MỖI NGƯỜI MỘT HOÀN CẢNH

          Cuối năm 2019, Hồng Ân nhận được cú điện thoại của 1 cụ bà cao niên sống tại 1 tiểu bang miền Bắc Hoa kỳ thông tin cho biết là cụ ông, chồng bà, mới mất được vài tháng.  Với giọng đầy nước mắt, cụ bà kể về hoàn cảnh của 2 vợ chồng từ khi sang Mỹ với con cái.  Sau khi nuôi các con khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho chúng, 2 ông bà già về hưu dưỡng ở với nhau trong 1 căn nhà mà hàng xóm đều là người Mỹ.  Bây giờ, cụ ông mất rồi, cụ bà buồn lắm, nhưng không biết làm sao được.  Mỗi buổi tối về, cụ bà cô đơn thui thủi một mình trong căn nhà vắng lạnh.  Bà lo rằng: “Sơ ạ, không biết nếu có sự gì xẩy ra cho tôi thì sao đây?”  Các con bà đều đã có con cái, có đời sống riêng, không ai chịu về ở chung với bà.  Rồi bên cạnh con ruột, còn có con dâu, con rể… không đơn giản chút nào!

          Nghe bà nói, chúng con cũng thấy xót xa, nhưng không biết sẽ giúp giải quyết ra sao đây.  Nhưng rồi cụ bà chợt nói: “Tuy vậy, nhưng khi nhận tờ Báo của Hội Hồng Ân, thấy các cụ ở Việt nam, ở Kontum còn khổ hơn mình nhiều.  Mình vẫn còn phúc lắm đấy Sơ!”

          Đúng vậy, câu tục ngữ “Nhìn lên mình chẳng bằng ai, Nhìn xuống thì thấy chẳng ai bằng mình!”  chính xác cho mọi hoàn cảnh.  Vì vậy, lại một lần nữa, Hồng Ân xin chia sẻ đến quý vị một số các trường hợp của những người nghèo mà Hồng Ân và các Sơ dòng Trinh Vương ở Nam Định đã trợ giúp từ các năm qua.  Thấy cuộc đời vất vả, khốn khó của họ, lại một lần nữa, chúng ta phải nhìn nhận ra rằng: mình vẫn còn phúc lắm!

 

hoahongtim

 

CÁNH CỬA PHÍA SAU CỦA THẾ KỶ XXI

 

 TV CO DUNG 01A         “Chúa ơi, sao con khổ quá Chúa ơi???”

          Đó là tiếng kêu cứu đã từng thốt ra hàng ngàn lần của người phụ nữ từng nếm trải sự hắt hủi, cô đơn trong tuyệt vọng. Người phụ nữ ấy là cô Nguyễn Thị Dung; năm nay 42 tuổi. Với bằng ấy năm cuộc đời nhưng chưa một lần cô được nhìn thấy vẻ huy hoàng của mặt trời và sự diễm lệ, duyên dáng của tạo vật, và c..ó..l..ẽ… cô sẽ không bao giờ được nhìn thấy chúng, bởi mắt của cô bị khiếm thị bẩm sinh. Đó quả là một sự thiệt thòirất lớn đối với một con người và với cô cũng thế. Nhưng cuộc đời ai lường được chữ “ngờ”, khi cha mẹ cô mất đi, cô nghĩ mình sẽ an tâm vì còn có em trai chăm sóc, nhưng một thực tế phũ phàng là cậu em trai đã không biết bao lần chê bai hắt hủi cô. Trong đau khổ chới với cô thấy sao con người tàn ác với nhau quá vậy, bao lần cô chỉ biết âm thầm chịu đựng, ngậm ngùi trong nước mắt. Có dịp cô tâm sự:

          – Dì ơi, hai vợ chồng nhà cậu đấy bàn nhau ngăn cho con một gian nhà nhỏ để khỏi phải phiền phức. Mỗi bữa cho con được bát cơm, vừa đưa vừa chửi con là đồ ăn hại, không làm thì ăn vậy thôi. Con nghe mà nhục nhã, chỉ muốn chết đi cho rồi, sống mà phải khổ thế này??? Nó đối xử với con như con vật…

          Nói đến đây, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má, chắc có lẽ cô khóc cho cuộc đời, cho số phận của cô sao mà nó bạt bẽo như cánh bèo… Như muốn trấn tĩnh cô, tôi hỏi:

          – Cuộc đời có ai đong được nước biển, ai dò thấu được lòng người đâu, nên ai sống làm sao ông Trời biết hết mà. Nhưng cô Dung bây giờ có thể tự lập được rồi đúng không?

