Có lẽ quý ông bà anh chị em đã biết về “gốc gác” của Hội Từ Thiện Hồng Ân của chúng con, là chi nhánh hay Hội “con” của Hội Truyền Giáo và Ái Hữu Kontum, gọi tắt là KMF (Kontum Missionary and Friendship). Hội “mẹ” do Đức Ông Giuse Hoàng Minh Thắng làm chủ tịch, cùng với Ban Điều Hành mà hầu hết là các cựu chủng sinh của Kontum. Hội Mẹ được thành lập với mục đích để hỗ trợ cho những người nghèo khổ thuộc Giáo Phận Kontum. Miền cao nguyên này rất nghèo khổ, nên việc được các “người con” từ Hải Ngoại trợ giúp là điều rất cần thiết.
Về Hội Hồng Ân thì ngay từ đầu, Hội đã xin phép được trợ giúp cho dân nghèo tại các vùng sâu, vùng xa, không chỉ giới hạn ở Kontum, mà ở bất cứ nơi nào trên nước Việt Nam, với sự cộng tác, phục vụ dân nghèo của các Sơ thuộc nhiều Hội Dòng khác nhau. Vì thế, cho đến nay, Hồng Ân được 7, 8 Hội Dòng các Sơ tiếp tay trong việc phục vụ. Mỗi nhóm thi hành nhiệm vụ trong hoàn cảnh và khả năng của mình. Người ở “tiền tuyến” trực tiếp phục vụ dân nghèo tại Việt Nam, người ở “hậu phương” cổ động tình liên đới gây quỹ tại Hải Ngoại. Hội Hồng Ân còn rất mới mẻ và nhỏ bé kể cả về nhân sự lẫn tài chánh, chưa được nhiều người biết đến. Nhưng không phải vì thế mà Hồng Ân không dám bước tới để phục vụ trong khả năng giới hạn của mình.
Trong nhóm các Sơ cùng cộng tác với Hồng Ân, có các Sơ Đa Minh Thánh Tâm, với 2 tu viện ở Kontum, cũng giúp cho một số bệnh nhân phong cùi trong chương trình “Ký Gạo Tình Thương”, nhưng sứ vụ chính của các Sơ là Truyền Giáo, dạy Giáo Lý. Và có lẽ Chúa còn muốn Hồng Ân đi xa hơn, khi ngài quan phòng cho Hồng Ân được gặp gỡ các Sơ Dòng Ảnh Phép Lạ Kontum.
Cho đến nay, đây là Hội Dòng Nữ đầu tiên và … duy nhất mà các thành viên đều là người Dân Tộc Thiểu Số. Khác với các Sơ người Kinh là được nhà Dòng từ các nơi bổ nhiệm đến Kontum một thời gian rồi sẽ lại thuyên chuyển đi nơi khác, các Sơ dòng Ảnh Phép Lạ này sẽ ở luôn Kontum vì đây là nơi “chôn nhau cắt rốn” của các Sơ. Dù được thành lập từ năm 1947, Dòng Ảnh Phép Lạ vẫn chưa được nhiều người biết đến. Các Sơ cũng vẫn còn “chật vật” với tiếng Việt, nhưng sự xả thân của các Sơ với dân nghèo tại Kontum thì rất nổi bật và mạnh mẽ.
Cuối năm 2015 vừa qua, tại Houston, TX, tình cờ, Hội Hồng Ân gặp được 4 Sơ dòng Ảnh Phép Lạ Kontum mới “chân ướt chân ráo” đến Houston để du học. Tiếng Việt đã khó, tiếng Anh còn khó hơn. Và không chỉ ngôn ngữ mà đất nước Hoa Kỳ lại có cả một nền văn hoá xa lạ với các Sơ. Nhưng đó cũng là cái mốc đầu tiên Chúa dẫn Hồng Ân đến với Hội Dòng Ảnh Phép Lạ và được biết một số các Sơ đang phục vụ và ở luôn với các bệnh nhân trong Trại và các Làng Cùi.
Sau đó, qua những liên lạc với Sơ phụ trách Tông Đồ Bác Ái, Hồng Ân được biết thêm một số chi tiết như:
1. Thực phẩm: rất cần cho các bệnh nhân phong cùi đã tàn phế, không còn sức lao động. Nếu có được những thứ như gạo, mì tôm, dầu ăn, cá khô, nước mắm… thì thật hạnh phúc cho các bệnh nhân!
2. Thuốc thông thường: Ngoại trừ thuốc đặc trị cho bệnh phong cùi là do nhà nước cung cấp, các Sơ phát các thứ thuốc thông thường khác (cảm sốt, đau bụng, tiêu chẩy,…) cho các bệnh nhân và cả trại cùi Dakkia. Các bệnh nhân thì cứ gặp các Sơ bất kỳ ở đâu là họ xin thuốc uống. Phía các Sơ thì chưa có nguồn hỗ trợ ổn định hằng tháng cho việc mua thuốc, nên số lượng thuốc cũng rất bấp bênh.
Bước đầu tiên là ban Điều Hành Hồng Ân đã đồng ý hỗ trợ thực phẩm hằng tháng (chương trình “Ký Gạo Tình Thương”) với con số nhỏ là 50 bệnh nhân phong cùi. Đây là con số khởi đầu để đôi bên (Hội Hồng Ân và Các Sơ) có cơ hội từ từ hiểu hơn về cách thức làm việc với nhau. Con số sẽ được nâng dần lên theo nhu cầu của địa phương và khả năng của Hồng Ân.
Các bệnh nhân sẽ được chọn lọc từ Trại Phong Dakkia, từ làng Hlang và từ các làng rải rác khắp 3 huyện Ngọc Hồi, Đăk Glei và Tu Mrong cách nhau rất xa, trong các rừng núi hẻo lánh mà nếu đến nhà họ thì sẽ phải mất 1, 2 ngày. Khi được Hồng Ân hỏi sao các Sơ lại chọn các bệnh nhân ở cách nhau xa quá như thế, liệu có “gánh” được lâu dài chăng (“đường dài biết sức ngựa”), các Sơ cho biết rằng đây là những bệnh nhân đã tàn phế, không còn khả năng lao động. Họ sống rất nghèo khổ, rất cần sự trợ giúp về thực phẩm. Vì thế, nếu có nguồn trợ giúp lương thực cố định của Hồng Ân, thì dù biết là đường đi sẽ rất xa và khó khăn, nhưng các Sơ vẫn sẽ cố gắng giao thực phẩm mỗi quý (3 tháng) để các bệnh nhân này bớt khổ phần nào.
Nghe thật cảm động! Xin Chúa nhân từ nên nguồn trợ lực cho các Sơ để thêm sức mạnh dẻo dai đến với các bệnh nhân đáng thương này… (còn tiếp)