Như quý vị đã biết là đối tượng mà Hội Hồng Ân thường dành ưu tiên trong việc trợ giúp là các cụ già nghèo khổ, không còn sức lao động. Tuổi già luôn kèm theo nhiều bệnh tật, và các cụ thường bị coi như “gánh nặng” của xã hội. Không chỉ thế, ngay chính trong gia đình, trong nhà của mình, các con cháu cũng coi các cụ như những người “vô tích sự” không còn làm ích được gì nữa, nên lắm khi các cụ bị người thân trong nhà ruồng bỏ. Nhiều cụ ở một mình, không con cháu lui tới, dường như mọi người cố tình quên đi người bà, người mẹ của mình, để không còn phải bận tâm lo lắng.
Rất nhiều cụ già phải sống trong cô đơn, tủi thân tủi phận. Tình trạng đôi khi còn tệ hơn khi thỉnh thoảng có người con, người cháu nào đó đến thăm, và nghe các cụ than trách rằng: “Không có đứa nào dòm ngó đến tao!” nên cuối cùng ngay cả người “thỉnh thoảng” này cũng biến dạng luôn.
Vừa qua, Hồng Ân nhận được thơ của các Sơ Đa Minh tại Nghệ An, miền Trung. Thơ được gởi đến làm 2 lần với câu chuyện này nối tiếp câu chuyện kia.
Thơ thứ nhất, Sơ phụ trách viết:
Một buổi sáng Chúa Nhật dù đang làm việc nhưng trong lòng em có 1 thôi thúc mãnh liệt “Đi thăm bà An đi”. Thế là em bỏ mọi việc lại rồi khăn áo lên đường. Đến nơi thấy bà đang nằm chèo queo trên giường, đôi mắt sưng húp, nét mặt mệt mỏi. Bà năm nay đã hơn 80, có 3 người con gái và 1 người con trai nhưng các con bà chỉ đến với bà khi thấy có thể bòn mót gì đó cho bản thân, còn bà thế nào thì họ không mấy quan tâm.
Bước vào căn lều, hai chị em chúng em chào bà. Bà ngổi nhỏm dậy và mở to đôi mắt đã mờ nhìn hai chị em, rồi hỏi: “Ai đó?” Phải vất vả lắm bà mới nhận ra chúng em là những nữ tu. Bà bám lấy tay hai chị em và nói: “Chúa ơi, con cám ơn Chúa. Sáng nay con vừa cầu nguyện xin Chúa cho các sơ đến thăm con đi vì con hết tiền mua thuốc rồi. Con đau đớn lắm….”
Rồi bà kể cho chúng em biết là thời gian qua bà đau ốm lắm mà nhiều khi không có cơm ăn, không còn miếng nước để uống thuốc mà con cái cũng không ngó ngàng. Bà phải van lơn cô con gái lớn: “Con ơi, cứu mẹ với. Mẹ đau lắm, con đi mua thuốc cho mẹ với, nếu không mẹ chết mất”. Rồi bà lần mò tìm mấy đồng bạc lẻ còn lại trong chiếc hòm gỗ nhỏ cũ kỹ đưa cho cô con gái. Cô này đi mua thuốc về, bỏ đó cho mẹ mà không một lời hỏi han.
Khi chúng em tới cũng đã gần 10g sáng mà bà chưa được ăn sáng. Lục nồi cơm điện thì còn chút cá khô kho từ mấy ngày trước bà nói để dành ăn dần với chút cơm trắng. Thương bà, chị em đi mua cho bà tô phở và sắm cho bà thùng phở khô, mấy chai nước, chút tiền mua thuốc….
Bà cứ nắm tay chúng em nói lời cám ơn. Nhưng em nói với bà rằng chúng em chỉ là người chuyển. Bà cứ cám ơn Chúa và cầu nguyện cho các ân nhân là đủ. Bà nói ngày nào bà cũng lần hạt cầu nguyện cho những người đã làm ơn làm phúc cho bà.
Em cũng hiệp lòng với bà gửi lời cám ơn chân thành đến chị và quý ân nhân nha.
Vài tuần sau, Sơ phụ trách gởi thêm lá thơ tiếp theo câu chuyện bà An, như sau:
Chị ơi, chúng em vừa đến thăm bà An. Sắc mặt bà tái nhợt, mắt sưng húp lên vì đau. Khi chúng em hỏi thăm thì bà nói người của bà đang rất đau đớn.
Khổ thân, về bà cụ An này thì lần trước khi thấy bà bệnh quá, chúng em có nói với con gái của bà là đưa bà đi khám bệnh rồi các Sơ sẽ trả tiền cho. Nhưng sau đó nghe người ta kể rằng: muốn cho người con gái đưa mẹ đi khám bệnh thì phải trả tiền công cho bà con gái đó, chứ con cái bà chẳng có làm “không” cho mẹ bao giờ!
Rồi đã mấy lần bà An xin tiền các con để bà chữa bệnh thì các con trả lời rằng: “Chúng con phải để dành khi nào mẹ chết thì còn lo đám tang cho mẹ chứ!” Vì thế, họ không cho bà đồng nào cả!!!
Nghe thấy xót xa quá!
Dưới đây là một số hình ảnh các Sơ đi thăm các cụ và người bệnh tại Nghệ An.