          Cô trả lời:

          – Sở dĩ hôm  nay con vẫn còn sống trên trần gian này là do tình thương của Thiên Chúa. Cách đây mười năm con là người ngoại giáo, thấy con khổ, mấy người bên Công giáo thương, người cho nắm gạo, người cho nồi cơm, rồi lắp điện và chỉ cho con cách cắm cơm để con không phải phụ thuộc vào cậu em trai nữa. Những Công Giáo còn dạy con cầu nguyện, nên mỗi lần con thấy lạc lõng, buồn tủi con cầu nguyện rồi Chúa ban cho con ơn bình an và can đảm. Sau đó con trở lại đạo, giờ con chỉ biết bám lấy Chúa thôi.

          Kể ra cô Dung khổ thật, sống trong căn nhà rộng khoảng 2m, dài 3m chỉ đủ kê một chiếc giường và một số thứ nho nhỏ và lối ra vào. Nền nhà vẫn còn bằng đất, nhà vệ sinh thì không có, mỗi lần muốn tắm rửa hoặc đi vệ sinh thì sang nhà hàng xóm đi nhờ, nếu họ đi vắng thì ra gốc chuối ngồi tạm. Người ta cho cô được ít tép khô, cô cho kho với nguyên một bát muối để ăn được cả tháng trời. Quần áo ai cho cái gì thì mặc cái đó. Điều cô mong ước bây giờ là không phải là nhà cao cửa rộng, cũng chẳng dám nghĩ đến ăn ngon, nhưng chỉ mong ước có được một nhà vệ sinh để tắm rửa, không phải đi nhờ hàng xóm. Đó là chuyện thực tế của người nghèo, thật đắng lòng!

          Viết về cô, tôi thấy mình thật may mắn, trong khi đó cuộc sống quanh tôi vẫn còn đó những mảnh đời nổi trôi. Giống tôi họ cũng mang một khuôn mặt, một vóc dáng, một nhân phẩm con người; giống tôi họ cũng được sinh ra và lớn lên, sống cùng một mặt trời, trên một mặt đất, họ cũng biết khóc, biết cười, nhưng họ bất hạnh hơn tôi, hơn nhiều người khác nữa. Thế nên, tôi được mời gọi hãy biết tôn trọng những gì mình đang có và hãy quảng đại để chia sẻ, trao ban những gì có thể, để những người kém may mắn được sống một cuộc đời ý nghĩa và tốt đẹp hơn.

 

red rose divider 1a

 

MẢNH VỠ TRONG ĐỜI

 

TV CHU TAM 02          Trong thinh lặng của trái tim, tôi nhớ đến một con người được coi như là những mảnh vỡ trong  cuộc đời,đã và đang từng ngày gồng mình chống chọi với bệnh tật, với nghèo đói… Đó là chú Lại Văn Tâm sinh năm 1985, quê ở Phương Định, Trực Ninh, Nam Định. Với độ tuổi 44, thiết tưởng chú đã có công danh sự nghiệp tử tế, vợ hiền con ngoan, nhưng cuộc đời có nhiều éo le quá mà cho đến bây giờ, chú vẫn sống trong hai bàn tay trắng.

