Sự ra đời của các Cô Nhi Viện Vinh Sơn và các nhà Nội Trú
Chính vì thế mà các Sơ dòng Ảnh Phép Lạ đã lập ra các Cô Nhi Viện, bắt đầu từ việc can thiệp với các gia đình hoặc buôn làng để mang các hài nhi nhỏ mà mẹ mới qua đời về nhà Dòng để nuôi, hoặc có khi nguy kịch hơn như trường hợp của cháu Long mới sinh được 6 ngày thì mẹ mất. Gia đình và dân làng quyết định chôn cháu theo mẹ. Rất may là một người dân trong làng đã bí mật báo cho các Sơ. Các Sơ đến đào bới mộ để cứu cháu, lúc đó cả người cậu bé đã tím tái, đầy máu…! Thế là lần đó các Sơ cứu được 1 cháu, nhưng còn rất nhiều cháu ở trong vùng sâu vùng xa mà các Sơ không biết hoặc không đến kịp để cứu…
Không chỉ thế, trong làng này làng kia, còn có các cháu mồ côi mẹ đang phải lang thang tự kiếm ăn, tự sống. Các Sơ đưa về nhà Dòng luôn và thế là nhà Vinh Sơn 1 dành cho các cháu mồ côi ra đời. Tên gọi “Vinh Sơn” là đặt theo tên của thánh Vincent de Paul, vị thánh của người nghèo, để xin ngài bầu cử. Rồi không chỉ thế, còn nhiều gia đình khác quá đông con (trên 10 cháu là… chuyện thường), không nuôi xuể, các Sơ cũng nhận bớt cho một vài cháu nhỏ. Hoặc có những lúc người ta mang cháu nhỏ đến bỏ trước cửa nhà thờ hoặc nhà Dòng để các Sơ nuôi. Có những trường hợp cháu nhỏ còn chưa được cắt rốn! Các Sơ nhận hết!
Cứ thế và cứ thế, Cô Nhi Viện Vinh Sơn 2, Vinh Sơn 3 … ra đời! Tổng cộng cho đến nay là có đến 6 nhà Vinh Sơn với hơn 800 trẻ mồ côi và trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bên cạnh đó, Hội Dòng còn mở thêm các nhà Nội Trú để nhận các em mồ côi lớn hơn hoặc các em tuy cha mẹ vẫn còn nhưng nhà lại quá nghèo.
Hiện nay Hội Dòng đã có được 17 nhà Nội Trú cho các em nhỏ được đi học. Nhà ít nhất là 15 em, nhà đông nhất là 85 em. Cứ nơi nào mà các Sơ đến lập tu viện thì sau đó sẽ lo liệu có thêm nhà nội trú để nhận các em trong khu vực, tránh được nhiều vấn đề khó khăn của nhà nước khi phải chuyển “hộ khẩu”.
Độ tuổi các em trong các nhà Nội Trú là từ lớp Mẫu Giáo đến xong Trung Cấp (Cấp 3). Luôn có một số trường hợp đặc biệt nên các Sơ nhận tuổi nhỏ hơn, là 2, 3 tuổi. Nếu bé quá thì sẽ được chuyển sang cho các nhà Vinh Sơn.
Việc chăm nuôi các cháu
Việc lo bữa ăn cho các cháu trong các Nhà Cô Nhi và các Nhà Nội Trú thật không đơn giản chút nào. Vì thế, các Sơ thường phải bươn chải lên rẫy trồng rau, trông mì để gia tăng thực phẩm cho mỗi bữa ăn, trồng cao su, hồ tiêu, cà phê để lấy tiền trang trải cho cuộc sống. Món ăn đặc trưng của các cháu là rau đọt lá cây khoai mì, dùng để luộc hoặc nấu canh. Đây là món ăn mà không một người dân tộc nào không ăn, và có thể ăn một cách ngon lành!
Đối với các em đã xong cấp 3, nếu muốn học lên thì có thể tiếp tục theo học cao đẳng hoặc học nghề. Trong các em này đã có người làm bác sĩ, người đi tu làm linh mục, làm thầy… Hoặc nếu có em nào đã trưởng thành và muốn tiếp tục ở lại phụ giúp với các Sơ thì cũng được các Sơ đón nhận và trả lương.
Nghe thương quá, phải không ạ? Thương cho các cháu và cũng thương cả cho các Sơ. Thật đúng là càng hiểu lại càng thương và càng thương thì lại càng hiểu!
Thấy Hồng Ân xót xa cho các cháu như vậy, các Sơ cho biết thêm: “Đúng là các cơ sở này còn thiếu thốn lắm. Tuy vậy, các em ở trong các Trại Mồ Côi Vinh Sơn và các nhà Nội Trú còn được chăm sóc, no đủ hơn các em nhỏ khác ở trong các làng, ở các vùng xa vùng sâu nhiều! Các em ấy dù có cha có mẹ nhưng không đủ ăn, đủ mặc. Khổ lắm!”
Và lại một lần nữa, Hồng Ân phải dùng câu nói của mẹ Teresa Calcutta mà tự nhủ rằng:
“Tôi không thể cứu giúp hết mọi người nghèo trên thế giới này. Nhưng tôi có thể giúp người nghèo tôi gặp trước mắt. Và như thế cũng bớt đi được một người nghèo!”
Hồng Ân rất mong các ân nhân cùng đồng hành để chúng ta hỗ trợ thêm cho các Sơ và cho các bé, quý vị nhé!