2013/10/14 (OPTB) – “Tiếng khóc than của dân nghèo”

DÒNG ĐA MINH THÁI BÌNH

 

Các Sơ Đa Minh Thái Bình vẫn tiếp tục đến thăm các gia đình cơ cực mà các Sơ đã thăm viếng từ trước, đồng thời, mỗi quý, các Sơ lại đến tìm đến với một số các gia đình khác ở nhiều địa phương lân cận.  Và vừa qua, Hồng Ân nhận được thơ của các Sơ viết, trong đó, có đoạn:

 

Chúng con lại được đại diện cho Hộ Dòng để viết thư thăm quý ân nhân của Hội Hồng Ân.  Chúng con xin được chia sẻ về số các trường hợp mà chúng con đã đến thăm và trao quà:

 

Bà Đào Thị Sáu, 53 tuổi. Bà bị Tai Biến Mạch Máu Não, Thoái Hóa Xương Đùi Bẩm Sinh.  Trước đây, bà chỉ ngồi một chỗ không đi lại được nhưng bà vẫn có thể làm may và thu nhập khá ổn định.  Nhưng đến năm 2004, bà bị gãy xương 2 lần; lần thứ 2, bác sĩ nói: không bó được vì xương đã bị mục và gãy vụn. Lần thứ 3 nhập viện do sùi bọt mép và ngất xỉu, gia đình được bác sĩ cho biết: bà bị bệnh não và sau biến cố đó bà bị liệt, chỉ nằm ở một góc giường. Từ khoảng năm 2010 đến nay, bà không thể nhận thức được điều gì nữa.  Bà sống một mình trong căn nhà nhỏ cạnh đường đi. Chị dâu, bà Đàm Thị Ngân, hằng ngày đi lại chăm sóc: từ việc vệ sinh, cơm nước đến những chi phí bổ sung. Bà Sáu không thể tự há miệng mà chị dâu phải dùng tay gạy miệng bà ra để đưa đồ ăn vào.

 

Bà Trần Thị Ngân, 61 tuổi. Bà bị liệt 2 chân bẩm sinh. Ngày còn nhỏ, chân bà chỉ bị khoèo nhưng còn đi lại được. Đến năm 10 tuổi, gia đình đưa bà đi bệnh viện Thái Bình chữa chạy, bệnh không những không khỏi mà còn tệ hại hơn: bà bị liệt cả hai chân. Bà sống với mẹ là cụ Đặng Thị Vắt 93 tuổi. Hai mẹ con sống trong một gian nhà nhỏ, gọn gàng, ngăn nắp. Cụ hay bị đau đầu gối và các khớp, luôn phải dùng thuốc.  Hiện tại, bà Ngân không đi lại được bằng đôi chân nhưng tự lê đi bằng mông. Hai chân không có cảm giác, chỉ cảm thấy tê buốt khi trái gió trở trời. Ở mông có 2 cái nhọt to gây đau nhức; năm nào cũng mọc rồi to dần, có mủ và tự vỡ.  Bà còn bị đái buốt, luôn có cảm giác muốn đi vệ sinh nhưng nhiều lần bà lại “tè dầm” rồi mới biết. Bà cũng bị thần kinh nữa: nghe người khác nói to hay nói nhiều là đau đầu không chịu được và lại tè dầm.

 

Ông Bùi Văn Nghi, 53 tuổi.  Ông bị bệnh Parkinson 20 năm nay, toàn thân run rẩy, nói chậm, ngọng, không rõ.  Từ 20 năm trước, ông thấy mỏi vai rồi dần dần mỏi toàn thân; khi phát hiện bệnh, ông đã đi nhiều bệnh viện nhiều thầy lang nhưng tất cả đều bất lực. 10 năm trở lại đây: chân tay và toàn thân ông luôn run rẩy. Mọi sinh hoạt phải có người giúp đỡ: ăn uống, đi lại, vệ sinh,… Thấy đám đông, thấy có người kêu to hay thấy người đánh nhau là tự nhiên ngã xuống.

 

Chị Vũ Thị Nhàn, 42 tuổi. Trường hợp của chị thật đáng thương như câu người ta thường nói là: “Tai bay, vạ gió”. Vào một buổi sáng ngồi bán nước ở trên vỉa hè gần Nhà Thờ Chính Toà Thái Bình, tình cờ một chiếc xe máy từ lòng đường lao thẳng về phía chị Nhàn; chị ngã xuống bất tỉnh. Người tông vào chị đã kịp bỏ trốn để lại chị với những thương tích nặng nề: lệch quai hàm, gẫy gần 10 rẻ xương sườn, lồi một bên mắt,…  Chị được bà con giáo dân ở đây đưa vào Bệnh Viện Đa Khoa Thái Bình trong tình trạng rất nguy kịch và ngay sau đó chị được chuyển lên Bệnh Viện Hà Nội để chữa chạy kịp thời. Hiên tại chị chỉ nằm tại giường mà không tự ngồi dậy được, đau hết nửa người bên trái, mắt phải nhìn mờ, mắt trái khâu kín chung quanh chưa nhìn được. Chị có chồng và hai con (cháu Trang học lớp 10, cháu Vũ học lớp 5). Chồng chị phải nghỉ làm ở nhà chăm sóc chị nên cuộc sống càng ngày càng khó khăn hơn.

HỘI HỒNG ÂN:  Đúng là nghe nỗi khổ của ai cũng thật đáng thương.  Thôi thì trong phạm vi giới hạn mà chúng ta đang có, xin các Sơ tiếp tục đỡ nâng các gia đình nghèo khổ, bệnh tật này.  Hội Hồng Ân sẽ cố gắng đồng hành với các Sơ trên các chặng đường.  Cám ơn các Sơ nhiều lắm.

 

OPTB-07OPTB-08OPTB-09OPTB-10