          Nghe người thân kể, chú Tâm sinh ra được ông Trời phú bẩm cho một trí rất thông minh. Nhưng đột nhiên lên 10 tuổi, chú bị não, làm tê liệt hết trí khôn. Và từ đó cho đến bây giờ, suốt một quãng thời gian dài chú chỉ biết nói những từ đơn giản như gọi mẹ, hoặc biết trả lời có hoặc không vậy thôi. Cả ngày chú chỉ ngồi trên ghế, đưa ánh mắt xa xôi nhìn vào khoảng không gian vô định. Có lẽ trong cuộc đời chắc chú chưa một lần được cùng bạn bè tung tăng cắp sách đến trường, cùng nô đùa những trò chơi dân gian…

          Rồi những lần trái gió trở trời chú lên cơn giật liên tục. Nhìn vào cái đầu toàn vết sẹo, khâu vá chằng chịt, tôi hiểu đó là hậu quả của những lần co giật rớt từ trên giường xuống sàn nhà, có khi va vào đầu giườnghoặc vách tường làm sứt đầu mẻ trán.

          Không chỉ có thế, cái mũi trên khuôn mặt của chú cứ càng ngày to dần. Cũng vì hoàn cảnh gia đình nghèo, cha mất sớm, một mình mẹ bôn ba nuôi con cái lớn khôn, chỉ mong đủ ăn là tốt rồi, nên lấy đâu tiền khám bệnh, chạy chữa thuốc men cho con. Thế là cái mũi thân thương của chú Tâm không có thuốc đề kháng, nảy sinh ra bệnh nấm và cứ thế phát triển to và cứng dần. Đau đớn và ngứa ngáy quá, chú chỉ biết thở dài và gọi: “Mẹ ơi” rồi khóc như con nít.

          Người mẹ của chú cũng tràn  ngập đau khổ. Sinh con ra mong ước cậy nhờ con lúc tuổi già, nhưng cuộc đời đâu có biết được chứ “ngờ”, có ai hiểu được hoàn cảnh, gánh nặng đau thương, sự tủi hổ đang đè nặng trên đôi vai của bà.

Bà có hai người con trai và hai cô con gái. Người con trai cả vì máu làm ăn, muốn vượt cảnh nghèo luôn nên đã đầu tư tất cả tài sản vào buôn bán mà không thành, cuối cùng vỡ nợ chạy vào miền Nam, để lại cho bà hai cháu. Tuổi già, bà vừa phải chăm mình, chăm con trai bị não và chăm cháu. Nhìn dáng người tiều tụy, bước đi chậm chạp cộng thêm những vết nhăn dài chạy dài trên khuôn mặt, thêm bàn tay sần sùi chai sạn tôi hiểu cuộc đời lam lũ của bà. Ngỡ ngàng hơn khi ngồi nghe bà tâm sự: “Nhà tôi nghèo quá Dì ạ! Giá mà thằng Tâm từ thuở nhỏ, có tiền chạy chữa thì nó thì chắc không đến nỗi này. Mỗi đêm nhìn con lên cơn co giật, tôi đau đớn lắm. Giá tôi còn khỏe, thì cố đi làm chắc được mấy đồng mua thuốc cho nó bớt co giật, bớt đau đi tí nữa,…” Nói đên đây, nước mắt bà trực tuôn trào, bà cúi xuống như để ngăn những giọt nước mắt tủi nhục, cô đơn. Ngồi nghe bà tâm sự tôi mới thấu cảm những cảnh ngộ của người nghèo, thấu cảm tình thương bao la tuyệt vời của các bà mẹ.

          Vào dịp tết vừa rồi, tôi có dịp đến thăm bà và chú, điều làm tôi thắc mắc khi tại sao giữa mùa đông lạnh giá mà trên giường chỉ có chiếc chăn mỏng, cũng chẳng có nệm? Hỏi ra thì bà nói là đêm qua chú Tâm lên cơn co giật, tiểu ra giườngphải đi giặt chăn, không có máy vắt nên chờ mãi không khô, lạnh quá đành phải mượn chăn đơn của hành xóm đắp tạm…

          Viết về chú, về cuộc đời của bà tôi mới thấy số phận của những người nghèo: đói khổ, lam lũ nhưng lạc lõng, bơ vơ. Trong đức tin tôi nhận ra rằng họ cũng là chi thể của Đức Kitô, họ cũng là con của cùng một Cha trên trời. Họ cần được yêu thương, nâng đỡ; sự thiếu thốn của họ thúc giục trái tim tôi cần mở lòng để chia sẻ với anh em mình.

 

hoahongvang