NHỮNG NGƯỜI CON TÂM THẦN – TẬP 2

 NHỮNG NGƯỜI CON TÂM THẦN (TIẾP THEO)

 

TT 01Khi thăm viếng các cụ già lão, nghèo túng, chúng con được nghe biết thêm về những sinh hoạt hằng ngày của các cụ, và đúng là “càng biết, càng thương”. Lẽ ra ở vào tuổi này, các cụ phải được nghỉ ngơi, an dưỡng rồi, nhưng trên thực tế, một số cụ lại còn đang rất vất vả để lo miếng cơm manh áo, không phải chỉ cho mình mà còn cho con, cho cháu.  

Trong số các cụ được chọn để hưởng sự trợ giúp, rất nhiều cụ còn phải nuôi con cái bị bệnh tâm thần. Vì thế, gánh của các cụ vẫn còn trĩu nặng trên vai.  Thật quá tội nghiệp!

Điều đáng nói là tại vài địa phương, một số gia đình có con trai bị tâm thần đã chọn cách giải quyết rất tiêu cực, đó là “lấy vợ cho nó để vợ nó nuôi”.  Nhưng sự việc đâu phải đơn giản như thế, vì khi lập gia đình, họ lại sinh con đẻ cái, và trong số đó rất nhiều đứa con cũng bị tâm thần; thế rồi, gánh nặng lại tiếp tục đè nặng hơn trên vai các người vợ, người mẹ: phải nuôi chồng, nuôi con.  Khi đến thăm các gia đình này, ai cũng phải chạnh lòng thương trước cảnh một người “tỉnh táo” đang phải nai lưng làm việc từ sáng sớm đến lúc mù mịt tối để nuôi chí ít là vài ba người thân bịnh tật.  Vì thế, bên cạnh việc hỗ trợ các cụ già nua, nghèo nàn, chúng con đã mở rộng chương trình “Ký Gạo Tình Thương” đến cả những nhà có con cái bị tâm thần hoặc tàn tật để đỡ phần nào gánh nặng cho gia đình.  Vì thế, các Sơ thuộc các Hội Dòng đang dần dần gởi đến danh sách các người tâm thần tại những địa phương các Sơ đang hoạt động.

TT 02Dưới đây là thông tin của các Sơ dòng Trinh Vương viết về một số trường hợp các bệnh nhân bệnh tâm thần, trong đó có đoạn như sau:

“… Suốt tuần vừa qua em đi phát quà và đến thăm một số người mà em muốn xin thêm Chị cho họ, đi về mệt em chẳng mở máy nữa, nay em mở máy thấy tình thương của bác lại tràn sang tới những người kém may mắn là những người bị bịnh tâm thần.

Thưa bác, em xin kể cho bác một số trường hợp bị bịnh tâm thần:

–  Em Phạm Thị Tho 25 tuổi.  Em đang học đại học năm thứ 2 tự nhiên mọi người thấy em cứ nói lảm nhảm, luyên thuyên nên phải cho em nghỉ học.  Em về nhà mấy năm nay không đi làm gì, suốt ngày nằm trong buồng viết lung tung hết cuốn tập này đến cuốn tập khác.  Thỉnh thoảng em lên cơn đập phá các thứ trong nhà, đánh cả bố mẹ, chửi bới mọi người.  Nhà đã nghèo lại càng nghèo hơn.

–  Ông Đặng Văn Huấn 50 tuổi.  Ông bị bệnh tâm thần từ bẩm sinh, ông không  nói năng gì, suốt ngày ngồi đâu chảy nước rãi ra đấy, thỉnh thoảng lại bỏ đi không biết đường về.  Hiện nay bà mẹ già 87 tuổi phải trông coi và phục vụ ông.

–  Bà Nguyễn Thị Độ 66 tuổi.  Bà bị bịnh tâm thần 10 năm nay, gia đình có 2 vợ chồng ông bà và 2 người con gái.  Gia đinh rất nghèo.  Khi chúng em tới thăm, bà nói luyên thuyên luôn miệng mà không ai hiểu chuyện gì.

