MẸ CON CHỊ HẰNG
– Mẹ có nhà không con?
– Không! Mẹ cháu đi bắt ốc chưa về!
Sau câu nói cánh cửa liền khép lại cùng với tiếng cài then đầy lạnh lùng của cậu bé 7 tuổi.
Chúng tôi đành phải vòng xe xuống cánh đồng gần đó để tìm mẹ cháu. Chị Hằng năm nay 35 tuổi. Chị lấy chồng nhưng không được hạnh phúc. Cưới nhau không được bao lâu thì chị về sống ở quê ngoại. Ngày chị sinh con, người nhà phải nài van mãi chồng chị mới về ký giấy chứng sinh cho cháu. Ký xong rồi anh đi luôn. Gánh nặng trên vai một mình chị nuôi con.
Cháu bé sinh ra mạnh khỏe nhưng chẳng bao lâu cháu bị mắc bệnh viêm phổi. Một mình chị lo chạy chữa thuốc men. Hai mẹ con đã sống những ngày ở nhà thương nhiều hơn ở nhà. Đi viện lâu, tiền không có, đến bữa chị chỉ mua có cơm. Ai thấy cũng thương vì nuôi con nhỏ ăn cơm trắng làm sao có sữa cho con bú. Thế rồi những người ở viện cho chị thêm chút canh, chút thịt để ăn cho có “chất”!
Thời gian qua đi đến nay đã 7 năm hai mẹ con sống trong một ngôi nhà nhỏ lợp mái bờ rô. Mùa hè thì nóng như đổ lửa! Trời mưa thì dột nặng! Chỗ kê giường của hai mẹ con luôn phải giăng áo mưa lên trên. Tâm sự với chúng tôi mà chị nghẹn ngào. Chị kể cháu đã ốm đau mà các thứ bệnh dạ dày, đại tràng, trào ngược dạ dày, thoái hóa,… cứ hành hạ chị ngày đêm. Hai mẹ con thay nhau đi nhà thương rồi mua thuốc. Ngày đi bắt ốc được mấy chục ngàn, lại bòn đi mua thuốc cho con vì cứ trời trở lạnh cháu bé lại tái bệnh nặng hơn! Cứ như vậy chẳng biết đến khi nào mẹ con chị mới sửa lại được nhà. Chị biết trông vào đâu khi mà bố mẹ đã già, con đau ốm, bản thân chị cũng bệnh tật vì quá lo lắng và đau khổ!
Tương lai của hai mẹ con rồi sẽ ra sao khi mà chị chỉ biết trông vào nghề bắt ốc để sống qua ngày?
*************************
CĂN NHÀ CỦA HAI TRÁI TIM
Hình ảnh nhà quê thật thân thiết với chúng ta, nói đến nhà quê, ta không chỉ dừng lại ở quá khứ của mỗi cuộc đời là cái nôi của nền văn hóa, nhưng nhà quê còn là một phần của lịch sử, trong đó có niềm vui, nỗi buồn và cả những thân phận.
Dọc theo con đường vào xứ Lãng, thuộc xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, có lẽ không ai là không dừng lại trước một căn nhà mái ngói dột nát, nằm giữa hai ngôi biệt thự sang trọng. Nhìn thoáng qua giống như một mảnh đất có ngôi nhà để hoang lâu ngày không có người ở. Bước vào trong sân, nhìn xung quanh chẳng thấy có gì đáng giá. Những khung cửa chính và cửa sổ được ghép lại bởi những mảnh gỗ mủn và rêu xanh. Trong căn nhà nghèo nàn này có hai ông bà già sinh sống. Ông bà Khoát, năm nay đã 88 tuổi. Nhìn ông bà thật hiền lành nhưng trong đó có gì đó đượm một nỗi buồn. Cuộc sống đã làm cho những chiếc lưng còng hẳn xuống, mỗi lần đi lại thì phải chống gậy. Gánh nặng con cái, gánh nặng bệnh tật, gánh nặng mưu sinh không tiền bạc khiến ông bà rất cần đến sự trợ giúp của mọi người.
Là những người đã từng chứng kiến nỗi khổ của sự nghèo đói cả mấy chục năm nay và cho đến bây giờ, ông bà đã long đong lận đận trước cuộc sống cả về thể chất lẫn tinh thần, cho đến lúc gần chết vẫn còn mang nợ trong người. Mỗi lần tâm sự về cuộc sống của gia đình, bà không cầm nổi nước mắt, ánh mắt của ông bà nhìn xa xăm như không còn chút niềm hy vọng nào nơi cuộc sống. Suy ngẫm về sự lam lũ của một đời khốn khó, mọi cay đắng khổ cực của đời người mà ông bà đã và đang trải qua, bà kể:
Ông bà sinh được 6 người con, 4 trai 2 gái. Cả 6 người đều lập gia đình rồi nhưng gia đình nào cũng nghèo khổ không đủ điều kiện để giúp cha mẹ khi đến tuổi già. Hiện tại bây giờ có 3 cháu trai của gia đình người con cả đang ở với ông bà. Bố các cháu (tức con trai trưởng của ông bà) mất sớm. Mẹ bỏ các em lại cho ông bà nội nuôi rồi đi biệt tích không quay trở lại. Vì sinh ra trong hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các em chỉ học hết lớp 6 rồi nghỉ học. Tuổi thơ của các em trải qua trong sự thiếu thốn tư bề, không chỉ vật chất mà còn cả về tinh thần nữa. Cảm nhận được sự chật vật trong cuộc sống cũng như muốn bung mình ra khỏi căn nhà nghèo nàn rách nát này, các em bỏ ông bà để đi lên Hà Nội làm việc. Ai mướn gì thì làm cái đó, thỉnh thoảng ghé về thăm ông bà nội trong chốc lát rồi lặng lẽ ra đi.
Tuổi già sức yếu, lại thêm bệnh tật đeo bám. Ông bị bệnh tai biến nhẹ, lúc tỉnh lúc mơ, chỉ ngồi hoặc làm việc nhẹ trong nhà. Còn Bà thì mới đi mổ sỏi mật về, trong người còn yếu, đau nhức mọi chỗ, đi lại khó khăn. Bữa ăn qua ngày của ông bà chỉ là vài ngọn rau muống luộc, thậm chí có bữa vì mệt do bệnh tật không đi lại được thì chỉ ăn cơm với vài hạt muối trắng. Ngày trước, ông bà còn được trợ cấp một chút của gia đình hộ nghèo, nhưng từ khi ông bà nhận được tiền lương của người già thì họ cắt hộ nghèo luôn, tiền lương của ông bà chỉ có hơn 500.000đ một tháng, không đủ tiền mua thuốc những khi bệnh. Vì bà mới đi mổ thận về nên hiện giờ ông bà còn đang chật vật với số nợ hơn 60.000.000đ.
Trong những lúc khó khăn hoạn nạn như thế, những người mà ông bà cần đến không chỉ là những người xung quanh hay những người anh em gần gũi, mà ông bà còn rất cần đến sự hảo tâm của những người khác nữa, dẫu họ có giúp cho một tấm áo cũ, thậm chí một bữa ăn thôi cũng đáng quý lắm rồi vì, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Cầu mong sao ông bà được sống những ngày còn lại trong an bình và hạnh phúc bên nhau!