Ngày 4 tháng 9, 2013 (OPTB)

DÒNG ĐA MINH THÁI BÌNH

 

                   Các Sơ dòng Đa Minh Thái Bình đã kể tiếp về những gia đình nghèo bệnh mà các Sơ đã ghé thăm và tặng quà hoặc tiền thuốc cho họ.  Trong thư có đoạn viết về một số các trường hợp như:

 

Cụ Nguyễn Thị Năm (83 tuổi) già yếu, neo đơn.  Cụ ông đã mất hơn 10 năm nay. Cụ sinh được 4 người con trai: 3 người chết vì nghiện thuốc phiện, 1 người lập gia đình đi làm ăn xa. Một mình sống trong căn nhà trống vắng ít người qua lại, cụ Năm rầu rĩ hết sữc vì đã không được ai giúp đỡ lại còn “toàn bị người ta bắt nạt”. Vườn chuối trước nhà đã mấy năm nay không được thu: buồng chuối nào cũng bị lấy cắp; kiếm được chút củi để nấu cơm cũng bị lấy cắp; giếng khơi thì họ vứt rác xuống làm bẩn không dùng được, phải sang hàng xóm lấy nước về dùng; cửa sổ cũng bị phá và lấy trộm đồ: cụ mới bị mất 1 bịch xà phòng.

 

Gia đình ông Trần Văn Túc và bà Phạm Thị Dung ở xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình sinh được 03 người con gái trong đó 02 ngẫn ngờ, khờ khạo giống bố mẹ, còn cô thứ hai đỡ khờ hơn một chút. Dầu vậy, gánh nặng sau này sẽ đặt lên vai cô bé không được khôn ngoan này.

 

Bà Lưu Thị Thềm (74 tuổi) và ông em là ông Lưu Đình Cuốn (72 tuổi).  Cả 2 đều bị tâm thần bẩm sinh.  2 chị em đang ở chúng với người em gái là bà Chưng, là người không lập gia đình, để có thể chăm sóc và nuôi dưỡng người chị, người anh tâm thần của mình.   Bà Thềm và ông Cuốn là người … ăn không biết no, nhưng không biết làm việc, nấu nướng, dọn dẹp gì cả.  Khi các Sơ tới thăm, nói 2 người đi quét sân thì ông Cuốn ra trước quét một đường thẳng từ đầu sân ra giữa sân rồi đi tìm bàn hót rác; chúng con nhắc bà Thềm ra quét giúp em, bà đứng lên ngay. Thế là chị quét trước, em quét theo sau – vui vẻ). Bà Chưng (em gái) tâm sự: “Khổ lắm các cô ạ. Hai người cứ nói năng, kêu khóc rồi chửi bới lung tung, nhất là vào buổi trưa và ban đêm; ban ngày thì rất hay lấy gạch ném người đi đường. Làng xóm người ta kêu lắm mà tôi không biết làm sao được”. Từ năm 2010, gia đình nhận được trợ cấp xã hội là 9 đô/1 tháng/1 người bị tâm thần.

 

Gia đình bà Phạm thị Dánh (87 tuổi), cô con gái Vũ thị Lầm (54 tuổi) và cô con Vũ thị Gầy (50 tuổi).  Bà Dánh bị suy nhược cơ thể, thần kinh mãn, chân tay run, hay choáng, rất ít đi lại, chỉ nằm co quắp trong nhà 4 năm nay. Tuy vậy, khi đến bữa, bà vẫn phải cố gắng dậy chuẩn bị bữa ăn cho ba mẹ con, bởi vì hai con gái không biết nấu cơm.  Hai con gái không được khôn ngoan: Cô Lầm “suốt đời chỉ ngủ dưới đất, không nằm giường bao giờ”. Cô Gầy bị câm từ bé; mùa rét, các đầu ngón tay sưng to, nhức nhối.  Hai chị em rất hay đánh nhau, làng xóm phải đến khuyên can, lần nào cũng có chung một kết quả: cô chị khóc và sang nhà bên lánh nạn.  Bù lại, khi được những người chung quanh hướng dẫn, cô Gầy cũng biết gieo trồng rau trên mảnh vườn nhỏ của gia đình. Cô Lầm chịu trách nhiệm lấy rau bán. Nhiều lần, buổi sáng đi gánh rau đi chợ bán, cô vào nhà người ta xem video đến tối mới về; vậy là cô em không cho ăn cơm luôn.

 

Ông Phạm Văn Quyết (73 tuổi), bà Nguyễn Thị Gái (70 tuổi) và cô Phạm Thị Vui (25 tuổi).  Ông Quyết bị tâm thần, bà Gái cũng không được khôn ngoan, cô con gái lại bị câm và mất trí bẩm sinh, tay luôn quắp lại khó duỗi thẳng được.  Những ai đã biết hoàn cảnh nhà ông Quyết đều cảm thấy ái ngại, thậm chí chán ngán thay cho gia đình này. Mấy người trong xóm nói: “thật khổ, cả nhà đều không có trí khôn; nhưng nói chuyện với ông bà ấy sốt ruột lắm, chẳng đâu vào đâu”.  Ông bà Quyết tuy không được khôn ngoan nhưng rất niềm nở, vồn vã; thấy khách đến nhà, cô con gái cũng nói nhiều hơn nhưng không ai hiểu được ngôn ngữ của cô. Lần nào đến cũng thấy ông bà rất thoải mái, không hề có dấu hiệu buồn chán, chỉ có những người đã từng chứng kiến gia cảnh mới thấy buồn thương thôi.

 

HỘI HỒNG ÂN:  Đến khổ!  Nhà mà có 1 người tâm thần thì đã vất vả lắm rồi, thế mà lại có những gia đình nhiều người bị tâm thần ở chung với nhau.  Hay như thế lại… đỡ hơn?  Nhưng biết chắc rằng các người chăm sóc họ rất vất vả.  Chắc Chúa phải ban ơn sức mạnh, sức chịu đựng cho họ gấp đôi, gấp ba.  Xin các Sơ tiếp tục nâng đỡ họ để họ cảm nhận được tình thương của Thiên Chúa được diễn tả qua sự quan tâm và chăm sóc của các Sơ.

 

OPTB-04OPTB-05OPTB-06