–  Ông Phạm Văn Hóa 65 tuổi.  Ông có người con gái tên Phạm Thị Thoa 30 tuổi.  Vợ ông đã mất được 8 năm.  TT 03Hiện nay 2 bố đều bị bịnh tâm thần: bố bị 6 năm, còn con bị 9 năm nay, chẳng ai biết làm gì.  Người con gái đi ra đường, ra chợ gặp cái gì cũng xin về ăn, thấy rất tội nghiệp.

–  Chú Trần Văn Chiêu 30 tuổi, đang học đại học.  Ngày nghỉ học, chú đi làm thêm về ngành điện để kiếm tiền cho gia đình.  Không may, chú bị điện giật, cụt đứt mất 1 cánh tay phải và cháy xém một phía đầu, ảnh hưởng đến giây thần kinh, nên bị bịnh tâm thần.  Suốt ngày chú hò hát, ngày ngày lang thang ra đường không biết lối về; mẹ già 77 tuổi phải đi tìm và dắt về.

Em thưa bác trường hợp trên và còn nhiều nữa, nếu cần, lần sau em thưa bác thêm.

Thưa bác, nhà nước ở Miền Bắc cũng có nhà thương tâm thần nhưng tình cảm mẹ con cũng không ai đang tâm đưa con vào đó vì ở đó họ phục vụ qua loa cho có tiếng mà không có tăm, bác ạ.  Nhưng ai cần đem giấy giới thiệu của địa phương đến họ cũng cho được ít thuốc bác ạ.

            Bên các Sơ Mân Côi Trung Linh thì viết kể thêm về một số trường hợp rất tội nghiệp, như trường hợp chị Nguyễn thị H., bị tâm thần, chẳng mặc quần áo.  TT 04Ai cho quần áo thì chị cứ xé nát; mùa đông rét mướt, người ta cho chăn đắp, chị cũng xé luôn.  Ăn rồi vệ sinh ra luôn, không ai dám đến gần chỗ chị ở; nếu muốn quét dọn hay tắm cho chị thì cũng chỉ lấy vòi nước đứng ngoài xịt vào rửa…  Rồi cũng có những gia đình có đến 2, 3 người tâm thần; có nhà thì cả mẹ cả con, hoặc cả bố cả con, hay cả vợ chồng con cái đều tâm thần; có người bị nhốt vào cũi; có người lúc lên cơn phải lấy giây cột lại vì họ trở nên rất hung dữ và khoẻ mạnh.  Cha mẹ, anh em, vợ con phải chạy xa hết!  Và cũng không thiếu các gia đình khi thấy con cái không bình thường thì người cha hoặc người mẹ đổ lỗi cho người phối ngẫu của mình rồi bỏ nhà đi nơi khác, để con cái cho người vợ/người chồng còn lại tự nuôi nhau mà sống.

            Nhà thì nghèo, nuôi người bình thường đã là vất vả lắm rồi, huống chi nuôi thêm người bệnh tâm thần!  Đó là chưa nói đến việc cả gia đình, anh em, con cái của người bệnh cũng bị mọi người tránh né; có người sắp thành hôn mà gia đình bên kia biết là gia đình bên này có người bị tâm thần thì cũng bị từ hôn vì sợ cái “gene” di truyền của gia đình.  

            Hồng Ân cầu mong rằng các ân nhân của Hội luôn rộng lòng cộng tác trong việc tiếp tay với gia đình các bệnh nhân để ủi an và nâng đỡ tinh thần cho họ qua việc trợ giúp những “Ký gạo tình thương” cho người bệnh.  Cùng nhau, chúng ta phụ giúp các bệnh nhân vác thánh giá cuộc đời của họ.

 

 

 

TT 05TT 07TT 06