DÒNG ĐA MINH THÁI BÌNH
Trong các dịp đến thăm người nghèo tại nhà, các Sơ dòng Đa Minh Thái Bình đã viết:
Hội Dòng chúng con rất cám ơn bác hội trưởng cùng quý ân nhân trong nhóm Hồng Ân đã tin tưởng chúng con và đã lưu tâm tới vùng miền còn nhiều gia cảnh khó khăn này. Ở đây, phần trăm người Công Giáo ít hơn nhiều so với tỉ lệ người nghèo khổ, bệnh tật. Họ đều là những người rất cần được giúp đỡ. Vượt lên sự thao thức, các bác cùng quý ân nhân đã mở rộng vòng tay yêu thương để cảm thông và chia sẻ với những gia đình nghèo khổ. Chúng con cũng rất vui khi được là cánh tay nối dài của các bác để đem niềm vui, đem tình thương đến với những người có hoàn cảnh khó khăn.
Khi chuyển trao món quà vật chất, chúng con đã trao tặng họ cả món quà tinh thần và động lực khiến các bác mở rộng vòng tay nhân ái của mình để ôm trọn những tâm hồn bất hạnh. Khi nhận quà, họ thực sự rất ngạc nhiên, khó hiểu nhưng đồng thời họ cũng thực sự rất vui, và cảm nhận được hơi ấm tình người. Không giấu nổi cảm xúc vui mừng, họ cảm ơn rối rít và chúng con xin chuyển lời cảm ơn của họ tới các bác trong nhóm Hồng Ân. Chứng kiến sự thay đổi thần thái trên khuôn mặt lo âu khắc khổ của họ, chúng con lại thầm cảm ơn các bác đã cần kiệm, đã hy sinh, đã quảng đại trao ban để cuộc sống của người nghèo tại vùng quê lúa Thái Bình phần nào được cải thiện.
Đây là những số trường hợp chúng con đã đến thăm trao tiền, tặng quà thay quý Hội:
(và các Sơ kể khá nhiều các trường hợp nghèo khổ mà các Sơ đã gặp và đã giúp, nhưng Hồng Ân xin trích một số các nố như sau:)
Bà Nguyễn Thị Hợi, 67 tuổi: Hai đầu gối sưng to, khuỵu về phía sau, chân không đứng thẳng được. Bà đã phải tháo bỏ khớp vai bên phải. Bà không thể làm việc được như những người bình thường; bà loay hoay bện chổi lúa. Vào mùa gặt, các cháu lo kiếm rơm cho bà để bà bện chổi bán. Có điều, cũng không có nhiều rơm để làm vì bà con có thể gặt lúa bằng tay nhưng lại thường tuốt lúa bằng máy (phải là rơm được gặt và tuốt cẩn thận bằng tay mới bện chổi được).
Chị Vũ Thị Nụ, 38 tuổi, có 1 bé gái tên Quỳnh, liệt nửa người, chồng bỏ. Ai có dịp tiếp xúc với chị Nụ chắc chắn sẽ ý thức hơn về giá trị của lao động đồng thời cũng có thể hiểu và cảm thông với một phụ nữ trẻ nhưng hoàn toàn bất lực trong cuộc sống, ngay cả việc chăm sóc bản thân. Năm 2008 (khi bé Quỳnh được 6 tháng tuổi) thấy đau hông phải, chị đi khám ở Bệnh Viện Đa Khoa Thái Bình; chuyển lên bệnh viện 108 Hà Nội, chẩn đoán: U rễ Thần Kinh. Sau phẫu thuật, chị bị biến chứng: liệt nửa người. Từ đó tới nay, chị thường xuyên đau buốt xương ở vùng mông và chân, đại tiểu tiện tại giường; từ năm 2010, chị có thể tự di chuyển bằng xe lăn. Vì chồng chị đã bỏ đi lấy vợ khác cách đây 2 năm nên sau thời gian chữa bệnh, chị cùng con gái về sống với bố mẹ ruột tại Quỳnh Bảo, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Mọi sinh hoạt đều nhờ mẹ giúp.
Bà Trần Thị Nhận, 60 tuổi, bị Viêm Tĩnh Mạch Các Đầu Ngón Tay. Cảm nghĩ đầu tiên của chúng con khi đến thăm bà Nhận là sự ngỡ ngàng về một “ngôi nhà hoang” giữa một làng quê đông dân cư và nhiều nhà xây mọc lên san sát. Mở cổng vào nhà, bà Nhận vui ra mặt và nói chuyện không ngớt (có người giải thích: vì lâu rồi bà không có người đến thăm trò chuyện). Hoàn cảnh của bà cũng thật thương: Bà có chồng nhưng không có con. Năm 1993, ông ta bỏ đi lấy vợ khác. Thỉnh thoảng về chỉ nhằm tính chuyện nhà đất, sau đó bỏ đi ngay. Cách đây khoảng 10 năm, dưới các ngón chân của bà nổi nhiều cục mụn, tay mất ngón, cơ thể gầy dộc,… Người dân ở đây cho rằng chị bị bệnh phong và dần dần sống cách biệt. Bà thường nhức và buốt xương ở các đầu ngón tay và khuỷu tay, gan bàn chân và gót chân; hai chân tê dại rất khó khăn trong việc di chuyển, đặc biệt là về mùa đông. Bà sống một mình trong ngôi nhà vắng lạnh, không làm được gì để nuôi sống bản thân. Đến bữa ăn, có người trong làng đưa đồ ăn đến cho bà (về mùa hè, bà có thể tự kiếm củi để lo bữa ăn cho mình).
Bà Trần Thị Thừa, 64 tuổi. Bệnh áp huyết cao (30 năm nay). Cách đây 2 năm, chị bị tê lưỡi, nói ngọng. Nhập Bệnh Viện Đa Khoa Thái Bình. Chị có chồng nhưng không có con. Trước đây chồng chị làm chủ tịch xã Quỳnh Bảo. Năm 1993, sau khi nghỉ hưu, chồng chị bỏ đi lấy vợ khác. Thỉnh thoảng anh ta về lĩnh lương và lấy đi hết những của cải chị dành dụm được, không còn quan tâm thăm hỏi chị, ngay cả thời gian chị nằm ở bệnh viện. Sức khoẻ của chị cũng rất yếu, chị bị khó nói, nói lắp, nước trong miệng liên tục ứa ra, ăn uống hay bị sặc, đi lại không vững, hay bị ngã, mắt nhìn khó “như có gì vướng ở mi mắt”.
HỘI HỒNG ÂN: Thấy hoàn cảnh các bệnh nhân như thế, thật tội nghiệp. Nhà nghèo lại lắm bệnh nên thật là vất vả cho họ. Cám ơn các Sơ thật nhiều vì đã quan tâm thăm hỏi và nâng đỡ cho họ cả tinh thần lẫn vật chất. Đó quả là niềm an ủi lớn cho họ trong khi bị mọi người quay lưng đi.