Một trong số các địa điểm có bệnh nhân phong cùi mà Hồng Ân đang cùng các Sơ giúp gạo hằng tháng cho họ là tại Pleiku, Kontum – Gia Lai, miền Trung Việt Nam. Các Sơ thường chia sẻ rằng khi đi phát gạo cho các bệnh nhân phong cùi, lắm lúc các Sơ phải xót xa vì thấy họ quá tội nghiệp. Nhiều người đã rụng hết các ngón tay, ngón chân, hoặc bị tháo khớp đến đầu gối rồi, nên không còn sức lao động. Họ luôn phải chịu cảnh bữa no, bữa đói, hoặc kiếm được gì thì ăn nấy. Nay được Hồng Ân tặng gạo, họ mừng lắm. Có người nói với các Sơ rằng: “Con đợi lâu quá! Con mong từng ngày vì gạo không còn. Xin mãi, ai cũng hết. Ra quán người Kinh mua, không có tiền thì họ không bán, nên lại về!” Và phải công nhận là họ ăn khoẻ lắm, chứ 10 ký gạo/1 tháng, nhiều người ăn không hết đâu, nhưng với người Dân Tộc thiểu số thì chỉ cần cơm với tí muối hoặc nước mắm là thành bữa; có khi thêm món hành chiên và muối hột thì càng ngon nữa, vì nó có vị thơm của hành chiên, có vị mặn cách … ngọt ngào của muối hột; và sẽ còn ngon hơn nữa, nếu hôm đó, kiếm được vài chú… tắc kè! Và có lẽ phần nào nữa cũng vì sự tốt bụng dành cho người hàng xóm, nên cứ ai đến xin gạo mà mình có thì sẽ chia cho nhau một ít. Đến lượt mình cần gạo thì lại gõ cửa người khác.
Sơ phụ trách ở Pleiku chia sẻ: “Khi em mang gạo đến, họ mừng lắm và nói ngay rằng: Sơ ơi, con lấy gạo ra nấu cơm ngay nhá! Thấy họ mừng, em cũng cảm thấy vui theo vì họ thật sự hân hoan, hạnh phúc khi nhận được gạo, chị ạ! Chúng em xin cám ơn chị và Hội Hồng Ân nhiều lắm. Xin Chúa chúc lành cho Chị và những ân nhân đã quảng đại trợ giúp!”
Còn các Sơ tại Rạch Giá khi giúp gạo cho các cụ già thì cho biết: “Chị ơi, số tiền nhận được, chúng em mua gạo và phát làm 2 kỳ (cho 3 tháng). Mỗi kỳ 10 ký gạo, 2 hộp sữa ông Thọ và mấy gói mì tôm để các cụ ăn thay đổi. Chị thấy như vậy có được không?” Hồng Ân đã trả lời ngay cho các Sơ an tâm, rằng: “Thưa, được lắm! Tuỳ sự biến báo của các Sơ, sao cho các cụ không bị đói, không còn phải lo thiếu gạo ăn nữa là tốt rồi! Có sữa hộp và mì tôm để các cụ thay đổi thì chắc các cụ thích lắm” Hồng Ân cũng biết, có nơi, thỉnh thoảng các Sơ thay thế ít ký gạo bằng 1 ký đường, chai nước mắm hoặc 1 chai rượu mật gấu để các cụ xoa bóp trị bệnh phong thấp.
Các Sơ còn kể thêm, tại địa phương, tuy có khá nhiều người dân tộc Campuchia, nhưng thỉnh thoảng vẫn gặp những người có lòng tin mạnh mẽ vào sự phù trợ của Đức Mẹ Maria, như bà Chằm (người Campuchia) tại đây. Bà bị bệnh tim nặng. Mỗi lần sắc thuốc Nam xong, bà lại để trên bàn thờ một lúc, xin Đức Mẹ ban ơn mà chữa cho bà, rồi mới uống. Khi được hỏi là bà lấy tiền đâu mua thuốc thì bà cho biết là “Nhờ các Dì (các Sơ) cho tiền, rồi ông cha cho tiền mua… mà cũng gần hết tiền rồi! Hết tiền thì nghỉ uống thuốc!” Nghe thật tội nghiệp.
Và lại một lần nữa, Hồng Ân và các Sơ xin phó thác các người nghèo khổ, bệnh tật này lên cho Chúa. Xin Chúa chở che và nâng đỡ họ để dù cuộc sống có nhọc nhằn thế nào đi nữa, họ vẫn cảm nghiệm được tình người và tình Chúa yêu thương.