợ nữa.  Con rét quá!” Nghe tiếng chị Hợi, các dì mở cửa xem sao, thấy 2 mẹ con đang lọ mọ đi chợ, lúc ấy mới là 3 giờ sáng mùa đông. Hôm sau các dì sang nhà nói với bà Vân:  “Đừng đi chợ sớm quá…”.  Bà nói vì bà nhìn nhầm giờ và phải đi sớm để may ra có ai đi chợ rau bị xì lốp xe thì còn bơm kiếm được đồng tiền. Mỗi ngày 2 mẹ con bán được 2 hoặc 3 lít xăng, lời khoảng 10 ngàn đồng (50 cents USD).  Bơm xe thì thất thường.  Có ai bơm thì họ thương tình cũng cho thêm vài ngàn để cho mẹ con sinh sống. Hai mẹ con bà Vân cũng được trợ cấp người nghèo của chính phủ mỗi tháng gần 5 trăm ngàn đồng (= 25 USD), nhưng vì cả 2 mẹ con bệnh tật nên chỉ đủ tiền thuốc.  Hai mẹ con bà Vân vẫn nhận quà Tết hằng năm của Hội Hồng Ân.
  3. Bà Nguyễn Thị Tiến, sinh 1949 (66 tuổi), cô đơn, ở một mình, hơi khờ khạo, không khôn.  Hằng ngày bà đi nhổ cỏ thuê cho bất cứ ai nhờ và họ trả công cho vài cân gạo tùy theo. 
  4. Bà Nguyễn Thị Kính, sinh 1949 (66 tuổi), bố mẹ mất nên ở với vợ chồng em trai.  Họ cũng nghèo khổ vì đông con.  Vì bà Kính không được khôn nên phải chịu nhiều thiệt thòi. Các Sơ chúng em vẫn giúp bà Kính có đủ quần áo ấm trong mùa đông và cũng giúp thêm gia đình em của bà chút quà mỗi dịp Tết. Càng khổ hơn khi mới đây con trai của người em bà Kính phải tù trung thân năm ngoái vì tội trộm cắp, sát nhân. Tình trạng của bà Kính càng khổ hơn khi sống cảnh thiếu thốn. (Chưa có hình)
  5. Bà Nguyễn Thị Ba, sinh năm 1946 (69 tuổi).  Hoàn cảnh của bà Ba thiếu thốn lắm, ốm liên miên.  Khi bị đau nhiều là bà đến các dì xin thuốc.  Bà sống cô đơn, chồng mất từ lúc mới lấy nhau được vài năm, khi đi kinh tế mới từ Phú Xuyên, Hà Tây đến Phú Lương, Thái Nguyên.  Bà có một con gái lấy chồng về quê Phú Xuyên nhưng không giúp gì được mẹ. Bà Ba ở một mình, nuôi 1 con chó để nó vừa coi nhà vừa có tiếng động. Hằng ngày, lúc khỏe đi hái chè thuê kiếm sống.  Giờ có tuổi, bà thường đau yếu luôn. Chúng con thường giúp bà cân gạo, chai nước mắm, chút thịt, thuốc thông thường. Thỉnh thoảng qua lại thăm bà.  Bà Ba nói: “Cám ơn các dì luôn an ủi động viên.  Cám ơn Chúa đã gửi các dì đến.  Cám ơn Hội Hồng Ân và Sr. T. hết lòng; xin cho bà Ba gửi tới Sơ và gia đình Sơ lời cám ơn.”  Bà Ba cứ nói mãi: “Các dì đừng bỏ con nhé, thương con với”. Làm sao mà bỏ được người nghèo, Sơ nhỉ?
