Vừa qua, Hồng Ân đã liên lạc với các Dòng đang cộng tác để báo cho các Sơ là chương trình “Ký Gạo Tình Thương” sẽ mở rộng ra thêm cho các gia đình có người tâm thần, và nhờ thế, Hồng Ân được nghe thêm nhiều câu chuyện rất đáng thương từ các địa phương. Dưới đây là chia sẻ của các Sơ thuộc Tu Hội Hiệp Nhất. Tiếng nói của dân nghèo quá nhỏ, không ai lắng nghe; mạng sống dân nghèo cũng… quá rẻ, chẳng mấy ai lưu tâm!
Thưa Sơ kính mến,
Tình trạng vợ hay chồng bị tâm thần mà phải gánh chịu lẫn nhau thì em biết một số trường hợp, cũng như trong gia đình có con cháu bị tâm thần thì chúng em cũng biết một số trường hợp, những gia đình có người tâm thần trong nhà thì đương nhiên là khổ rồi, có nhiều lý do phải chịu vậy vì một mặt gia đình không có khả năng gửi người nhà mình đi trại, một mặt người bệnh lại nói mình không có bệnh và nhất định không đi. Nhưng đa số khi bị bệnh nặng thì đều phải cho đi viện tâm thần điều trị.
Ở đây cũng có các trại tâm thần, chúng em đã đưa người bị bỏ rơi gần chết về nuôi và nay đã khỏe mạnh lại, còn giúp được việc cho các cháu tại nhà khuyết nữa chứ. Có người bị bỏ rơi gần chết bên vệ đường, ngay gần tu viện ĐN chúng em, hàng ngày mang cơm cho anh ta, làm lều cho anh ta ở. Chúng em bị mắng mỏ là “vô công dồi nghề”. Nhưng nghĩ đến phận người, mình được ngủ trong nhà còn họ ở bờ tre nắng mưa đêm hôm muỗi ruồi. Chúng em làm lều cho anh ta, nhưng cứ làm lên là lại bị ai đó phá và trong một đêm họ đem anh ta đi đâu không biết. Chúng em đi tìm nhưng không thấy. Mấy ngày hôm sau lại thấy họ vứt anh ở vệ đường. Mới hay không chỗ nào chính quyền muốn liên lụy và họ cho anh ta lên xe cải tiến chở đến địa bàn khác, nhưng cuối cùng họ cũng vẫn chở về Đạo ngạn. Chúng em chăm sóc cho anh ta và một sáng đi lễ về thấy họ đắp chiếu cho anh ta ở vệ đường. Anh bị xe cán và máu me đầy người. Chúng em tưởng anh ta đã chết. Chúng em báo công an và chính quyền xã yêu cầu đưa anh ta đi bệnh viện. Họ từ chối, nhưng cuối cùng cũng phải chấp nhận yêu cầu của chúng em. Tuy nhiên họ lại nhờ chúng em và còn nói các sơ ứng tiền ra giúp họ nữa chứ. Vì đụng chạm đến mạng sống con người là đụng chạm đến pháp luật, nên chúng em yêu cầu chính quyền vào cuộc và chúng em đưa nạn nhân đến bệnh viện. Khi biết chúng em là nữ tu đang làm việc mà nhiều người cho là ngu thì ông giám đốc bệnh viện đã vào cuộc cùng chúng em. Ông ta ủng hộ chúng em và anh ta được điều trị và sau đó chính ông yêu cầu chuyển anh ta đến viện tâm thần Bắc giang cách dễ dàng. Thỉnh thoảng chúng em lên thăm. Anh ta mừng rỡ lắm. Chúng em đặt tên cho anh ta là anh A vì anh không biết nói gì ngoài a a. Thế là anh ta được mang tên đó. Nay ở viện tâm thần anh ta biết nói “chào cô” khi chúng em lên thăm. Nếu không có tai nạn xảy ra chắc bây giờ anh ta vẫn phải ở vệ đường. Mình cứ làm việc hết tâm và Chúa can thiệp quả tuyệt vời cho những kẻ bị bỏ rơi.
Kể qua một chuyện như thế cho Sơ nghe và chúng em cũng đã nuôi 2 người bị bỏ rơi: một người bó trong chăn bị vứt ở bãi nghĩa địa, 1 người lang thang. Hiện nay 2 người này, 1 nam, 1 nữ đang ở với chúng em tại nhà tình thương Hương La. Cậu Phúc mà chúng em đặt tên cho rất ngoan, chỉ không biết nói thôi. Năm nay em chừng hơn 24, 25 tuổi hiền lành, khỏe mạnh và giúp chúng em rất nhiều việc khi bế các cháu khuyết tật đi tắm, con trai nó khỏe hơn cả mình vậy. Lúc đưa về, em giống như 1 nắm xương bất động (cách đây khoảng 5 năm thôi mà).
Một số mẹ già phải ở và nuôi con con bị nghiện thì chúng em biết. Ở đây, người tâm thần lang thang không thiếu, có thể họ bị gia đình bỏ luôn và cũng có thể trốn trại đi lang thang. Gặp người lang thang đôi khi cho họ cái bánh mà họ cũng không lấy lại thích nhặt rác bẩn hơn…..
Có lẽ ở Mỹ không quen chịu cực nhiều nên con cái hét hay phá phách một chút là có chuyện to; còn ở đây, chị không đi lấy chồng ở nhà vì em vì cháu mà nó hành hạ cho khi nó uống rượu rồi đuổi chị ra khỏi nhà trong khi chị đã hy sinh cả đời vì cha con nó, uống rượu rồi đêm nó hét. Chúng em cảm phục và cảm thương những người chị như thế. Đây là trường hợp chúng em biết rất rõ vì đó là một gia đình của một chị đang trong cộng đoàn chúng em. Nhiều gia đình có con nếu nó bị tâm thần hẳn đi thì cho nó đi bệnh viện, nhưng đôi khi nó dở dở ương ương nên khốn khổ. Không biết thế nào mà lo cho hết được Sơ ạ, lòng mình thì đầy mà sức có hạn. Xin cầu nguyện cho chúng em.