Vừa qua, Hồng Ân nhận được thơ của Sơ phụ trách giúp người nghèo tại Hoà Trung (miền Tây), là 1 trong 2 nơi tại Cà Mau mà Hồng Ân đã hỗ trợ gạo cho một số các cụ già. Ai đã đến Cà Mau thì có lẽ lúc đi cũng có chút bâng khuâng, xót xa… vì người dân ở đây thật nghèo. Nếu ở thị xã Cà Mau thì tương đối còn “văn minh”, nhưng những người sống ở làng quê thì thật vất vả, và cũng khó để kiếm công ăn việc làm. Người trẻ, khoẻ mà còn không biết sinh sống làm sao, thì nói chi đến các cụ già yếu, không còn sức lao động.
Thơ của Sơ Đinh Linh, phụ trách việc bác ái từ thiện, có đoạn như sau:
Em xin kể cho chị một vài câu chuyện về các cụ già tại Họ Đạo Hòa Trung – Cà Mau là những người đang được Hội Hồng Ân trợ giúp hằng tháng đây chị nhá. Thấy thương các cụ lắm chị ạ.
Người thứ nhất là Cụ Hồ Thị Hà, người chung quanh thường gọi là bà Năm Năng. Năm nay cụ đã 82 tuổi. Cụ sống với đứa cháu trai đang học lớp 7. Gia cảnh của 2 bà cháu thật tội nghiệp. Gia đình bà xa nhà thờ, ở khu vực hẻo lành, đường đi còn gập ghềnh, khó khăn. Nơi hai bà cháu ở không có điện, không có nước, nên bà phải đi mua từng chum về sử dụng. Hàng xóm thấy vậy để cho gia đình bà một ngọn điện nhỏ thắp vào buổi tối, mỗi tháng phải đóng 60,000 đồng (3 đo). Bà chẳng làm gì ra tiền, nên đó cũng là một số tiền lớn cho bà. Mỗi lần đến thăm, em (Sr. Đinh Linh) phải để xe ở ngoài lộ, rồi đi bộ vào nhà.
Chị biết không, mặc dầu hoàn cảnh rất thiếu thốn nhưng hai bà cháu rất có lòng cho việc chung. Đứa cháu thì ngoài những giờ tới trường là có mặt tại nhà thờ để lo giúp lễ, đánh đàn, lo việc phụng vụ rất tốt. Còn bà cụ thì hằng ngày bà lên nhà thờ làm cỏ. Bà làm rất khỏe và không chỉ làm cỏ mà còn trồng nhiều loại bông hoa làm cho khuôn viên nhà thờ trở nên rất đẹp. Bà lúc nào cũng nghĩ tới việc chung, thậm chí có những hôm bà bị ốm sốt, người rất mệt mỏi nhưng bà cũng cố lê bước tới nhà thờ để làm tiếp việc này, việc kia. Bà nói: mình tranh thủ làm vì sắp tới ngày Lễ rồi, mình để bê bối như vậy không thể coi được.
Chị ạ, em thấy hình ảnh của bà quả là một tấm gương cho em phải suy nghĩ, một sự cho đi, không nghĩ tới riêng mình, luôn có tinh thần chung, quên đi mọi mệt nhọc của tuổi già để phục vụ Giáo Hội.
Người thứ 2 là bà nguyễn Thị Phấn, hay còn gọi là bà Tám. Bà năm nay đã 78 tuổi rồi. Bà sống một mình, xa nhà thờ. Chân của bà bị đau nên bà đi lại cũng khó khăn. Thế nhưng, hằng ngày bà vẫn làm bánh bò và bê đi bán khắp làng ngay từ khi trời vừa rạng sáng. Bà cố gắng tự lo cho cuộc sống bao nhiêu có thể. Ngoài phần gạo Hội Hồng Ân cho hằng tháng, bà cố kiếm thêm chút tiền qua việc bán bánh bò để có thêm chút mắm, chút muối cho bữa ăn và trang trải mọi sinh hoạt.
Không những thế, bà còn lo cho công việc chung rất tốt. Hằng ngày, sau giờ đi bán bánh bò là bà cùng với cụ Năm Năng đến nhà thờ làm cỏ, tới trưa mới về. Trên đường về nhà, hai bà còn nhặt nhặn những chai nhựa người ta vất ở đường về bán ve chai, hoặc là ôm những bó củi về để thổi cơm…. Chiều đến, 2 bà lại có mặt để đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót lúc 15 giờ. Hai bà nói: ngày nào Chúa cho mình đủ sức để đến với Chúa thì mình cứ đến, mình không bỏ Chúa đâu. Các bà rất tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa… Nghe thương quá hả chị?
Người thứ 3 là bà Đàm Thị Ân. Bà năm nay đã 85 tuổi rồi. Bà sống cùng cháu gái đang học lớp 3. Cả hai bà cháu sống trong căn chòi rất tội nghiệp, ngày nắng thì trong nhà nhìn thấy mặt trời, ngày mưa thì nền nhà lầy lội như đám ruộng. Bà mới bị té gãy chân. Giờ vẫn cũng chưa lành hẳn nên bà đi lại còn khó khăn. Các con của bà đều đi làm xa và chẳng đoái hoài tới cuộc sống của bà. Bà còn bị nặng tai nên không nghe được người khác nói.
Hai bà cháu sống qua ngày nhờ sự giúp đỡ của mọi người. Hằng ngày cháu gái phải đi câu hoặc đi mò con cua con cá về làm thức ăn; còn buổi chiều thì cháu đến trường. Khi nhận được những bao gạo mà Hội Hồng Ân giúp, bà mừng và cảm động lắm. Mặc dù cuộc sống đầy những khó khăn nhưng bà vẫn tin tưởng vào Chúa. Bà phó thác tất cả vào Chúa và bà tin rằng Chúa sẽ không bỏ rơi bà…
Khi nghe biết về hoàn cảnh các cụ như thế, Hồng Ân, lại một lần nữa, cám ơn quý ân nhân đã cộng tác với Hồng Ân để đem niềm vui đến cho các cụ trong những tháng ngày cuối đời, giúp các cụ bớt cực nhọc lo kiếm gạo. Sự quảng đại của các ân nhân, chắc chắn sẽ được đền bù bằng những Hồng Ân trong cuộc sống mà Thiên Chúa sẽ trao tặng lại một lúc nào đó trong cuộc sống cho quý vị. Amen.