  6. Cụ Ma Thị Hóa, 90 tuổi, đã mù lòa, quê ở Thanh Hóa, vì con trai đi làm và lấy vợ rồi ở rể luôn xóm Thông Nhãn, Xã Linh Sơn, Huyện Đồng Hỷ, Tỉnh Thái Nguyên. Người con gái trong Thanh hóa không nuôi được mẹ vì đã lấy chồng, đành đưa mẹ trả cho anh trai, rồi từ đó không ra thăm mẹ lần nào cả. Vợ chồng con trai cụ sinh được một cháu trai, hiện nay được 4 tuổi.  Cháu ốm quặt quẹo mãi.  Hai vợ chồng con trai cụ phải đi làm thuê từ sáng tới tối để mẹ ở nhà.  Cụ Hóa ăn bữa sáng rồi nhịn cả ngày chờ con về.  Hằng ngày cụ tự lần mò đi ra vườn vệ sinh. Khi chúng em đến thăm thấy cảnh thật đáng thương, cô đơn, thiếu thốn.  Bà đang nằm trên giường đắp một chiếc chăn mỏng, và một lõi chăn bông cũ mèm không vỏ.  Chúng em gọi  mấy câu mới thấy bà động đậy rồi ngồi dậy, mắt kèm nhèm mở chăn ra thì mùi khai xông ra. Khi đỡ cụ dậy, cụ cuống quýt ôm lấy các Sơ rồi cứ đòi hôn.  Chúng em nghĩ chắc thèm người quá. Cụ muốn uống nước, loạng quạng tìm chai nước.  Cụ cứ nói: “Con ơi, chai nước đâu rồi, mẹ khát đắng cả miệng”.  Chúng em tìm nhưng đâu có chai nước nào.  Người hàng xóm giải thích chắc 2 vợ chồng nó đi sớm nên quên không lấy nước cho cụ. Sau khi cho cụ uống nước và ăn bánh, cụ tỉnh táo lại.  Chúng em đưa quà cho cụ, nói cho cụ biết quà đến từ đâu. Cụ khóc và hỏi Hội Hồng Ân và Sr. T. ở đâu… Thương cụ Hóa đói khổ, cô đơn, có con nhưng vẫn cô đơn, đói khát, vì các con họ đang phải bươi chải để kiếm cơm. Khi chúng em tới nhà cụ Hóa đã gần 4 giờ chiều đông, trời sắp tối mà con cụ chưa về. Không biết lúc nào cụ mới được miếng cơm? Nhưng từ nay mỗi tháng cụ sẽ có 10 kg gạo và có thể thêm chút quà, thuốc bổ để giảm bớt khó khăn cho con cái cụ. Chắc chắn cụ sẽ được quan tâm hơn khi cuộc sống của con cụ bớt khó khăn nhờ sự giúp đỡ của Hội Hồng Ân. Chúng con chân thành cảm ơn Hội cho chúng con điều kiện để giúp đỡ các cụ già khó khăn cũng như nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn từ nhiều năm nay.
  7. Bà Đào Thị Nguyên, không phải cô đơn nhưng vất vả quá vì 3 đứa cháu. Bố mẹ chúng làm thuê trong miền Nam.  Hằng năm chỉ đủ tiền gửi về cho chúng đi học.  Bà còn nuôi một cô con gái bị bệnh tâm thần.  Khi chúng con đến, bà đang định đi tìm xem nó lang thang ở đâu. Vì hoàn cảnh bà Lan như thế, chúng con đưa bà vào danh sách 100 cụ ăn gạo hằng tháng để bà đỡ lo lắng hơn.
  8. Cụ Mai Văn Với, sinh năm 1939 (76 tuổi).  Cụ ở một mình từ khi cụ bà mất.  Cụ bị bệnh run chân tay.  Cụ có 3 con trai nhưng các con cụ nghèo khổ, không giúp đỡ được bố mẹ nên tự bố mẹ làm lụng sinh nhai.  Cụ bà mất cụ ông buồn quá, sinh bệnh và không lên đồi lên nương được nữa.  Hoàn cảnh của cụ đáng thương.  Cụ hiền lành chỉ biết trông cậy vào Chúa. Cụ nói:  “Con an tâm lắm rồi! 10 kg gạo của Sơ T. cho, 1 tháng con ăn không hết đâu. Thôi có gì ăn nấy, con sắp chết rồi, chẳng phải nhờ vả các con của con nữa để chúng nó đỡ chia phần nhau.  Chúa đã lo cho con. Con gửi lời cám ơn Hội Hồng Ân và Sơ T. nhiều lắm.
