VỀ MIỀN TÂY – KIÊN GIANG

01-kien-giangĐầu tháng 7 vừa qua, cùng với các Sơ Đa Minh Thánh Tâm, Hồng Ân lại bắt đầu bước tới 1 vùng sâu, vùng xa khác thuộc tỉnh Kiên Giang, miền Tây Việt Nam.  Việt nam là quốc gia nghèo thứ 53 trên thế giới, nên có nhiều người nghèo là chuyện đương nhiên, dù vẫn có các Công Tử Bạc Liêu, các Đại gia và “Siêu Giầu” thản nhiên vui sống, không khác nào chuyện Phú Ông và người ăn mày Lazarro trong Kinh Thánh.  Và vì quỹ có hạn, nên Hồng Ân chỉ có thể chạm đến một số rất nhỏ các người “siêu nghèo” tại một số nơi, qua sự phục vụ của quý Sơ, ưu tiên vẫn là các cụ già cô đơn, già yếu, gần đất xa trời, để ít là trong giai đoạn cuối của cuộc sống, các cụ cảm nhận được sự ấm áp của tình người.

Mỗi lần tiến bước đến thêm một địa phương nào, Hồng Ân lại được nghe kể nhiều về dân tình ở đấy:

Trước hết, về địa lý, Kiên Giang nằm tận cùng phía tây OPTT-SET-01nam của Việt Nam, trong đó lãnh thổ bao gồm đất liền và hải đảo. Phía Bắc giáp Campuchia, phía Nam giáp tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau, phía Tây giáp vịnh Thái Lan, phía Đông lần lượt tiếp giáp với các tỉnh là An Giangthành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang.

Trong số các cụ mà Hồng Ân nhận giúp cũng có những cụ có con cháu, chứ chẳng phải là không, nhưng các cụ rơi vào tình cảnh đúng như câu Tục Ngữ mà chúng ta thường nghe “Mười con không nuôi nổi một mẹ”.  Con cái các cụ tản mác nhiều nơi, và thường thì cái nghèo kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác.  Các gia đình nghèo thường rất đông con, nhưng chúng phần lớn không được đi học, hoặc phải bỏ học sớm, nên thế hệ con cái cũng nghèo.  Rồi đến thế hệ cháu chắt cũng thế, không vươn ra khỏi được cảnh “Con vua thì lại làm Vua.  Con sãi ở Chùa lại quét lá đa”; trong đó, phải nói đến cả yếu tố thiếu ý chí để thoát khỏi cảnh nghèo của những người còn sức lao động.

            Các cụ được giúp thuộc nhiều Tôn Giáo khác nhau như Công Giáo, Phật Giáo, Hoà Hảo,… hoặc không theo đạo nào, vì các cụ được chọn lựa theo tiêu chuẩn nghèo khổ, khốn cùng.  Bởi vậy, trong nhóm các cụ ở miền Tây lần này có một số là “Việt Kiều”, và đương nhiên không phải là Việt Kiều Mỹ mà là Việt Kiều gốc Campuchia hay người Dân Tộc thiểu số.  Có những cụ chẳng biết mình mang “họ” gì, chỉ dùng theo thứ tự trong gia đình, kèm theo “sắc tộc” như cụ “Tư Miên”.  Rồi đến các cụ “Thị Út Chua” 81 tuổi, cụ “Thị La Lâm” 70 tuổi, vì không biết họ của mình, nên trên giấy tờ đành dùng chữ “Thị” đi trước để chỉ phái tính là “người nữ”.

            Trong các cụ, có người làm nghề… “thầy bói”, hay nói đúng là “bà bói” để kiếm sống, dù cụ cũng chẳng biết gì về bói toán.  Với “nghề nghiệp” đặc biệt này, có lúc cụ phải “nịnh” khách hàng (“bà có tướng phú quý, có tai quá đẹp”, “bà sắp có tin vui”), lúc phải “đe” (“bà sắp gặp tai nạn khủng khiếp”) mà vẫn có người tin!  Về sau, được cha, Sơ khuyên giải quá, cụ đổi sang nghề … lượm ve chai.  Nhưng không biết, thỉnh thoảng buồn tình cụ có trở về nghề bói toán cũ chăng.

            Rồi cũng có vài cụ phải nuôi cháu nhỏ thay bố mẹ chúng.  Có cụ chồng chết, con trai chết, con dâu bỏ đi, để mấy đứa cháu lại cho bà nội nuôi.  Cả đời cụ cứ lận đận hết nuôi con đến nuôi cháu.  Tuổi đã già, nuôi chính mình còn vất vả, nay lại còn phải nuôi thêm các cháu.  Và cụ cứ phải xin đi “mót lúa” chỗ này chỗ kia.

            Và cũng có cụ già yếu quá, không làm gì được nữa, nên cô con gái dù bị khuyết tật, không đi được, nhưng cũng cố gắng may quần áo để nuôi bố và các cháu nhỏ đi học.

            …

            Đến thăm các gia đình nghèo, nhiều lần các Sơ phải bước ra về với tâm trạng nặng nề, xót xa.  Lời an ủi, động viên lắm lúc cũng thấy thừa.  Họ cần sự trợ giúp cụ thể hơn.  Các Sơ đã chuyển đến cho Hồng Ân một danh sách dài và xin Hồng Ân “chọn dùm” vì ai cũng ở hoàn cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”.  Các Sơ khôn thật đấy!  Hồng Ân đọc xong, cũng lại không biết chọn ai, bỏ ai, nên gởi trả lại các Sơ, xin các Sơ là người ở sát với họ, biết nhu cầu của từng người hơn.  Hồng Ân không dám nhận nhiều vì việc kiếm ân nhân để hỗ trợ không phải là chuyện dễ.  Và cũng không phải ân nhân nào cũng giúp cố định hằng năm, mà lắm khi họ chỉ muốn giúp 1 lần rồi thôi.  Biết về các cụ thì thấy thương thật đấy, nhưng lắm lúc “lực bất tòng tâm”, chẳng lẽ 5 đồng tiền gạo hằng tháng, còn phải chia đôi cho 2 cụ, mỗi cụ 2.50 đồng/1 tháng?  Mà có chia nhỏ ra thế nào thì số người nghèo vẫn còn vô hạn.  Hồng Ân xin phó thác mọi sự trong tay Chúa, và đành tự an ủi rằng: “Thời của Chúa Giêsu cũng bao nhiêu người nghèo, người ăn xin, người phong cùi…”  Xin Chúa đánh động tâm hồn những đại gia, những vị “Siêu giầu” đang ở ngay bên người “Siêu Nghèo” chăng?  

 

 

 

 

hoahongvang