Dưới đây là bài viết khá đặc biệt của các Sơ dòng Trinh Vương (Nam Định). Các Sơ viết:
“Vừa qua, cha Giám đốc Caritas giáo phận Bùi Chu cứ tha thiết xin nhà Dòng em nhận trách nhiệm về một gia đình có hoàn cảnh quá khác thường. Sau khi đã cầu nguyện, chúng em nhận giúp gia đình đó cả khi sống lẫn lúc chết…” Và các Sơ đã kể chuyện về “Gia Đình Xương Thủy Tinh” như sau:
Vòng theo con sông ngoằn nghèo xã Hải Ninh, Hải Hậu, Nam Định; chiếc xe hon đa của chúng tôi dừng lại nơi một căn nhà nhỏ bé, nằm ở cuối con đường cụt. Căn nhà đó là của gia đình bà Đỗ Thị Hỗ, lọt thỏm giữa khoảng trời mênh mông, xung quanh chỉ toàn nước và cây cối.
Bà Hỗ năm nay đã 86 tuổi. Với tuổi đời như thế, tưởng rằng bà sẽ được nghỉ ngơi dưỡng lão, hưởng niềm vui bên con cháu. Nhưng với cuộc sống và hoàn cảnh của bà thì đó chỉ là ước mơ mà thôi. Thay vì được chăm sóc thì trên đôi vai già yếu, hằng ngày bà phải chăm lo cho bốn người con gái đều bị bệnh xương thủy tinh từ bẩm sinh; chỉ có thể nằm và lết đi được một chút. Đấy là chưa kể đến những phiền toái, những gánh nặng mà bà đang phải mang trong lúc tuổi già. Đôi chân khập khiễng vốn đi lại đã khó khăn, giờ lại thêm bệnh khớp càng tăng thêm đau đớn; căn bệnh tim cộng với áp huyết không ổn định khiến bà khó thở liên miên, nhất là những lúc trái gió trở trời.
Nhìn những nếp nhăn xếp đầy trên khuôn mặt và bàn tay sần sùi chai sạn, tôi hiểu rằng cuộc đời của bà hẳn đã trải qua biết bao gió sương với tháng ngày lam lũ, phải đối diện với bao là bão táp trong cuộc đời. Và quả đúng như thế, tôi không khỏi xúc động, bàng hoàng khi nghe bà tâm sự về cuộc đời mình: Lập gia đình, bà cũng ước mơ sinh được những người con mạnh khỏe lớn khôn và thành đạt, làm chỗ dựa cho bà lúc tuổi già. Nhưng nào ngờ từng người con bà sinh ra đều mang gen của Cha; căn bệnh tủy ăn sương ấy cứ đeo đuổi các con của bà; nó đã khiến bà không biết bao lần phải điêu đứng để kiếm tiền, chạy thầy chạy thuốc lo cho con, cho cuộc sống của cả gia đình…Trái tim bà nhiều lần quặn đau khi những người con thân yêu của bà vì nghèo đói, bệnh tật mà không được cắp sách đến trường học hành, vui chơi như bao đứa trẻ khác. Khó khăn cứ chồng chất đến nỗi có được bữa cơm no cũng khó, gia đình bà nhiều lần chỉ có bữa cơm bữa cháo ăn cho qua ngày. Sống trong cơ cực ấy, đã có những lúc bà phải cố gạt nước mắt để động viên con cái, cũng như chính mình vượt qua cái nghèo, bệnh tật để sống một cuộc đời có ý nghĩa và tràn đầy niềm vui… Nói đến đây, giọng của bà trìu xuống, ánh mắt đã mờ đục như muốn trào tuôn những giọt lệ. Tôi hiểu và trân trọng những giọt lệ ấy, bởi nó đã xuất phát từ con tim, từ tình yêu thương chất chứa trong lòng người một người Mẹ quả cảm, dám hy sinh tất cả vì con cái và vì cả gia đình; một đời lặng lẽ âm thầm, cố giấu những giọt nước mắt để chăm chút cho con từng tháng ngày.
Bốn người con gái của bà là:
Thứ Nhất: Chị Mái người con cả trong gia đình, mặc dù đã cụt mất một chân, chỉ có thể nằm yên một chỗ nhưng chị yêu mẹ lắm. Chị nằm đấy nhưng vẫn cố gắng giúp mẹ khâu vá lại những đồ rách trong gia đình, với mong ước là giúp mẹ được việc nào hay việc nấy. Tôi phục một người chị như chị, giữa những đau đớn bệnh tật, chị thật can đảm! Chị nói với chúng tôi rằng: “Người con có nhiều mụn đau đớn lắm. Nhưng không sao Dì ạ! Lần sau các Dì có đến, các Dì mua cho ít thuốc hoặc hộp sữa nhé, con thích lắm”.
Thứ Hai: Chị Hồng, người con thứ hai của bà Hỗ hiện tại cũng bị liệt không đi lại được, nhưng ánh mắt và đôi môi chị luôn nở nụ cười; một nụ cười của sự bình an, không phàn nàn về bệnh tật mà cũng chẳng kêu ca oán trách số phận.
Thứ Ba và thứ Tư: Còn hai người con út của bà là Chị Huệ và Chị Đông, hai chị khá hơn là có thể lết đi được một chút trong nhà, nhưng cũng phải rất cẩn thận kẻo lại gãy xương, rồi lại phải đi bó bột… Hai chị út vui tính lắm và rất có khiếu văn thơ, chúng tôi đã từng có những trận cười ngả nghiêng bởi những lời nói đơn sơ, mộc mạc nhưng đầy hài hước của các chị. Nhưng ẩn sau những niềm vui đó, chúng tôi hiểu rằng họ thật sự mong ước được đồng cảm, chia sẻ. Chị Huệ tâm sự: “Dì ơi, nhà con nghèo không có tiền mua vải giãn để may quần áo mặc cho tiện, chứ quần áo người ta cho là vải cứng, mỗi lần chúng con mặc vào đau lắm, chỉ sợ gãy xương thôi…”. Khi nghe những lời đó, tôi cảm thấy nghẹn ngào. Bởi giữa thế giới văn minh này, người ta không chỉ “ăn ngon mặc đẹp” mà còn đua nhau “ăn sang mặc mốt”, thì nơi gia đình Xương thủy tinh chỉ ước mong “ăn no mặc ấm” mà thôi. Giữa những bệnh tật và cái nghèo, họ chỉ mong ước có ai đó rộng lòng hảo tâm giúp đỡ để có thể có một viên thuốc uống cho đỡ đau, được mặc chiếc áo mới cho vừa người, được uống một hộp sữa, ăn một bát canh hầm xương… Đó không chỉ là mong ước của gia đình Xương thủy tinh, nhưng còn là mong ước của biết bao người nghèo đói. Họ thực sự cần những bàn tay đủ rộng, đủ dài để có thể giúp họ sống một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Mong lắm thay!