  9. Ông Nguyễn Văn Trào, sinh năm 1939, 76 tuổi, ngay cổng nhà chúng con.  Chúng con vẫn giúp 2 ông bà từ trước tới nay, vì 2 ông bà rất nghèo.  Bà đau thần kinh liên miên, có vài sào chè để sinh sống.  Hằng ngày 2 ông bà đi lấy củi để về bán thêm, rồi củi cũng hết. Ông mới gẫy tay phải vì ngày mưa lên đồi hái chè, không biết bao giờ mới khỏi!  Hai ông bà lo lắng lấy gì mà ăn, mà uống thuốc. Chúng con quyết định giúp ông được ăn gạo hằng tháng của Hội Hồng Ân.  Hai ông bà mừng lắm, chỉ biết cảm tạ Chúa và cám ơn Sơ T. thôi. Ông bà có 3 con trai, một đã mất vì lao lực, còn 2 con trai có gia đình nhưng nghèo như bố mẹ vậy, không giúp được gì cho bố mẹ về vật chất cả.
  10. Cụ Nguyễn Thị My, sinh 1929 (86 tuổi), cô đơn không con cái, nghèo khổ.
  11. Ông Nguyễn văn Vun, sinh năm 1934 (81 tuổi), cô đơn, nghèo khổ bệnh phổi nặng.
  12. Cụ Nguyễn Thị Mạch, sinh năm 1929 (86 tuổi): hoàn cảnh đáng thương vì có con mà không được nhờ, 2 người con trai đã lấy vợ, nhưng không đứa nào chịu cưu mang mẹ. Cụ ở một mình, kém mắt tự lo cho mình bữa đói bữa no.
  13. Ông Lê Văn Đĩnh, sinh năm 1936 (79 tuổi) và con gái là chị Lê thị Kim năm nay 46 tuổi. Hai bố con ở với nhau hơn 10 năm nay kể từ khi mẹ chị Kim qua đời.  Cả 2 bố con đều bệnh miên man.  Ông Đĩnh bệnh khớp càng ngày càng nặng.  Chị Kim bệnh đau dây thần kinh tọa.  Cả 2 bố con rất hoàn cảnh. Chúng con đã giúp 2 bố con ông đĩnh được vào số người nghèo thường xuyên của Hội Hồng Ân. Nhưng nay có một số cụ khá hơn, chúng con tạm dừng và đưa ông Đĩnh vào danh sách ăn gạo hằng tháng để 2 bố con ông đỡ khổ hơn.
  14. Cụ Nguyễn Thị Đỏ, (chưa có ảnh) sinh năm 1925 (85 tuổi), ở một mình sát với nhà con trai.  Con trai cụ Đỏ bị liệt, nhà rất hoàn cảnh. Chúng con sẽ chụp hình gửi tới Sơ sau.
  15. Ông Trần văn Nghiệp, sinh năm 1940 (75 tuổi), tai biến phải ngồi xe lăn.  Hằng ngày cụ bà phải chăm sóc cả 2 bố con là ông Nghiệp và chị Trần Thị Quang 38 tuổi, khèo chân khèo tay không làm được việc gì.  Gia đình ông Nghiệp rất nghèo khổ. Chúng con đã giúp đỡ gia đình này trong danh sách người nghèo, nhưng lần này chúng con đưa ông vào danh sách được ăn gạo hằng tháng để họ vui hơn.”

 

hoahongvang